Quốc tế hóa giáo dục ĐH Việt Nam: Cách nào?

Thu Hương 21/02/2016 23:38

Trong thời đại toàn cầu hóa, quốc tế hóa trong giáo dục cũng như nhiều lĩnh vực khác được xem là xu hướng. Ở Việt Nam, bên cạnh những nỗ lực từ Nhà nước, nhiều trường ĐH cũng xây dựng kế hoạch và triển khai những bước đi cụ thể hướng tới hội nhập sâu rộng với thế giới. 

Quốc tế hóa giáo dục ĐH Việt Nam: Cách nào?

Sinh viên quốc tế tại ĐH FPT đón Tết cổ truyền Việt Nam.

Những bước khởi đầu

Với Đề xướng cải cách giáo dục kỹ thuật (gọi tắt là CDIO) được hơn 100 quốc gia trên thế giới áp dụng, Việt Nam hiện đã có 3 trường tham gia là ĐHQG TP.HCM, ĐH Duy Tân, ĐH Bình Dương. Mô hình CDIO dựa trên chuẩn đầu ra của mỗi ngành nghề, mỗi trường để thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp, sâu sát với thực tế, tránh “làm khó” các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng nhân sự rồi phải đào tạo lại như nhiều trường hợp thường thấy hiện nay.

Kết quả cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa- Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM, nhờ áp dụng CDIO từ năm 2010, đến nay ĐHQG TP.HCM đã có trên 20 chương trình đào tạo được công nhận đạt các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế như AUN-QA, ABET và được triển khai tại 4 trường trong hệ thống, 20 khoa, 45 ngành, chiếm 50% trong tổng số ngành đào tạo của trường.

ĐH Duy Tân đã đổi mới theo hướng tiếp cận CDIO, tất cả các chương trình đào tạo kỹ thuật của nhà trường đều được hoạch định và cải tiến như: đưa môn học Giới thiệu Kỹ nghệ (Introduction to Engineering) vào năm thứ Nhất để sinh viên hiểu hơn về ngành nghề, Triển khai 2 đồ án CDIO (gồm 1 căn bản và 1 nâng cao), Áp dụng đánh giá kỹ năng và năng lực thực hiện của sinh viên thông qua các đồ án…

Với ĐHQG Hà Nội là cơ sở giáo dục ĐH lớn nhất cả nước cũng thực hiện nhiều chương trình, dự án hướng tới mục tiêu quốc tế hoá. Một trong số đó là Đề án Nhiệm vụ chiến lược hướng tới mục tiêu xây dựng 16 chương trình ĐH và 23 chương trình sau ĐH đạt tiêu chuẩn quốc tế vào 2020. Năm 2015 vừa qua, trường triển khai kỳ thi đánh giác năng lực để xét tuyển vào ĐH như nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng cũng là bước đột phá được nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá cao.

Là trường ĐH ngoài công lập, ngay từ khi thành lập, ĐH FPT đã đặt ra định hướng quốc tế hóa giáo dục toàn diện và mạnh mẽ. Nhà trường sử dụng giáo trình và thuê giảng viên ngoại quốc giảng dạy. Xác định năng lực ngoại ngữ là nền tảng cần phải có với mỗi sinh viên trong thời đại toàn cầu hóa, nhà trường thiết kế chương trình dạy nhiều môn học bằng tiếng Anh để sinh viên có cơ hội học và thực hành ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

ĐH FPT cũng đẩy mạnh việc trao đổi và hợp tác quốc tế. Cụ thể, trường chú trọng mở rộng mạng lưới hợp tác với nhiều trường ĐH uy tín tại Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha… với hơn 60 đối tác hiện diện tại hơn 20 nước trên thế giới. Mỗi năm thường xuyên có khoảng 200 sinh viên quốc tế đến học tập theo các chương trình dài hạn và ngắn hạn. Ngược lại, sinh viên-học viên của trường cũng có cơ hội đặt chân đến nhiều quốc gia trên thế giới nhờ các chương trình trao đổi học tập, giao lưu văn hóa, thực tập…

Theo TS. Đàm Quang Minh- Hiệu trưởng ĐH FPT nhà trường đang hướng tới mục tiêu, mỗi sinh viên FPT khi tốt nghiệp đều có cơ hội đặt chân đến ít nhất một trường ĐH thuộc một quốc gia khác trong mạng lưới đối tác của trường ĐH FPT. Thời gian trao đổi kéo dài từ 1-2 học kỳ. Ngoài ra, nhà trường cũng có các chương trình hợp tác quốc tế khác như Học kỳ tiếng Nhật tại Nhật Bản, Chương trình học tiếng Anh tại Philippines…

Nâng cao số lượng công bố quốc tế

Năm 2015, Việt Nam đã gia nhập TPP và chính thức trở thành thành viên Cộng đồng kinh tế chung ASEAN. Người Việt được đến các quốc gia thành viên để lao động và ngược lại, lực lượng lao động của các quốc gia thành viên khác có thể đến Việt Nam tìm việc làm. Để có thể xuất khẩu lao động, nhưng không phải đi làm osin, bán sức lao động cơ bắp… mà là những lao động chất lượng cao thì phải thực hiện nhiều biện pháp. Trong đó, thay đổi mạnh mẽ trong giáo dục ĐH với mục tiêu hội nhập quốc tế là một mắt xích quan trọng không thể thiếu. Đề xuất một số giải pháp để đạt được mục tiêu này, PGS.TS Phạm Công Nhất- ĐHQG Hà Nội cho rằng phải bắt đầu từ việc xây dựng triết lý giáo dục cho nền giáo dục nước nhà trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời mỗi trường ĐH, mỗi cơ sở giáo dục cũng cần có triết lý giáo dục riêng phù hợp với tôn chỉ, mục đích và hướng tới hội nhập vào dòng chảy phát triển chung của giáo dục quốc tế.

Cụ thể, cần đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình và phương pháp dạy học theo hướng hội nhập quốc tế. Nội dung chương trình và giáo trình cần được tổ chức xây dựng và triển khai theo hướng mở (cho phép cập nhật thường xuyên về kiến thức trong và ngoài nước, sử dụng giáo trình, học liệu trong nước hoặc ngoài nước một cách linh hoạt để giảng dạy cho người học), nội dung giảng dạy phải gắn chặt và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành nghề mà người học đang theo đuổi. Về phương pháp, cho phép sử dụng đa dạng các phương pháp dạy học theo nguyên tắc “lấy người học là trung tâm”, giảm tải tối đa giờ giảng trên lớp để người học có thời gian tự học và tự nghiên cứu.

Các trường cần chú trọng và tăng cường các hoạt động nghiên cứu và công bố quốc tế, tiến tới quốc tế hóa các tiêu chuẩn đánh giá khoa học và các hoạt động về chuyên môn tại các cơ sở giáo dục ĐH. Trước mắt, Nhà nước và các cơ sở giáo dục ĐH cần có các cơ chế chính sách động viên, khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu và tích cực công bố kết quả nghiên cứu trên các ấn phẩm khoa học quốc tế.

“Về lâu dài, cần đặt ra lộ trình (đối với mỗi cơ sở giáo dục ĐH khác nhau cần có những lộ trình khác nhau) tiến tới quốc tế hóa các tiêu chuẩn đánh giá các hoạt động khoa học và các hoạt động về chuyên môn trong tất cả các cơ sở giáo dục ĐH, đồng thời cần coi đây là giải pháp quan trọng để đưa giáo dục ĐH Việt Nam hội nhập sâu hơn vào môi trường quốc tế” - PGS.TS Phạm Công Nhất đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quốc tế hóa giáo dục ĐH Việt Nam: Cách nào?