Giáo dục

Rà soát việc công nhận văn bằng nước ngoài

Lam Nhi 18/12/2023 09:00

T rong số hơn 37 nghìn hồ sơ yêu cầu được công nhận văn bằng do nước ngoài cấp gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), gần 1.800 hồ sơ chưa được công nhận, chiếm 4,74%.

Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT, đơn vị này đã nhận được 37.436 hồ sơ trong thời gian từ tháng 1/2017 đến hết tháng 11/2023. Trong số đó, 35.662 hồ sơ (95,26%) được công nhận, chưa công nhận 1.774 hồ sơ (4,74%). Các văn bằng được công nhận đáp ứng được các tiêu chuẩn điều kiện theo Thông tư 13/2021. Những văn bằng không đáp ứng được tiêu chuẩn điều kiện công nhận văn bằng với nhiều lý do. Đơn cử, đối với văn bằng cấp trong các chương trình liên kết đào tạo (LKĐT): Chương trình LKĐT thực hiện khi chưa được cấp phép hoặc không được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền về giáo dục; chương trình LKĐT không đáp ứng quy định về liên kết đào tạo tại Việt Nam; các cơ sở giáo dục liên kết chưa được kiểm định chất lượng, không được phép cấp bằng hoặc không được phép hoạt động tại Việt Nam; văn bằng cấp trong chương trình LKĐT không được cơ quan có thẩm quyền của nước cấp bằng công nhận; chương trình thực hiện không đáp ứng các điều cơ bản của quyết định cho phép như điều kiện đầu vào, số tín chỉ...

Một số văn bằng cấp cho người học theo hình thức từ xa, liên kết đào tạo từ xa, trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến khi người học lưu trú và học tập tại Việt Nam nhưng chương trình đào tạo lại chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam. Một số văn bằng cấp cho người học theo hình thức du học toàn phần thì cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc chương trình đào tạo không được/chưa được kiểm định/công nhận chất lượng/chưa được phép cấp bằng bởi cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại; văn bằng nước ngoài không được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước cấp bằng công nhận.

Theo GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, các nước có nhiều hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng nhất là Anh, Úc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan.

Nếu số lượng hồ sơ đề nghị Cục chứng nhận văn bằng trong khoảng thời gian từ năm 2008 tới năm 2016 là trên 14.000 hồ sơ thì ở giai đoạn sau, từ năm 2017 tới tháng 11/2023, số lượng hồ sơ đề nghị tăng hơn 2,5 lần. Điều này xuất phát từ nhu cầu của cá nhân người có văn bằng hay các đơn vị, tổ chức tuyển dụng, sử dụng người có văn bằng nước ngoài cần thẩm định, công nhận phản ánh xu hướng hội nhập quốc tế trong giáo dục.

Hàng năm, số lượng người Việt Nam tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục nước ngoài và các mô hình liên kết đào tạo do cơ sở giáo dục đào tạo Việt Nam liên kết tổ chức tăng lên. Văn bằng được công nhận, các đơn vị sử dụng lao động có cơ sở để tuyển dụng, xếp bậc lương thưởng… cho ứng cử viên một cách chính xác.

Hiện nay, hoạt động liên kết đào tạo của các cơ sở GDĐT của Việt Nam với nước ngoài rất đa dạng, trong đó có cả những chương trình đào tạo trực tuyến. Tương tự, nhiều chương trình đào tạo trực tuyến của các quốc gia khác cũng đang triển khai và thu hút người Việt Nam tham gia. Làm sao để chọn lọc, công nhận văn bằng, tránh thiệt thòi cho những người học các chương trình trực tuyến chất lượng này hiện đang là một câu hỏi khó.

Ngược lại, cũng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan cũng như rà soát và báo cáo các trường hợp có sử dụng giảng viên có văn bằng nước ngoài cấp, xem xét quá trình đánh giá và sử dụng văn bằng này như thế nào trong các hoạt động phục vụ giảng dạy. Sẽ không có sự công nhận nào có giá trị và chất lượng hơn chính những gì mà chủ nhân những tấm bằng thể hiện trong giảng dạy, lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rà soát việc công nhận văn bằng nước ngoài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO