Thị trường xuất khẩu của gạo Việt ngày càng bị thu hẹp. Sản lượng và giá trị gạo thường và gạo thơm đều lao dốc. Yêu cầu đặt ra, gạo Việt buộc phải tiến hành “cuộc cách mạng” để thay đổi về chất lượng, đồng thời sớm thích nghi với những hàng rào thương mại nghiêm ngặt của thị trường thế giới.
Xuất khẩu gạo đang sụt giảm.
Hàng rào thương mại ngày càng nghiêm ngặt
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay, khối lượng gạo xuất khẩu 11 tháng năm 2016 ước đạt 4,54 triệu tấn, thu về 2 tỷ USD, giảm 25% về sản lượng và giảm 20% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, với kế hoạch đề ra về sản lượng xuất khẩu gạo trong năm 2016 có thể không đạt.
Cũng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, do sản lượng gạo xuất khẩu giảm nên gạo hàng hóa còn thừa so với xuất khẩu trong 4 năm liên tiếp (2012 – 2016) từ 1,5 – 2,2 triệu tấn. Riêng năm 2016, lượng gạo còn thừa là 1,88 triệu tấn. Nếu tính cả 0,3 triệu tấn từ Campuchia nhập qua biên giới Việt Nam thì lượng gạo còn thừa chuyển sang năm 2017 là 2,18 triệu tấn.
Không chỉ thị trường cầu giảm sản lượng nhập khẩu, khó khăn chồng chất khó khăn bởi vì trong thời gian tới, các thị trường nhập khẩu gạo hướng đến việc xây dựng và hình thành các hàng rào kỹ thuật về chất lượng, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, nguy cơ kiểm dịch và tăng thuế nhập khẩu ở mức cao, lúc này gạo giá rẻ của Việt Nam mất hẳn tính cạnh tranh.
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trường Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, gạo là một trong những mặt hàng khó khăn nhất trong hoạt động xuất khẩu. Lý do, các nước đang dần dần hình thành hàng rào trong thương mại đối với mặt hàng này, cụ thể thuế sẽ tăng ở mức cao nhất.
Ví dụ, Hàn Quốc có mức thuế nhập khẩu gạo 500%, Nhật Bản 800%. Indonesia mức bảo vệ thương mại gạo trong nước với mức thuế trên 100%, cao hơn 4 lần các mặt hàng khác, Malaysia mức bảo vệ là 32%, Philippine là 5%. Song song với việc gia tăng thuế quan, hàng rào thương mại khác về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được xây dựng.
Dẫn chứng về khó khăn của thị trường thấy rõ, một vài năm gần đây gạo Việt không vào được Nhật Bản nguyên nhân chủ yếu, gạo Việt không đạt chuẩn an toàn mà Nhật Bản đặt ra.
Trước đây Việt Nam từng thắng thầu 150 ngàn tấn gạo cho Nhật Bản nhưng khi kiểm định phía Nhật Bản phát hiện gạo Việt có thuốc bảo vệ thực vật nên cơ hội đưa một sản lượng lớn vào thị trường này bị ngưng.
Bộ Công thương cảnh báo, doanh nghiệp xuất khẩu gạo không đảm bảo về các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm tức là doanh nghiệp tự lấy đá ghè vào chân mình. Hàng hàng rào kỹ thuật rất tinh vi, trường hợp thiếu thận trọng doanh nghiệp sẽ gặp khó ở thị trường xuất khẩu khó tính.
Ông Trần Quốc Khánh Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, năm 2013 Việt Nam bán gạo rất tốt do nhu cầu của thị trường các nước khá lớn. Hiện bức tranh thị trường thay đổi, tình trạng thừa cung thật sự đang diễn ra và có khả năng còn kéo dài. Thời gian tới, muốn xuất khẩu tốt mặt hàng này gạo Việt buộc phải tiến hành “cuộc cách mạng” để thay đổi về chất lượng, đồng thời sớm thích nghi với những hàng rào thương mại khá nghiêm ngặt của thị trường các nước.
Xây dựng hạt gạo chất lượng
Xuất khẩu gạo đang gặp khó, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải có lời giải cho bài toán xuất khẩu gạo bị “nghẽn”, Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, việc cần làm ngay hiện nay là phải “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Thấy những điểm nào không còn phù hợp với thị trường buộc phải chỉnh sửa và thay đổi. Thành tích xuất khẩu gạo trong 30 năm vừa qua của Việt Nam là lớn song còn nhiều bất cập.
Bài toán về chất lượng gạo được đưa ra mổ xẻ nhiều nhưng đến thời điểm này gạo Việt Nam vẫn mờ nhạt trên thị trường quốc tế. Người tiêu dùng thế giới không mường tượng được hình ảnh gạo Việt Nam mà chỉ nghĩ đến những container gạo Việt bị trả về vì chất lượng thấp và không đạt chuẩn về an toàn.
Liên quan đến chất lượng hạt gạo xuất khẩu nhiều quan điểm cho rằng, thị trường cung đang phải cạnh tranh gay gắt, thị trường cầu không ngừng cố gắng tự túc lương thực nếu không cải tạo chất lượng đáng đồng tiền bỏ ra nguy cơ gạo Việt khó chen chân vào thị trường các nước. “Thị trường đang quyết định sản xuất chứ không phải sản xuất quyết định thị trường.
Nghĩa là, chúng ta phải sản xuất gạo mà các nước đang cần, chứ không phải sản xuất sản phẩm chúng ta đang có”, ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh. Đồng tình với quan điểm của ông Lương Hoàng Thái, Thứ trưởng Bộ Công thương phân trần: “Ngành lúa gạo phải biết là chúng ta đang sản xuất hàng hóa chứ không phải là lúa. Sản xuất lúa rất dễ nhưng sản xuất hàng hóa không đơn giản, mà đã sản xuất được thì phải bán được”.
Theo Bộ Công thương, các thị trường đều có tiêu chuẩn khác nhau, doanh nghiệp nào vào thị trường nào cần xác định tiêu chuẩn của thị trường đó để đáp ứng đúng tiêu chuẩn.
Ông Phạm Thái Bình – Giám đốc Công ty Trung An lý giải, thị trường xuất khẩu chỉ có thể mở rộng khi hạt gạo có tính cạnh tranh với 3 yếu tố: ngon, sạch, rẻ. 3 yếu tố này không đạt được thì khó có thể cạnh tranh. Muốn có gạo sạch, ngon phải bắt nguồn từ sản xuất. Nghĩa là, sản xuất theo cánh đồng lớn và vùng nguyên liệu cùng công nghệ tiên tiến chứ không thể theo quy trình truyền thống với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở mức cao.
“Cần phải tổ chức lại sản xuất vì ném hạt giống nào xuống đất là cả một câu chuyện, sản xuất theo hướng hữu cơ hay vô cơ, trữ thóc hay trữ gạo như thế nào cần có kế hoạch cụ thể. Hơn nữa, để sản xuất ra gạo ngon rất cần doanh nghiệp tham gia, trường hợp cả triệu hộ nông dân chắc chắn chất lượng không thể đồng đều”, Thứ trưởng Bộ Công thương nêu quan điểm.