Những ngày qua, Văn phòng báo Đại Đoàn Kết tại Quảng Nam, Quảng Ngãi liên tiếp nhận được phản ánh của người dân về một tuyến đê được đầu tư đến 150 tỷ đồng chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng đã xảy ra sụt lún, nứt nẻ. Hệ thống thoát nước kém hiệu quả, để xảy ra tình trạng ngập nặng. Đó là tuyến đê Bàn Thạch thuộc thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Đê 150 tỷ đồng chưa bàn giao đã có dấu hiệu hư hỏng.
Nhiều điểm nứt, sụt lún
Sáng ngày 3/7, chúng tôi đã có mặt tại tuyến đê này. Đây là tuyến đê có chiều dài 9,7 km, tổng giá trị xây lắp theo dự toán là 150 tỷ đồng. Tuyến đê chạy dọc theo con sông Bàn Thạch đoạn từ cầu Tam Kỳ xuống khu vực Nhà máy xử lý nước thải Tam Kỳ thuộc thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Nhìn toàn cảnh tuyến đê rất hoành tráng và đẹp mắt, trên đê xe cộ đã lưu thông. Nhưng quan sát dọc tuyến đê này chúng tôi ghi nhận, nhiều chỗ trên mặt đường, thân bờ, trụ bảo vệ đê và điểm nối dân sinh xuất hiện các điểm nứt, sụt lún.
Ông Nguyễn H., một hộ dân sinh sống gần đê, cho biết: “Công trình này xây dựng lâu lắm rồi và đã hoàn thành, nhưng nghiệm thu bàn giao hay chưa tôi không biết. Nhưng hiện nay tôi thấy xuất hiện một số điểm nứt và mặt đường bê tông trên thân đê có dấu hiệu lún dần, một số mảng bê tông bảo vệ thân đê đã bị bể toác”.
Ông Nguyễn D. thì cho rằng: “Hằng ngày tôi vẫn thấy xe cộ lưu thông, nhưng đa số là xe máy chứ xe tải mà chạy thì không biết tuyến đê này có chịu nổi không. Bờ kè tuyến đê không dùng trụ đóng cọc móng mà chỉ đổ mặt bằng bê tông sau đó lắp ráp các mảng bê tông lên thân đê”.
Nhiều người còn cho rằng, khi xây tuyến đê này đã gây ra ngập nặng. “Mùa mưa lũ năm 2018 dòng sông Bàn Thạch chạy dọc thân đê đã xói mòn, tạo độ sâu hơn 2m nên rất nguy hiểm cho thân đê. Các cửa thoát nước trên tuyến đê quá nhỏ, còn gọi là cống thoát mi ni, nếu thoát nước không kịp sẽ dẫn đến nguy cơ ngập nặng hay vỡ đê khi nước lớn lũ về”- một người dân phản ánh.
Cần làm rõ công năng, chất lượng
Theo biên bản làm việc tại hiện trường về gói thầu Quản lý lũ lụt - Hoàn thiện tuyến đê Bàn Thạch, giữa đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam (BQL) và đại diện tư vấn giám sát, đại diện đơn vị thi công ghi rõ: Tại vị trí đường vút nối nút dân sinh với tuyến đê Bàn Thạch đoạn qua phường Hòa Hương có xảy ra hiện tượng lún, xói lở móng mặt đường. Nguyên nhân là do hồ sơ thiết kế, tại các nút dân sinh không có thiết kế gia cố mái taluy, không có lề bảo vệ mặt đường. Nhà thầu thi công đang triển khai, chưa hoàn thiện và chưa được các bên nghiệm thu.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết về vấn đề trên, ông Đặng Bá Dự - Giám đốc BQL cho biết: “Chúng tôi đã đi kiểm tra thực tế, trước mắt BQL yêu cầu đơn vị thi công tăng cường các biện pháp cảnh báo, cảnh giới nhằm đảm bảo an toàn giao thông. BQL sẽ làm việc với đơn vị Tư vấn thiết kế và các cơ quan chức năng liên quan để xem xét, đánh giá thiết kế các vị trí này, đề xuất điều chỉnh, bổ sung để nâng cao hiệu quả công trình. Hiện công trình chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng”.
Ông Dự cũng cho rằng, trên đường đê còn nhiều mục chưa xong. Chỗ nút đường dân sinh thiết kế không có bê tông vì sau này làm tuyến đường Bạch Đằng sẽ đắp lên đoạn này. Nếu giờ làm sau này phủ lên gây ra lãng phí. Vì thế chỉ cho vút bằng phẳng để người dân đi lại. Đơn vị cũng đã mời đơn vị Tư vấn thiết kế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát bổ sung và khắc phục trước ngày 20/7. “Sai sót ở đây, tầm soát thiết kế và dự báo thiếu chính xác. Còn riêng các cửa cống mi ni thoát nước sau này sẽ tính tiếp”- ông Dự cho biết.
Người dân ở khu vực này cho rằng, các ngành chức năng cần làm rõ chất lượng và tính công năng hợp lý của nó, để đảm bảo tuyến đê, không gây ngập lụt, không gây nguy hiểm cho thân đê và cả người dân khi mưa lũ tràn về.