Cục Điện ảnh Việt Nam (Bộ VHTT&DL) phối hợp với Sở Du lịch TP HCM vừa thông báo kế hoạch tổ chức “Quảng bá du lịch TP HCM và Điện ảnh Việt Nam tại Liên hoan phim (LHP) Cannes lần thứ 70 năm 2017” tại Pháp. Tuy nhiên, đứng trước những cơ hội vàng để quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, cách thức thực hiện vẫn còn những băn khoăn.
Hình ảnh quảng bá du lịch Việt Nam trong thời gian qua
vẫn phụ thuộc nhiều vào bộ phim “Kong: Skull Island”.
Tận dụng thời cơ
Cụ thể, tại LHP Cannes lần thứ 70, Việt Nam sẽ có 3 bảng quảng cáo lớn có kích thược 21x3m. Hiện tất cả đã được hoàn tất và đang chuẩn bị được “lên sàn” trong kỳ vọng lớn từ công chúng. Trong đó, một bảng quảng cáo chứa đựng hình ảnh đặc sắc từ kỳ quan Sơn Đoòng của Cục Điện ảnh Việt Nam với lời mời gọi gửi đến các nhà làm phim toàn thế giới. Hai bảng còn lại là quảng bá cho du lịch TP HCM với hình ảnh tòa nhà có thiết kế ấn tượng và một hình tượng cây tre theo hướng cách tân biểu tượng cho sự giao thoa giữa tính truyền thống và hiện đại.
Theo kế hoạch 3 bảng quảng cáo sẽ đặt trước mặt của Khách sạn Majestic Barriere 5 sao và đối diện lâu đài Palais des Festivals, nơi diễn ra LHP Quốc tế Cannes và thảm đỏ dành cho các ngôi sao quốc tế, các nhà làm phim, nhà đầu tư, đạo diễn sánh bước. Đồng thời cựu đại sứ du lịch Việt Nam Lý Nhã Kỳ sẽ tổ chức 3 buổi tiệc riêng với số lượng khách VIP giới hạn mỗi buổi tiệc. Khách mời tại các private event này đều là những doanh nhân có tiếng trong giới đầu tư, du lịch và giải trí để quảng bá cho ngành du lịch TP.HCM. Bên cạnh đó cựu đại sứ du lịch Việt Nam cũng sẽ tổ chức một bữa tiệc riêng cho cá nhân cô với khách mời là những nhân vật quyền lực trong giới nghệ thuật, điện ảnh, thời trang quốc tế tại Cannes.
Theo bà Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh, phần bảng quảng bá điện ảnh Việt Nam với slogan “Việt Nam - Điểm đến mới của phim bom tấn” sẽ gồm hình ảnh Sơn Đoòng và Tràng An; hình ảnh vịnh Hạ Long sẽ tiếp tục được quảng bá trong Đêm Việt Nam diễn ra vào tối 20/5 nhằm giới thiệu các bộ phim mới của điện ảnh Việt. Trong sự kiện này sẽ diễn ra lễ ký kết hợp tác quốc gia giữa Cục Điện ảnh Việt Nam và Trung tâm Điện ảnh quốc gia Pháp cho một số hợp tác chính thức trong tương lai.
Cũng tại LHP quốc tế Cannes lần này, Việt Nam là quốc gia duy nhất có 2 (trong tổng số 15) dự án phim được lựa chọn ở hạng mục “The Cinefondation’s Atelier”- một trong những hạng mục chính của LHP quốc tế Cannes nhằm giúp các nhà làm phim trẻ, mới có cơ hội đổi đời với những tác phẩm độc đáo của họ. Đó là “Culi không bao giờ khóc” của Phạm Ngọc Lân và “Vị” của Lê Bảo. Bên cạnh đó, dự án “Người vợ ba” của đạo diễn Nguyễn Phương Anh và nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc cũng được mời đến Cannes bởi Quỹ hỗ trợ điện ảnh Hong Kong để gặp gỡ các nhà sản xuất tại đây.
Chú trọng cách thức quảng bá
Việc điện ảnh Việt Nam được góp mặt tại LHP Cannes đang là một cơ hội vàng trong việc quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam. Tuy nhiên, dường như việc quảng bá gắn kết giữa du lịch và điện ảnh vẫn còn đó những băn khoăn về cách thực hiện còn khá đơn điệu, vẫn đang bám thành công của bộ phim “Kong: Skull Island” mang lại.
Trước đó, bộ phim “Kong: Skull Island” ngay từ những ngày đầu công chiếu với những cảnh quay phần lớn được thực hiện tại Việt Nam đã tạo nên những hiệu ứng tích cực cho phát triển du lịch Việt. Bình thường, sẽ phải mất cả triệu USD cho vài phút xuất hiện trên các kênh truyền hình nổi tiếng thế giới. Nhưng còn có một cách để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới hiệu quả hơn rất nhiều đó là thông qua các thước phim điện ảnh. Bộ phim do Hollywood thực hiện sau ngày công chiếu đang tạo ra những hiệu ứng tích cực để ngành du lịch quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam đến gần hơn với thế giới. Mặc dù ý thức được vấn đề này, các nhà làm du lịch Quảng Bình đã chủ động nhập cuộc từ rất sớm.
Trước khi bộ phim “Kong: Skull Island” được công chiếu, tỉnh Quảng Bình đã đón đầu, thực hiện nhiều giải pháp để thu hút du khách. Điển hình như việc ra mắt website bằng tiếng Anh, giới thiệu các điểm đến, dịch vụ, có tính kết nối giữa đơn vị lữ hành với du khách; quảng bá trên trang điện tử du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor, đồng thời thực hiện chương trình kích cầu du lịch…
Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô, Tổng cục Du lịch dường như vẫn đang lúng túng với việc tận dụng cơ hội quảng bá du lịch “có một không hai” này. Khi bộ phim đã được công chiếu, cơ quan này vẫn chưa có nhiều hoạt động đáng kể ngoài việc bổ nhiệm đạo diễn của phim làm đại sứ du lịch, song giới chuyên gia cũng tỏ ra không mấy kỳ vọng về hiệu quả của hoạt động này. Trong khi đó, với nguồn ngân sách 2 triệu USD chi cho xúc tiến du lịch hằng năm, nhiều chuyên gia khuyến nghị, ngành du lịch nên chuyển hướng quảng bá du lịch qua điện ảnh; xây dựng chiến lược quảng bá và làm bài bản, thay vì chỉ tập trung vào cách làm truyền thống kém hiệu quả như hiện nay.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi Thái Lan về dịch vụ làm phim với Hollywood cho những dự án về sau. Đơn cử như, hòn đảo Koh Phi Phi của Thái Lan đã nổi danh thế giới sau khi được bộ phim “The Beach” lựa chọn để thực hiện cảnh quay vào năm 2000. Ngay khi bộ phim công chiếu, Chính phủ Thái Lan đã làm việc với nhà sản xuất để các hình ảnh và đoạn phim quảng bá về hòn đảo được sử dụng để quảng bá du lịch…
Rõ ràng, trước hàng loạt cơ hội quảng bá du lịch qua điện ảnh từng được mở ra nhưng bị bỏ lỡ một cách lãng phí, hơn bao giờ hết, ngành du lịch cần thẳng thắn nhìn nhận, để dành sự quan tâm xứng đáng cho cách thức quảng bá đã quen thuộc với thế giới, nhưng còn mới mẻ này ở Việt Nam.