Quy hoạch điều chỉnh nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường, xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng.
Ngày 17/6, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng chủ trì Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam: “Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy đô thị hoá và phát triển đô thị bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.
Phát biểu tại đây, PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Trên thế giới, xu thế đô thị hóa và phát triển đô thị, nhất là đô thị thông minh, đô thị sáng tạo đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ.
Ở trong nước, sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là 10 năm gần đây, thể chế, chính sách về phát triển đô thị ngày càng được hoàn thiện hơn. Nhiều luật về quản lý và phát triển đô thị cùng với hệ thống các văn bản dưới luật đã được ban hành; thể chế hóa cơ bản đầy đủ các quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng về phát triển đô thị; tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ cho công tác quy hoạch, đầu tư và phát triển đô thị.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt và triển khai nhiều đề án, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị và nhiều lĩnh vực khác có liên quan. Cùng với quá trình đô thị hóa, công tác quản lý Nhà nước tại các đô thị ngày càng được hoàn thiện. Mô hình, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của chính quyền đô thị từng bước được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu quản lý. Trên cơ sở các chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, mô hình chính quyền đô thị đặc thù tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang được triển khai thí điểm.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng thể chế, chính sách cho đô thị hóa và phát triển đô thị, nhất là về quy hoạch, phân loại đô thị, đất đai, tài chính đô thị, mô hình chính quyền đô thị. Pháp luật về phát triển đô thị và các cơ chế, chính sách liên quan mặc dù đã có nhiều cải thiện tích cực nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, chồng chéo; chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn.
Ông Sơn chỉ ra rằng, một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đã lạc hậu hoặc chưa theo kịp xu hướng, nhu cầu phát triển mới. Công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Chất lượng các quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu đồng bộ và tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn mới; quy hoạch phải điều chỉnh nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư; tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế. Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp, cộng đồng, người dân chưa được tạo thuận lợi để tham gia đầu tư xây dựng và quản lý phát triển đô thị, đảm bảo lợi ích chính đáng của các bên liên quan một cách công bằng, toàn diện và bền vững.
Một bất cập khác được lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương nhắc đến là mặc dù Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có những tiến bộ nhất định trong việc phân biệt sự khác nhau về nhiệm vụ, quyền hạn giữa chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn, nhưng trên thực tế, vẫn chưa đủ rõ, cụ thể, chưa hoàn toàn phù hợp với đặc điểm, tính chất của quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn.
Những nhiệm vụ cụ thể của quản lý đô thị, theo quy định của pháp luật hiện hành đang còn khá mờ nhạt, chưa đủ cụ thể và chưa xác định rõ định lượng, định tính của từng nhiệm vụ, chưa rõ chế độ trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền, cũng như của mỗi cơ quan và mỗi cá nhân trong bộ máy.
“Những tồn tại, hạn chế nêu trên đòi hỏi mỗi chúng ta cần tiếp tục chung tay, tập trung giải quyết, tháo gỡ, nhất là những nút thắt trong thể chế, cơ chế, chính sách về đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị” - ông Sơn nói.
Tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ đạo và đưa ra định hướng về hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, phát triển đô thị, kiến trúc, xây dựng bảo đảm tính minh bạch, thống nhất, loại bỏ các mâu thuẫn, chồng chéo. Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đồng bộ các luật đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở. Sớm xây dựng và ban hành luật về quản lý và phát triển đô thị bền vững.
Hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị phù hợp với đặc điểm vùng miền, các đô thị có tính đặc thù. Sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại đô thị bảo đảm tính tương thích, đồng bộ giữa quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính và quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị.