Mới đây, Bộ Tài chính đã công khai chi tiết tình hình trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG, gọi tắt là Quỹ Bình ổn) của các thương nhân kinh doanh xăng dầu quý II/2024. Theo đó, số dư cuối kỳ của Quỹ là 6.061 tỷ đồng, giảm khoảng 594 tỷ đồng so với số ghi nhận ngày 31/12/2023, số dư Quỹ Bình ổn giá là 6.655,36 tỷ đồng. Một lần nữa, việc sử dụng quỹ này thế nào, giữ hay bỏ lại được đặt ra.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp đến các ngành kinh tế cũng như cuộc sống người dân. Vì thế, những đợt tăng - giảm giá đều thu hút sự chú ý rộng rãi. Trong đó có việc can thiệp (hoặc không) từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Trích lập quỹ và số tiền chi ra của các doanh nghiệp khác nhau
Đơn vị có số dư Quỹ Bình ổn cao nhất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chạm mốc 3.078,6 tỷ đồng. Theo sau là Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Minh Đức đạt 467,2 tỷ đồng. Với số dư cuối kỳ là 460 tỷ đồng, Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp ở vị trí thứ ba trong danh sách đơn vị có số dư Bình ổn giá cao nhất quý II/2024.
Petrolimex cũng là một trong những đơn vị có tổng số tiền trích lập Quỹ Bình ổn trong kỳ lớn (3.502,5 tỷ đồng). Với hơn 25 tỷ đồng, Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam S.W.P là đơn vị có tổng số tiền trích lập Quỹ Bình ổn trong kỳ cao nhất, gấp gần 37 lần Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam (678,2 tỷ đồng).
Cùng kỳ, nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu khác cũng có số tiền trích lập quỹ cao; trong khi số tiền chi ra không nhiều. Đây cũng là một thực tế mà nhiều năm qua đã nhận được nhiều ý kiến, đặc biệt khi giá xăng dầu bán lẻ trong nước tăng cao, nhưng được cho là thiếu sự can thiệp để kéo giá xuống từ Quỹ Bình ổn. Việc Quỹ Bình ổn giảm liên tục 5 quý, giảm khoảng 600 tỷ so với cuối năm 2023 được cho là đã có sự can thiệp tích hơn hơn vào thị trường này, tuy nhiên số dư của quỹ vẫn rất lớn (hơn 6,6 nghìn tỷ đồng).
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế đặt vấn đề: Vì sao nhiều công ty kinh doanh xăng dầu có số dư Quỹ Bình ổn rất lớn (ví dụ: Petrolimex số dư hơn hơn 3.000 tỷ đồng) nhưng cũng có những công ty bị “âm”, trong đó PV Oil âm hơn 138 tỷ đồng; Bình Minh Petro âm 16 tỷ đồng, Trường An âm 14,8 tỷ đồng, Tân Nhật Minh âm 36 tỷ đồng…
Tại sao lại như vậy và thực tế thị trường xăng dầu trong nước có cần phải có Quỹ Bình ổn không? Hiện việc trích lập quỹ cũng như chi ra để bình ổn thuộc về các doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu. Nếu số tiền hơn 6.000 tỷ đồng của tổng quỹ được sử dụng ngay lúc này được cho là sẽ tác tích cực giá xăng dầu cũng như xã hội nói chung. Kể cả với DN xăng dầu khi vận hành đúng nghĩa thị trường hơn.
Giữ hay bỏ?
Từ đầu năm 2024 tới nay, giá xăng trong nước tăng 19 lần, giảm 20 lần. Trong khi đó, dầu diesel có 17 lần tăng và 20 lần giảm. Như vậy có thể thấy, việc tăng giảm giá là ở thế cân bằng và giá xăng dầu từ đầu năm tới nay không nhiều biến động.
Trở lại với Quỹ Bình ổn xăng dầu, thời gian qua một số ý kiến cho rằng nên bỏ quỹ này do trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số bất cập. Theo quy định, khi mua xăng dầu, người tiêu dùng phải góp thêm 300 đồng/lít (kg) vào Quỹ Bình ổn. Mức trích lập quỹ chỉ được Bộ Tài chính điều chỉnh trong trường hợp cần thiết khi có biến động của thị trường. Quỹ được thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu hạch toán riêng bằng một tài khoản mở tại ngân hàng nơi thương nhân đầu mối có giao dịch. Thương nhân đầu mối là chủ tài khoản, thực hiện các thủ tục liên quan để mở tài khoản, trích lập, thực hiện các nghiệp vụ thu, chi từ tài khoản Quỹ Bình ổn; đồng thời có trách nhiệm công bố thông tin theo quy định.
Như vậy, có thể thấy, bản chất của quỹ này là tiền của người tiêu dùng góp vào. Nhưng do thiếu cơ chế tham gia giám sát của người tiêu dùng nên đã tạo kẽ hở để một số DN chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường. Những vụ việc liên quan đến sai phạm trong sử dụng Quỹ bình ổn tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty TNHH Hải Linh, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà... thời gian qua cho thấy điều đó.
Theo ông Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, về pháp lý, việc bỏ Quỹ Bình ổn không vi phạm quy định tại Luật Giá năm 2023. Quỹ này cũng không phát huy hiệu quả phòng ngừa rủi ro về giá trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với doanh nghiệp. Về bản chất, Quỹ Bình ổn là quỹ ngoài ngân sách, trích từ tiền của người dân nên quỹ không giúp người tiêu dùng giảm chi phí. “Đã đến lúc cần xem xét bỏ quỹ này để xăng, dầu vận hành đúng nghĩa thị trường hơn” - ông Long nói.
Trong những kỳ họp Quốc hội trước, một số ĐBQH cũng đã nêu quan điểm về vấn đề này: Nên giao Nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính quản lý, không giao DN, để đảm bảo tính công bằng. Về lâu dài, cần có lộ trình để dần đảm bảo giá xăng dầu được điều chỉnh hợp lý theo giá thị trường.
Theo ĐBQH Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam), quy định về quỹ là cần thiết, nhưng cần có quy định rõ cơ chế quản lý, vận hành quỹ này một cách công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích 3 bên: Nhà nước - DN - nhân dân. Theo đại biểu, Quỹ Bình ổn có nhiều bất cập đây là quỹ ngoài ngân sách, nhưng lại được trích lập, sử dụng bởi DN và theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước. Việc quản lý quỹ là DN nên khó bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng.
Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội trong nhiều lần trao đổi với báo giới đều nhấn mạnh quyết định thành lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã quy định quỹ này "có tác dụng trong thời điểm 2012-2016". Nhưng, từ đó đến nay, quỹ này vẫn tồn tại. Trong nhiều trường hợp, ông Phú còn cho rằng Quỹ Bình ổn là để bình ổn giá xăng dầu nhưng quỹ lại “bất động”, vì vậy cần xem xét sự tồn tại của nó.
Từ đó, ông Phú cho rằng xăng dầu chỉ nên để một bộ chuyên ngành quản lý, đó là Bộ Công thương. Bộ Công thương không chỉ đạo trực tiếp kinh doanh mà chỉ quản lý chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trốn thuế; đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch trên thị trường xăng dầu nội địa. Tính minh bạch trong giao dịch xăng dầu cao hơn sẽ đem lại quyền lợi cho DN và người tiêu dùng xã hội khi có nhu cầu sử dụng.
"Với định hướng mới về thiết lập Quỹ Bình ổn do Nhà nước đầu tư, cấp vốn và quản lý, thay thế quỹ bằng tiền trước đây sẽ đem lại một hình ảnh mới về kinh doanh và phục vụ của một mặt hàng thiết yếu quốc gia trong những năm tới, khi kho dự trữ xăng dầu nhà nước đã xây dựng xong" - ông Phú nói.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cũng như Bộ Công thương cũng đã không ít lần giải thích. Theo Bộ Công thương, thời gian qua, quỹ này đã được liên Bộ Công thương - Tài chính sử dụng nhất quán cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu (giữ ổn định hoặc giảm mức tăng giá) trong trường hợp cần thiết, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhất là từ khi thực hiện điều hành giá xăng dầu rút xuống thì mức biến động giá giữa hai lần điều chỉnh giá không lớn, giá xăng dầu trong nước đã bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, do đó ít khi phải trích lập quỹ và cũng ít phải chi quỹ.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng thừa nhận việc sử dụng quỹ thời gian qua cho thấy một số bất cập đã được các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra chỉ ra như: DN sử dụng quỹ sai mục đích; không kết chuyển tiền về quỹ; việc trích lập, chi Quỹ Bình ổn thực hiện thường xuyên, liên tục, không có thời hạn cụ thể… chưa phù hợp với quy định tại Luật Giá...
Nhìn chung, ý kiến từ cơ quan quản lý nhà nước, DN và cả giới chuyên gia kinh tế về cơ bản đều cho rằng nếu vẫn giữ Quỹ Bình ổn thì nên thống nhất đầu mối quản lý bởi cơ quan nhà nước, mà cụ thể là Bộ Công thương; không nên để ở DN. Quỹ này phải được hạch toán, luân chuyển, thấp mua vào - cao bán ra như một công ty quản lý vốn nhà nước.
Phát biểu tại hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công thương tổ chức mới đây, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng có những lúc Quỹ Bình ổn hoạt động thiếu minh bạch đã tạo kẽ hở để một số DN chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường. Khi Quỹ Bình ổn nằm trong tay DN, có những trường hợp “tự tung tự tác”, muốn làm gì thì làm. Thậm chí, kẹt tiền thì rút quỹ ra xài, những vụ án liên quan đến sai phạm trong sử dụng quỹ như tình trạng thương nhân đầu mối lợi dụng như: Xuyên Việt Oil, Hải Linh, Hải Hà, Thiên Minh Đức… trong thời gian vừa qua cho thấy rõ điều đó. Đứng về phía DN xăng dầu, Quỹ Bình ổn giá cũng không phát huy hiệu quả phòng ngừa rủi ro về giá trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; có hiện tượng để cho quỹ âm ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động kinh doanh xăng dầu của DN. Theo ông Long, vai trò của công cụ Quỹ Bình ổn không còn cần thiết như giai đoạn trước đây dẫn đến sự hoài nghi từ dư luận xã hội.