Tại Nghị quyết 01/NQ-CP ban hành ngày 1/1/2018, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ, ngành rà soát các ĐKKD và KTCN, yêu cầu cắt giảm 50% số hiện có. Như vậy, phải cắt giảm 50% trong tổng số 5.905 ĐKKD.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, với việc cắt giảm 900 ĐKKD này thì mới đạt tỷ lệ 15,2%; còn 2.690 ĐKKD (45,55%) tuy đã có phương án tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể thuộc trách nhiệm 14 bộ, ngành đang thực hiện quy trình cắt giảm. Thời hạn cuối cùng của việc cắt giảm 2.690 ĐKKD sẽ kết thúc vào 15/8.
Trong khi đó, theo các bộ, ngành, lợi ích của việc cắt giảm các ĐKKD, thủ tục KTCN là rất lớn. Chẳng hạn, lĩnh vực hải quan, năm 2016 các DN phải tốn 28,8 triệu ngày công cho KTCN với chi phí 14.200 tỷ đồng thì năm 2017, chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, DN tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan (tương đương hơn 4.000 tỷ đồng); tiết kiệm 16 triệu giờ lưu kho đối với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu và tiết kiệm 34 triệu giờ lưu kho đối với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu…
Theo báo cáo của CIEM (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), năm 2016, chi phí cho thông quan một năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,8 triệu ngày công tương đương 14,2 nghìn tỷ đồng. Như vậy đây là rào cản rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng đó, có tình trạng phương án cắt giảm đã được đưa ra nhưng chưa được áp dụng trên thực tế (ví dụ như phản ánh của một doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, mặc dù DN đã thực hiện theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, nhưng lại vướng Thông tư 24/2017/TT-BNNPTNT nên hàng hóa vẫn lưu tại cảng hơn 80 ngày.
Bên cạnh đó tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa còn diễn ra ở nhiều nơi. Điển hình là phán ánh về 20 vụ việc tiêu cực đã được chuyển đến Bộ Tài chính xem xét xử lý theo thẩm quyền (Công văn số 1629/VPCP-KSTT ngày 8/6/2018), trong đó phần lớn liên quan đến cán bộ, công chức hải quan nhận tiền bồi dưỡng trong quá trình thực thi công vụ, gây bức xúc cho DN.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Thủ tướng chưa hài lòng với kết quả đã đạt được vì thời hạn 15/8 sắp đến nhưng số cắt giảm chính thức mới là 15,2%. “Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản gửi các Bộ trưởng, người đứng đầu các ngành đề nghị các bộ, ngành đôn đốc để tại phiên họp Chính phủ tháng 8 báo cáo đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các việc hoàn thành; phân định rõ đơn vị nào làm tốt, đơn vị nào đang vướng mắc cũng như vướng mắc ở đâu để cắt giảm đạt, hoặc vượt 50% ĐKKD đáp ứng sự mong đợi của cộng đồng DN”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.