Trước thực trạng “cò” khám bệnh lộng hành tại các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM, Sở Y tế đã kiến nghị Công an TPHCM chỉ đạo lực lượng công an địa phương tăng cường hỗ trợ các bệnh viện và có biện pháp quyết liệt đối với vấn nạn này.
Khổ vì “cò” bệnh viện
Ngày 8/2, thông tin về tình trạng “cò” khám bệnh, Sở Y tế TPHCM cho hay, thanh tra Sở Y tế vừa triển khai 3 đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật của các phòng khám tư nhân xung quanh khu vực có thông tin về hiện tượng “cò” khám chữa bệnh. Trong đó, kiểm tra đột xuất 1 phòng khám đa khoa, 4 phòng khám chuyên khoa tư nhân. Kết quả, 1 phòng khám có dấu hiệu hoạt động của “cò” dẫn dụ người bệnh đến khám chữa bệnh, đó là phòng khám chuyên khoa Nội (ở gần Bệnh viện Ung bướu cơ sở cũ) trên địa bàn quận Bình Thạnh. Các phòng khám còn lại dù chưa phát hiện có dấu hiệu “cò”, song đều có các sai phạm về các quy định chuyên ngành trong quá trình hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Thanh tra Sở Y tế đang phối hợp với cơ quan đơn vị có liên quan tiến hành xử lý đối với các cơ sở, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, đặc biệt xử lý nghiêm các phòng khám có dấu hiệu liên kết với “cò” tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Nói về vấn nạn “cò” bệnh viện, một người bệnh khám và điều trị lâu năm tại bệnh viện Hòa Hảo (quận 10) cho hay: “Nhắc đến “cò” khám bệnh phải kể đến Bệnh viện Hòa Hảo. Họ hoạt động nhiều nhất vào lúc 6 – 7 giờ sáng. Mặc dù bệnh viện có phát loa cảnh báo nhưng “cò” khám bệnh vẫn nhan nhản”. Vị này chia sẻ, người nhà đã từng bị “cò” khám bệnh lôi đến phòng khám bên ngoài. Thay vì chỉ chi khoảng 2 – 3 triệu đồng cho chi phí khám bệnh và thuốc thang thì đã bị “cò” dụ làm mất hơn 6 triệu đồng.
Còn theo chia sẻ của bà Thanh Hương (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), cuối năm 2022 bà đi khám tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 1. Sau khi khám xong, bác sĩ chỉ định sang phòng khám bên kia đường để siêu âm, trong khi các phòng siêu âm của bệnh viện không hề bị quá tải...
Thời gian qua, Sở Y tế TPHCM liên tục nhận nhiều phản ánh về nạn “cò” khám bệnh tại các bệnh viện như: Bệnh viện Mắt TPHCM, Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 1, phòng khám Medic (quận 10). Trước đó, làm việc với Sở Y tế TPHCM về tình trạng chi 500.000 đồng cho “cò” để được khám ngay sau 10 phút, lãnh đạo Bệnh viện Mắt cho biết sẽ phối hợp với công an địa phương để xác minh, xử lý, nhận diện các đối tượng “cò” bên ngoài bệnh viện để có biện pháp xử lý theo pháp luật. Các phòng chức năng của bệnh viện tiến hành rà soát ngay các “lỗ hỗng” từ khâu tiếp nhận, đến khám chữa bệnh để đưa ra giải pháp. Tăng giám sát camera, tăng cường truyền thông, khuyến khích đăng ký khám bệnh từ xa. Về lâu dài, bệnh viện đầu tư và phát triển một đội bảo vệ chuyên nghiệp cơ hữu, phối hợp với công an tuần tra trong và ngoài bệnh viện.
Không để “cò” có đất sống
Ông Nguyễn Anh Dũng – Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ngành y tế đang đứng trước nhiều thách thức về an ninh trật tự, như tình trạng “cò” dẫn dụ người bệnh đến cơ sở tư nhân trá hình, giả danh người thăm bệnh trộm cắp tài sản bệnh viện, người bệnh... Thậm chí còn giả danh cả thanh tra Sở Y tế để tống tiền, hứa hẹn xử lý nhẹ... Theo Sở Y tế TPHCM, hiện nay, số lượt khám, chữa bệnh tại các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa trên địa bàn thành phố đang phục hồi và tăng nhanh trở lại sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát ổn định. Khi số lượt khám tăng cao cũng chính là thời điểm nạn “cò” lại tái diễn.
Nhằm ngăn chặn triệt để “cò” bệnh viện, Sở Y tế TPHCM yêu cầu, tất cả bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh phải rà soát, củng cố hoạt động của đội bảo vệ của cơ sở khám chữa bệnh, tăng cường phối hợp với lực lượng công an đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu vực đông người nhất là khu vực đăng ký khám bệnh. Yêu cầu các bệnh viện đẩy mạnh triển khai các ứng dụng đăng ký khám bệnh từ xa; tăng cường truyền thông để người bệnh cảnh giác với nạn “cò”.
Ngoài những hoạt động trên, Sở Y tế kiến nghị Công an TPHCM chỉ đạo lực lượng công an địa phương tăng cường hỗ trợ các bệnh viện và có biện pháp quyết liệt đối với tệ nạn “cò” tại các bệnh viện.
Trước đó đề cập đến an ninh trật tự tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TPHCM đã nhận định: “Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, tình trạng quá tải, tập trung đông người tại các bệnh viện, cơ sở y tế tại TPHCM thời gian qua đã và đang là điều kiện làm nảy sinh những hoạt động phức tạp, gây mất an ninh trật tự như: trộm cắp, “cò” khám chữa bệnh, cạnh tranh dịch vụ người nuôi bệnh...”.