Những ngày này, truyền thông quốc tế đăng tải nhiều bài viết phân tích vì sao Nhật Bản ứng phó hiệu quả với thảm họa thiên nhiên; và cho rằng khi thiên tai đã trở nên thường xuyên hơn thì rất cần xem xét cách tiếp cận của người Nhật.
Thảm họa thiên nhiên là “chuyện thường ngày” ở Nhật Bản khi mà quần đảo này nằm dọc theo Vành đai lửa - một cung động đất và núi lửa hoạt động ở Thái Bình Dương. Điều nổi bật của quốc gia này là cho dù một thảm họa có gây thiệt hại lớn đến đâu thì công tác cứu trợ sau thảm họa được tiến hành rất trật tự. Không có tình trạng hỗn loạn ở các điểm sơ tán cũng như không có việc hàng hóa cứu trợ bị lãng phí.
Ông Kenji Nishikawa - Chủ tịch Nghiệp đoàn Kanto Joho, cho biết ngay từ mẫu giáo trẻ em Nhật đã được học các bài học về làm thế nào để giữ được an toàn cao nhất trong trường hợp xảy ra thảm họa, đặc biệt là động đất. “Các cơ sở mầm non phải ưu tiên hàng đầu cho sự an toàn của trẻ em trong các trường hợp khẩn cấp, vì trẻ nhỏ khó có thể tự tìm ra cách bảo vệ mình trong những tình huống như vậy” - ông Kanto nói.
Còn ông Kyoko Tsukigase - giáo sư tại Đại học Kokushikan cho rằng, nếu không được huấn luyện từ nhỏ, bạn sẽ như thể bị trói chân trói tay trong trường hợp xảy ra thảm họa.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản thường xuyên cảnh báo để ứng phó với một trận động đất mạnh, mỗi hộ gia đình nên dự trữ đủ thực phẩm và nước để dùng trong 3 đến 7 ngày đồng thời chuẩn bị sẵn một lượng “saigaishoku” cần thiết. Trong tiếng Nhật, “saigaishoku” được hiểu là thực phẩm dùng trong thảm họa, với những loại đồ ăn bao gồm các loại thực phẩm ăn liền không cần nấu nướng như cơm ăn liền, mì cốc, các loại rau ăn liền, cari ăn liền, các loại đồ hộp như thịt hộp, cá hộp, đậu hộp; các loại thức ăn khô bổ sung dinh dưỡng: bánh quy, kẹo chocolate, thanh lương khô calorie mate…
Tiến sĩ Hiroki Hara, chuyên gia cứu trợ thảm họa tại Tokyo, cho biết càng ngày càng có nhiều loại thực phẩm loại này và công chúng cũng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc dự trữ đồ dự phòng khẩn cấp tại nhà. Đồng thời, chính quyền cũng tăng cường đầu tư vào việc giảm nhẹ thiên tai, thông qua tài trợ của khu vực công, kỹ thuật địa chấn và những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI). Hồi tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Nhật đã thông qua một kế hoạch mới 5 năm trị giá 15.000 tỉ Yen (144,4 tỷ USD) để đẩy nhanh các hoạt động phòng chống thiên tai. Các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro của các trận động đất lớn được dự báo.
Giới kiến trúc sư và kỹ sư được khuyến khích thúc đẩy ranh giới của công nghệ và thiết kế để giảm thiệt hại. Các yếu tố tạo nên sự khác biệt cho ngành công nghiệp chống thiên tai của Nhật chính là việc những kỹ sư - kiến trúc sư được cấp phép để chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của công trình trong thời gian 10 năm. Chính vì thế, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Nhật Bản đã tạo ra một môi trường xây dựng an toàn nhất và chống chịu được thiên tai nhất trên thế giới. Lấy ví dụ, tháp truyền hình cao nhất thế giới Tokyo Skytree với độ cao 634 mét được thiết kế để gió mạnh đi qua các khe hở giữa các giàn. Ở chân đế của nó, bộ giảm chấn cao su được sử dụng để giảm chuyển động. Ông Atsuo Konishi, kỹ sư kết cấu cấp cao tại Nikken Sekkei, người đã góp mặt cho công trình Skytree cho biết: gió là điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất đối với các tòa nhà cao tầng. Vì vậy, tập thể kỹ sư hàng đầu đã thiết kế một tháp giàn bằng thép cho phép gió mạnh đi qua các khe hở một cách đơn giản. Skytree cũng có một hệ thống kiểm soát rung động độc đáo: Cột di chuyển với độ trễ thời gian và giảm độ rung của toàn bộ tòa nhà lên đến 50% khi có động đất và 30% khi có gió mạnh.
Hiện trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong thiết kế các tòa nhà an toàn hơn. Phần mềm mô phỏng bão có thể dự đoán tải trọng và tốc độ gió trong vòng 2 - 3 ngày. Trước đây, quá trình này đòi hỏi nhiều tháng thu thập dữ liệu và thử nghiệm đường hầm gió.
Ông Hideyuki Tanaka - trưởng nhóm bộ phận kỹ thuật môi trường tự nhiên và sinh học tại Takenaka Corp, công ty kỹ thuật kiến trúc đang phát triển phần mềm cho biết: Độ chính xác tính toán của phần mềm cũng tốt như các thử nghiệm trong đường hầm gió. Các kiến trúc sư có thể đưa dữ liệu vào các yếu tố thiết kế như hình dạng của tòa nhà và độ dày của kính cửa sổ.
Dù vậy, theo ông Tanaka, vẫn không thể nói là hoàn thiện. Vì vậy, bên cạnh việc áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ thì giải pháp khả thi vẫn là xây dựng những nơi trú ẩn chống thiên tai trong nhà. Còn nói như giáo sư Mayumi Sakamoto - Đại học Hyogo, thì bằng mọi cách quản lý rủi ro thiên tai, chúng ta sẽ trở nên kiên cường hơn.
Bình tĩnh, không khóc lóc, luôn tuân thủ trật tự và phối hợp cùng nhau là những điều trẻ em Nhật Bản được dạy trong các lớp học ứng phó thiên tai, thảm họa. Theo UNICEF, học sinh lớp 1 ở Nhật Bản đã bắt đầu với các bài dạy cách phòng chống hiểm họa ở gia đình, trường học. Lên lớp 2, trẻ tiếp tục được huấn luyện cứu hỏa: cách thoát khỏi một đám cháy, xử lý khi áo quần bắt lửa... Lớp 4, học sinh Nhật Bản học cách ứng phó với các thiên tai phổ biến như động đất, lũ lụt, bão... Các chương trình giáo dục cách ứng phó thiên tai kéo dài đến hết trung học phổ thông.