Trong kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam, cùng với việc phát triển nhanh của các mảng dịch vụ ngân hàng, hoạt động cấp tín dụng tại các ngân hàng thương mại ngày càng tăng, đòi hỏi các Ngân hàng cần chú trọng nhiều hơn đến hoạt động quản trị rủi ro tín dụng.
Ảnh minh họa.
Song song việc nhận diện các loại rủi ro tín dụng, việc đo lường các loại rủi ro chủ yếu là rất cần thiết. Hiện tại, việc đo lường các loại rủi ro tại BIDV đang được thực hiện theo phương pháp chuyên gia.
Với vị thế là Ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam đồng thời là một trong 10 ngân hàng thương mại đầu tiên tại Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn để triển khai Basel II, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) đã thực hiện Dự án xây dựng các công cụ đo lường rủi ro tín dụng hiện đại theo phương pháp tiếp cận dựa trên xếp hạng nội bộ.
Đo lường rủi ro tín dụng theo phương pháp xếp hạng nội bộ
Theo Basel, có hai phương pháp tiếp cận là phương pháp tiêu chuẩn và phương pháp xếp hạng nội bộ (Internal Rating Based Approach - IRB bao gồm FIRB - xếp hạng nội bộ cơ bản và AIRB - Xếp hạng nội bộ nâng cao).
Theo cách tiếp cận IRB, ngân hàng phải xây dựng các công cụ đo lường PD, LGD và EAD để tính toán tổn thất dự kiến và ngoài dự kiến cho mỗi khoản vay.
Trong đó PD là xác suất khách hàng không trả được nợ, LGD là tỷ trọng tổn thất ước tính và EAD là tổng dư nợ của khách hàng tại thời điểm không trả được nợ.
PD được sử dụng để đo lường khả năng khách hàng không trả được nợ trong một khoảng thời gian thường là một năm.
Để ước lượng PD trong 1 năm, ngân hàng phải căn cứ vào số liệu 5 năm về tài chính, phi tài chính và các thông tin mang tính cảnh báo liên quan đến các hiện tượng báo hiệu khả năng không trả được nợ của các khách hàng .
LGD là tỷ trọng phần vốn bị tổn thất trên tổng dư nợ tại thời điểm khách hàng không trả được nợ.
LGD không chỉ bao gồm các tổn thất về khoản vay mà còn tính đến các tổn thất khác phát sinh khi khách hàng không trả được nợ như lãi đến hạn không trả được, các khoản chi phí hành chính như chi phí xử lý tài sản thế chấp, chi phí cho dịch vụ pháp lý…
EAD là tổng dư nợ tại thời điểm khách hàng không trả được nợ. EAD được xác định căn cứ trên dư nợ của khách hàng tại thời điểm đánh giá và cam kết chưa giải ngân của khách hàng.
Đổi mới toàn diện về quản trị rủi ro tín dụng
Dự án xây dựng các công cụ đo lường rủi ro tín dụng hiện đại thành công sẽ giúp BIDV nâng cao hiệu quả toàn bộ chuỗi quy trình tín dụng theo thông lệ tiên tiến từ khâu thẩm định trước khi cho vay đến quản lý sau cho vay.
Ma trận xếp hạng có được từ hệ thống xác suất vỡ nợ giúp ngân hàng phân nhóm, sàng lọc khách hàng tốt hơn, hỗ trợ quá trình ra quyết định cũng như giảm thời gian phê duyệt tín dụng.
Song song, các công cụ đo lường còn là căn cứ để xác định lãi suất, phí thu từ khách hàng một cách chính xác dựa trên rủi ro và đặc thù của khách hàng từ đó gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng.
Kết quả của dự án là các công cụ thống kê hiện đại cho phép ước lượng đầy đủ nguy cơ vỡ nợ và mức tổn thất phát sinh thông qua các chỉ số PD, LGD và EAD do vậy đảm bảo tính hiệu quả của công tác quản lý danh mục, là cơ sở để đưa ra các quyết định mở rộng, thu hẹp hoặc giữ nguyên các thành phần của cơ cấu danh mục (cấu trúc ngành, loại khách hàng…).
Trong quá trình triển khai dự án, các yêu cầu về dữ liệu, thông tin khách hàng, khoản vay được thu thập khá lớn với khung thời gian đủ dài cũng sẽ góp phần cải thiện chất lượng và mức độ sẵn có của dữ liệu.
Bên cạnh đó, rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm đã được chuyển giao trong thời gian dự án cũng sẽ giúp BIDV nâng cao năng lực phát triển và quản trị mô hình.
Với quyết tâm sớm triển khai thành công Basel II, ứng dụng mạnh mẽ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế để thay đổi phương thức kinh doanh theo hướng quyết định kinh doanh dựa trên rủi ro, BIDV đã và đang dần hoàn thiện mô hình quản trị điều hành, mô hình quản trị rủi ro, hệ thống khung chính sách quản trị rủi ro đến các công cụ đo lường, quản lý rủi ro một cách hiệu quả.