Quốc hội thông qua nhiều đạo luật quan trọng

Ảnh: Hoàng Long 25/11/2015 22:27

Ngày 25/11, Quốc hội đã  thông qua nhiều đạo luật quan trọng. Cũng trong phiên làm việc sáng qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách và tiến hành bỏ phiếu bầu các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; bầu Tổng Thư ký Quốc hội.

Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng.

Tòa án được áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự

Đó là một trong những quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi) vừa được QH biểu quyết thông qua với tỉ lệ tán thành đạt 88,66%. Bộ luật quy định rõ về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (Điều 4).

Cụ thể: Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng. Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật Dân sự quy định.

Về áp dụng tập quán, bộ luật quy định tòa án được áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định. Tập quán không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự. Khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng. Tòa án có trách nhiệm xác định giá trị áp dụng của tập quán bảo đảm đúng quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Bộ luật Dân sự.

Về áp dụng tương tự pháp luật: Tòa án áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định trực tiếp và không có tập quán được áp dụng theo quy định tại Điều 5 của Bộ luật dân sự và Khoản 1 Điều này.

Khi áp dụng tương tự pháp luật, Tòa án phải xác định rõ tính chất pháp lý của vụ việc dân sự, phải xác định rõ ràng trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh quan hệ đó và xác định quy phạm pháp luật tương tự được áp dụng.

Về áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng. Tòa án áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Bộ luật Dân sự, khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Mặt trận Tổ quốc giám sát việc tổ chức trưng cầu ý dân

Chiều cùng ngày, với 86,23% ĐB tán thành, Luật Trưng cầu dân ý đã được thông qua. Theo, Ủy ban Thường vụ QH, trưng cầu ý dân là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của công dân trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Vì vậy, Luật này cần quy định thẩm quyền, trách nhiệm giám sát của QH, Hội đồng nhân dân, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; còn nội dung, hình thức và hệ quả pháp lý của việc giám sát thực hiện theo Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND.

Về các vấn đề QH quyết định trưng cầu ý dân có ý kiến đề nghị bổ sung các vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân, Ủy ban Thường vụ QH thấy rằng, những vấn đề mà đại biểu nêu như quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân đều đã nằm trong các quy định của Hiến pháp và như vậy là đã được thể hiện trong các nội dung trưng cầu ý dân về Hiến pháp. Các nội dung khác đã thuộc phạm vi các vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền quốc gia và kinh tế - xã hội.

Mặt khác, khoản 4 Điều 6 còn có quy định về “vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước”, nên không nhất thiết phải liệt kê quá chi tiết các vấn đề cần trưng cầu ý dân mà để QH căn cứ vào đề nghị của các chủ thể có thẩm quyền xem xét, quyết định trưng cầu ý dân khi thấy cần thiết.

Về cụm từ thế nào là “vấn đề đặc biệt quan trọng”, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, việc xác định thế nào là “đặc biệt quan trọng” gắn với nội dung từng vấn đề được xem xét, trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và liên quan đến nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau. Do đó, nội dung này nên để QH cân nhắc, xem xét quyết định đối với từng nội dung cụ thể khi có đề nghị của các chủ thể có thẩm quyền quy định tại Điều 14 của Luật này.

Cùng ngày, các ĐBQH đã nhất trí thông qua các Luật: Tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật Tạm giữ, tạm giam; Bộ luật Hàng hải (sửa đổi) và Luật Phí, lệ phí.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân là Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia

Theo báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn do Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng trình bày sáng 25/11, đa số các Đoàn ĐBQH đồng ý với danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Ngay sau đó, QH đã biểu quyết thông qua danh sách và tiến hành bỏ phiếu bầu các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; bầu Tổng Thư ký QH.

Hội đồng Bầu cử quốc gia gồm 21 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Sinh Hùng- Chủ tịch QH khoá XIII. Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch UBTƯ MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc- Chủ nhiệm Văn phòng QH được bầu làm Tổng Thư ký Quốc hội khoá XIII.

Nghị quyết về ngày bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia và Nghị quyết bầu Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã được QH thảo luận và biểu quyết thông qua, với tỷ lệ tán thành đạt 88,66% và 86,23% tổng số đại biểu QH.

Thay mặt Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cảm ơn sự tín nhiệm của QH giao trọng trách to lớn là hướng dẫn, chỉ đạo công tác bầu cử QH khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

“Tôi hứa làm hết sức mình, tuân thủ nghiêm túc Hiến pháp và pháp luật để cuộc bầu cử được thực hiện theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Mong các vị đại biểu, đồng bào ủng hộ, giám sát, giúp đỡ để tổ chức thành công cuộc bầu cử vào 22-5-2016”- Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói.

Nguyên Khánh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quốc hội thông qua nhiều đạo luật quan trọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO