Quyền lựa chọn dịch vụ

Lê Anh Đức 31/08/2018 09:30

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa công bố về tình hình đầu tư thì thời gian qua, hình thức đối tác công – tư (PPP) còn nhiều bất cập, đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới. Trong đó nổi lên vấn đề: Đa số các dự án BOT tập trung trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo phương thức cải tạo, nâng cấp tuyến đường độc đạo hiện hữu, chưa bảo đảm quyền lựa chọn của người tham gia giao thông. Điều đó có nghĩa, người dân buộc phải dùng dịch vụ dù không muốn.

Cũng theo sự giám sát của Bộ KH-ĐT, các dự án BOT giao thông hiện nay chủ yếu do các nhà đầu tư trong nước thực hiện, chưa thu hút được đầu tư nước ngoài. Việc lựa chọn dự án đầu tư, chủ đầu tư các dự án chưa hợp lý. Việc thu hút nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Các dự án BOT huy động nguồn vốn cho đầu tư dài hạn nhưng chủ yếu trông vào vốn tín dụng ngắn hạn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro an toàn hệ thống ngân hàng.

Đáng nói, hầu hết các dự án BOT đều là chỉ định thầu, lựa chọn nhiều nhà đầu tư năng lực yếu, nguồn lực hạn chế... dẫn đến những vi phạm trong quá trình thực hiện, vận hành và khai thác công trình như vị trí trạm thu phí không hợp lý, mức thu phí còn nhiều bất cập, thiếu minh bạch. Trong khi đó, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước về tính hiệu quả của dự án còn yếu; mức lợi nhuận của nhà đầu tư, thời hạn nhà đầu tư được khai thác, giá sử dụng công trình (hoặc dịch vụ công) chưa rõ ràng.

Cùng với đó, năng lực giám sát của cơ quan nhà nước về cơ chế thu phí dịch vụ còn yếu, thiếu minh bạch trong quá trình quản lý hợp đồng. Đó chính là lý do mà chỉ tính riêng 27 tuyến đường thực hiện theo hình thức BOT sau khi bị thanh tra, kiểm toán rà soát lại thì đã rút bớt được hàng trăm năm thu phí, chưa kể mức phí cũng đã phải giảm xuống một cách hợp lý. Song, ngay cả khi chỉ ra sự “vênh” nhau giữa hợp đồng và thực tế trong các dự án BOT thì cũng chưa ai, cơ quan nào bị “sờ gáy”.

Bộ KH-ĐT đã chỉ ra những lỗ hổng khá nghiêm trọng trong việc triển khai các dự án PPP, mà nếu nói vui một cách dân dã thì đó là những lỗ kim mà con voi cũng chui lọt. Không phải tới bây giờ, nhờ vào báo cáo giám sát, tổng hợp tình hình đầu tư của Bộ KH-ĐT thì người ta mới thấy sự bất cập của những dự án PPP, trong đó có các dự án BOT. Cách đây chưa lâu, trước sự “sôi sùng sục” của dư luận xã hội đối với một số dự án BOT giao thông, các cơ quan: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước... cũng đã vào cuộc và phát hiện nhiều vi phạm.

Ấy vậy nhưng tất cả những sai phạm, vi phạm trong các dự án BOT giao thông mới chỉ dừng ở mức kiến nghị giảm bớt số năm thu phí, mức giá thu phí... mà chưa có cá nhân, tổ chức nào phải chịu sự chế tài của pháp luật, dù chỉ là xử lý hành chính chứ chưa nói đến trách nhiệm hình sự. Việc kê khai tăng mức đầu tư vượt xa con số thực tế, câu kết với nhau để hợp thức hóa những con số không có thực (hay còn gọi là con số ma) liệu có phải là hành vi tham nhũng?

Theo định nghĩa tham nhũng của Thanh tra Chính phủ thì chỉ khu trú đối tượng thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị, nói cách khác là ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách, vốn, tài sản của Nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp BOT giao thông không thuộc đối tượng điều chỉnh của khái niệm này. Song, những quan chức vì năng lực yếu hay vụ lợi cá nhân mà ký bừa những hợp đồng BOT vi phạm ấy hoàn toàn có thể bị cáo buộc tham nhũng và những người liên quan là đồng phạm.

Vẫn biết, các dự án thực hiện theo hình thức đầu tư PPP là rất mới đối với Việt Nam, nên năng lực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, năng lực triển khai thực hiện dự án đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư cũng còn nhiều hạn chế. Song, điều đó không có nghĩa các dự án PPP nói chung và BOT giao thông nói riêng được phép “cứ sai đi rồi sửa”. Mọi hành vi vụ lợi cá nhân, động cơ không trong sáng, lợi ích nhóm đều phải chịu chế tài, xử lý nghiêm khắc, để không chỉ đảm bảo sự minh bạch, công bằng, mà còn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Tất nhiên trong thời gian tới, các bộ, ngành có liên quan, nhất là Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT... sẽ tham mưu giúp Chính phủ xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ để không có cá nhân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nào có thể lợi dụng các lỗ hổng nhằm trục lợi, vinh thân phì gia bằng tài sản của Nhà nước, tiền bạc của nhân dân. Nói thu hẹp vào các dự án BOT giao thông thì sẽ không còn chuyện khai vống số tiền đầu tư để rồi được quyết toán một cách nhanh chóng, sẽ không còn chuyện chỉ việc trải một lớp nhựa lên đường quốc lộ đã có sẵn rồi ung dung ngồi thu phí giá cao. Mọi thứ đều phải công khai, minh bạch từ tiền đầu tư, vị trí đặt trạm BOT, đến mức phí dịch vụ. Người dân sẽ có quyền lựa chọn có sử dụng dịch vụ BOT hay không, chứ không thể ép buộc như một số tuyến đường hiện nay vẫn đang thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyền lựa chọn dịch vụ