Hiện, có khá nhiều cấp tòa án đưa ra xét xử lưu động những vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên. Việc tòa án xét xử lưu động nhằm tăng tính răn đe, giáo dục pháp luật là cần thiết, song đối với bị cáo là trẻ vị thành niên e rằng phản tác dụng, bởi các em là đối tượng dễ bị tổn thương.
Cần cân nhắc kỹ khi xử lưu động những bị cáo là trẻ vị thành niên (Ảnh: Zing).
Khi bị xét xử lưu động trước hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con mắt của bố, mẹ, người thân, bạn bè khiến các em cảm thấy xấu hổ và bị tổn thương, từ đó tác dụng giáo dục, răn đe không còn nữa, mà nó khiến các em trở nên trơ lỳ, bất cần, khó cải hóa.
Tại Khoản 2, Điều 11, Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên (TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ LĐ-TB&XH) quy định: Không xét xử lưu động vụ án do người chưa thành niên gây ra, trừ trường hợp cần giáo dục, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa tội phạm. Chết ở chỗ “trừ trường hợp”.
Tại một hội thảo do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức bàn về sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, nguyên Phó Chánh án TAND tối cao Trần Văn Độ cho rằng, cần sửa luật theo hướng không được đưa người chưa thành niên ra xét xử lưu động, bởi người chưa thành niên là đối tượng còn “trẻ người non dạ”, chưa phát triển, chưa có nhận thức, hiểu biết đầy đủ về pháp luật như người trưởng thành. Cần cho các em cơ hội nhận ra được lỗi lầm để sửa chữa và phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Tuổi chưa thành niên là tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, bồng bột, thiếu chín chắn, thích khẳng định mình nên khi thiếu sự quan tâm, chăm sóc, quản lý, giáo dục của gia đình, các em dễ phạm sai lầm, dẫn đến phạm tội. Mở phiên tòa lưu động đối với các em chỉ làm cho các em thêm mặc cảm tự ti, mất phương hướng, mất niềm tin vào sự bao dung, nhân ái, dễ gây ra tác dụng ngược như làm các em xấu hổ, tạo vết sẹo tâm lý khó phai mờ, khiến các em sẽ trở nên liều lĩnh hơn, khó cải hóa. Nhiều khi đây còn là mầm mống của việc tái phạm.
Mục đích cuối cùng của các biện pháp trừng phạt pháp luật là nhằm răn đe, giáo dục người phạm tội có được nhận thức đúng đắn để hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng. Ngay cả người trưởng thành, khi xét xử tòa án cũng cần phải hướng tới đạo lý đó, vậy thì tại sao ta lại đưa đối tượng dễ bị tổn thương ra “bêu” trước cộng đồng?
Vẫn biết cần có những biện pháp cứng rắn để răn đe, trấn áp, giáo dục đối với người phạm tội và những người khác. Song, dù răn đe, giáo dục kiểu gì thì cũng cần phải có tinh thần nhân văn truyền thống của dân tộc. Hãy cho các em cơ hội sửa chữa lỗi lầm và điều kiện tốt nhất để tái hòa nhập cộng đồng.