Tinh hoa Việt

Ra đồng ngày xuân

NHƯ TRANG 10/03/2024 05:58

Nhiều năm sau này, khi đứng ở nhà nhìn sang cánh đồng làng bên, tôi thấy thấp thoáng những người ra làm đồng trong khi những người khác vẫn còn đang đi chơi hội...

W_img-6504.jpg
Cánh đồng làng. Ảnh: Hà Thư.

Đó là những người đi thăm lúa xuân, là người làm cỏ chả sợ sau mấy ngày Tết đợt mạ vừa cấy chạy rét bị đám cỏ mọc tốt lù hút hết chất dinh dưỡng. Đó cũng là người đi nhổ su hào hoặc vớt cần bán cho buổi chợ đầu năm. Tết bây giờ no đủ, nhà nào cũng có chiếc tủ lạnh to đùng nhưng nhiều khi không phải để tích trữ thức ăn mà để trưng bày là chính.

Giờ người ta thích đồ ăn tươi ngon nên buổi chợ đầu năm cũng sớm hơn khi xưa. Có khi mồng hai, mồng ba đã có rau, cá bán. Giá đắt hơn trước Tết khá nhiều nhưng người ta cũng chấp nhận mua. Để khỏi phải ăn những thứ đã úa già trong tủ lạnh.

Tết hồi bé của tôi ở quê mùng ba là đã tiễn ông bà ông vải. Tết nghèo, có gì đâu mà bày vẽ nhiều. Tết nghèo, mấy hộp mứt trên bàn thờ là niềm ao ước, mong mỏi cả năm của trẻ con, hóa vàng sớm để cho các cháu được ăn cho khỏi tội. Bà cũng bảo hóa vàng sớm để cho nhà tôi còn về lại thị trấn, chúc Tết người cùng cơ quan, nghỉ ngơi để còn đi làm, đi học.

Vì thế, mùng ba Tết chúng tôi hay được theo bà ra đồng, có khi được đi một mình để nhổ những củ su hào tươi ngon về làm món xào lòng gà, còn con gà phải chờ đến ngày hôm đó mới thịt vì đầu năm kiêng sát sinh.

Việc này đơn giản lắm, chúng tôi còn thích nữa. Vì nhanh nhảu lên, cúng xong là được chia mứt rồi. Các chị tôi tính ra vẫn là người thị trấn, rất lơ ngơ. Chỉ có tôi là ở quê lâu với bà, cái gì cũng thạo. Tôi nhớ được cả ruộng rau nhà mình. Thế là tôi dẫn các chị ra.

Gió xuân mướt mát lắm. Có khi còn có những bụi mưa bay bay. Đồng làng lác đác bóng người. Trong màn mưa mờ ảo ấy, những sắc áo màu quần dường như cũng tươi tắn hơn.

Trên những luống su hào đã nhổ gần hết, tôi chọn những củ tiếp theo mà nhổ. Su hào nhà trồng, có những củ vẹo vọ sứt sẹo lại còn nứt cả ra, ram rám nhưng xào ăn ngọt vô cùng. Những lá su hào bàng bạc, đọng nước mưa, túm lấy lá mà tôi cứ ngỡ mình đang được túm tai mấy con thỏ.

Chị tôi thì thích thú nhìn ra xa cánh đồng mênh mông tiếp giáp chân trời. Chị hỏi sau cánh đồng kia là gì, là làng nào? Tôi biết làm sao được. Chị lại nhìn đường dây điện duy nhất chạy dọc làng có những con chim sáo đậu, bảo trông như nốt nhạc. Tôi cũng chẳng biết nốt nhạc là gì nhưng cũng thấy xao xuyến, lâng lâng.

Lúa đồng mượt lắm, sóng lúa lăn tăn bởi những cây lúa mới chỉ cao độ hơn gang tay. Một vài cánh cò trắng bay vụt lên khi bước chân chúng tôi qua. Tôi kéo tay chị lại bên bờ ruộng. Một đám cỏ gà nghênh đầu nhìn trời xuân. Tôi rủ chị chơi cỏ gà. Đương nhiên chị thích mê đi, sà xuống vặt lấy vặt để.

Đã bảo chị là người thị trấn lơ ngơ mà. Cứ con cỏ gà nào tốt bời, dài ngoẵng, đầu to mập màu xanh biếc và thân tía đẹp mắt là chị vặt. Còn tôi, cứ nhè những con ngắn ngủn, già đanh, đầu bạc phếch, có khi còn lên cả nhánh mới. Chục con gà tơ non mã của chị bay đầu mà con của tôi vẫn hăng. Cái tay cầm vặt hết lá bọc bên ngoài nhẵn bóng lên rồi, mãi nó mới chịu chết. Chị chán, quay ra nhìn những cây cỏ dại.

Ai sống ở nông thôn, gần đồng ruộng thì biết, ngoài đồng có cơ man nào cây dại. Chẳng biết gọi tên là gì. Có cây lá cứng, có cây lá mềm, có cây cao ngỏng, cũng có cây chỉ bằng ngón tay út, có cây cả đời chỉ bò lan mặt đất. Nhưng thường cây nào cũng có hoa. Thài lài tím biếc, bìm bìm có tím có vàng, cây màu xanh lam, cây màu đỏ chót. Có cây sam hoa còn pha nghệ pha vàng. Hình của hoa cũng đủ vẻ đủ mặt.

Hoa ở ngoài ruộng chỉ nhìn thôi, không thể hái thành từng bó để cầm trên tay, để ngắm, để khoe. May ra có thứ cỏ mây bông mềm xốp lấm tấm như hạt tấm là còn mang về cắm vào lọ được. Núp trong đám cỏ, hễ bàn tay chúng tôi đưa qua, từng đàn cào cào nhảy lên ràn rạt.

Thực ra cào cào, châu chấu mùa đông không nhiều, sang đến mùa xuân ấm hơn chúng mới ở đâu kéo đến. Nhất là vào mùa hè, mùa gặt, muồm muỗm béo ngậy, bắt nướng ăn thì ngon không thứ gì sánh nổi. Chị chẳng biết những điều ấy, chỉ tiếc không có con châu chấu voi nào.

Tôi thì thích nằm trên bãi cỏ xanh mơn man ấy mà ngửa mặt lên nhìn trời. Từng bụi mưa mỏng mịn và mát lịm đậu lên trên má, dịu nhẹ, mơ hồ mà lại rất thật. Nếu nhắm mắt lại thì sẽ thấy mình như đang bay lên trong bát ngát trời xuân ấy. Còn khi hướng mắt lên trời, từng đàn chim én bay như đưa thoi, như dệt cửi. Trẻ con nhà quê chỉ có thế, gần gũi, hòa mình vào với tất cả những thứ xung quanh mình mà chẳng ngần ngại bẩn hay lạnh.

Trên đường về, chúng tôi hí hửng chỉ cho nhau những con chó tránh pháo đang nem nép bên bờ đầm, rúc đầu sâu vào như muốn gò người nhỏ lại để ở nhờ hang chuột. Bình thường thấy người lạ chúng chả sủa nhặng lên, đuổi chạy bán sống bán chết đến khi sực nhớ phải quay về để trông nhà mới thôi.

Giờ thấy chúng tôi, mấy con chó chỉ dám ư ử khẽ trong họng hoặc quay đi vờ không thấy. Ha ha nhìn cái mắt chúng nó rất chi là buồn cười. Chúng tôi cười vang trong khi cả cánh đồng cũng như đang cất lên một bản nhạc du dương trầm bổng.

Cỗ cúng tiễn ông bà quê tôi bao giờ cũng có món cá rán và bún xào cần. Su hào xào lòng gà là món đương nhiên, cũng giống như mâm cúng có đủ cơm canh xào rán thường ngày. Cá rán là để đổi bữa cho khỏi thịt thà sau mấy ngày ăn toàn đồ chế biến sẵn. Để có con cá cúng mùng ba Tết nhiều nhà còn phải nuôi từ trước Tết. Nhưng thường thì những người bán hàng sẽ tranh thủ ngày đó để mở hàng lấy may cả năm.

Cá rán thì khỏi nói, tôi thích, mặc dù đôi lúc ăn cũng hóc xương ra trò. Riêng món bún xào rau cần hoặc miến xào rau cần thì tôi chẳng thích tí nào. Nói đúng hơn, tôi thích bún xào, miến xào, còn rau cần thì tôi ghét cay ghét đắng. Có vớt vát, nhặt cố, nhặt chăm chỉ thì sợi bún vẫn dính lá cần hoặc rễ của cây cần, hăng hăng, tôi không thể nào nuốt nổi. Vì thèm lắm nên tôi vẫn ấm ức ra trò.

Tiền mua cá, mua cần đã là cả một khoản lớn nên bún chỉ loáng thoáng thôi. Gọi là bún độn cần thì đúng hơn. Làm gì có thừa để xào riêng cho tôi một ít. Thế là tôi đành cứ chống mắt lên mà nhìn cả nhà xôn xao. Bún đã dễ ăn, xào với cần là rau tươi ngon lại rất nhẹ bụng, dễ tiêu hóa. Đĩa bún cúng xong được nấu lại nóng hổi, ai nấy đều đều đũa gắp.

Năm nào hết tiền mua bún lại hay, kiểu gì tôi cũng được một bát miến con con xào riêng, vừa giòn vừa dai, có thêm tí cháy miến dính chảo để nguội cậy ra, cũng tấm tắc xuýt xoa như ai.

Nói là món ăn truyền thống nhưng không phải năm nào cũng thực hiện được. Có những năm không cá rán, chẳng miến xào, chẳng cần xào, túm lại là có gì cúng nấy. Các cụ cũng thông cảm cho thôi, vì con cháu cũng muốn cố, trước cúng sau ăn, các cụ có ăn mất miếng nào. Nhưng vì không thể cố được nên đành phải chịu.

Vì chẳng thích món cần xào nên tôi chẳng lấy gì làm kém vui. Chỉ biết, vừa hết Tết, rất nhiều người đàn bà đội nón lầm lũi đạp xe về làng, đằng sau xe nặng trĩu những bó rau cần héo quắt. Cả người và rau rũ ra những tiếng thở dài. Mùa xuân trôi qua như thế. Nhớ lại cứ thấy thương, thấy xa, thấy bẫng hẫng những nỗi niềm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ra đồng ngày xuân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO