Vài năm trở lại đây thể thao Việt Nam có vị thế nhất định ở đấu trường quốc tế. Dẫu vậy, một cuộc sống no đủ, cùng khoản thu nhập để có thể sống khỏe bằng nghề và toàn tâm toàn ý cống hiến hết mình cho sự nghiệp thể thao vẫn thực sự là giấc mơ…
Chưa nói đến VĐV ở địa phương hay VĐV còn ở lứa tuổi trẻ hoặc năng khiếu, có thể bắt gặp rất và rất nhiều hoàn cảnh khó khăn ngay với các VĐV ĐTQG. Trong số này có không ít các nhà vô địch từ SEA Games, cho đến ASIAD hay các giải đấu quốc tế lớn. Tính ra trung bình thu nhập của các VĐV chỉ trên dưới 4 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, các VĐV cũng chỉ đủ tiêu vặt, chứ khó có thể nuôi gia đình.
Cách đây không lâu, người viết có tâm sự với 1 VĐV ở môn cử tạ, tuổi đời còn khá trẻ và đang chuẩn bị bước vào “độ chín” của sự nghiệp. VĐV này nói rằng, đã trót đam mê và theo nghiệp thể thao nên sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để chinh phục đỉnh vinh quang.
Thế nhưng, nghề VĐV quả lắm cơ cực chứ không như nhiều ngành nghề khác trong xã hội. Quanh năm suốt tháng đổ mồ hôi, sôi nước mắt, thậm chí còn đổ cả máu (vì nguy cơ gặp chấn thương rất cao) khi tập luyện và thi đấu. Vậy mà chỉ cần “ngơi chân ngơi tay” là hết tiền. Nghe có vẻ cay đắng, nhưng nó phản ánh rất chuẩn xác thực tế cuộc sống của phần lớn các VĐV hiện nay.
Các VĐV đều “tâm đắc” với câu nói: “Đời VĐV cứ ráo mồ hôi là hết tiền, vì có phải ai và năm nào cũng được thưởng cho thành tích, huy chương đâu?”.
Đằng sau nụ cười rạng rỡ trong khoảnh khắc ngắn ngủi trên bục vinh quang, đại đa số các VĐV thể thao chuyên nghiệp lại trở về với những âu lo trĩu nặng trong cuộc sống thường nhật. Bủa vây quanh họ là nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”, trong bối cảnh khoản thu nhập hàng tháng từ “nghề VĐV”, gần như không thể trang trải cho sinh hoạt cơ bản hàng ngày.
Từ thực tế này mà nhiều người đã phải bỏ nghề, hay theo nghiệp thể thao không đến nơi đến chốn. Nhiều gia đình muốn con em đi học, đi làm thay vì tập luyện thể thao.