Quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, các địa phương ở Nghệ An đã tìm tòi, vận dụng, triển khai nhiều mô hình, cách làm hay nhằm giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết đang nhức nhối lâu nay.
Tỉ lệ vẫn còn cao
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN); tại Nghệ An, thời gian qua đã có nhiều mô hình, cách làm hay với mục đích kéo giảm tỷ lệ tảo hôn, từng bước đẩy lùi những hủ tục lạc hậu này.
Theo thống kê của Ban dân tộc huyện Tương Dương, tính từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2024, tổng số trường hợp tảo hôn của huyện này đã giảm được 60 trường hợp, nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực.
Lứa tuổi tảo hôn chủ yếu từ 15 đến 17 tuổi. Ngoài ra, tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra 1 trường hợp ở bản Chằm Puông, xã Lượng Minh vào năm 2021.
Tại huyện Kỳ Sơn, qua thống kê cho thấy trong 3 năm (từ 2020-2022) trên địa bàn huyện này có trên 516 trường hợp tảo hôn và 11 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Riêng năm 2023, có 229 trường hợp tảo hôn, tình trạng này diễn ra ở hầu hết các xã, trong đó phổ biến nhất ở các xã: Mường Lống, Nậm Càn, Huồi Tụ... Thậm chí, sau Tết Nguyên đán năm 2023, huyện Kỳ Sơn có 22 học sinh kết hôn, trong đó 15 em bỏ học vì lý do lấy chồng, lấy vợ.
Hay tại huyện Quỳ Châu, thống kê từ UBND huyện cho thấy, năm 2022 có 416 cặp kết hôn thì có 17 cặp tảo hôn. Còn tại huyện Con Cuông, theo thống kê từ năm 2020 đến tháng 8/2024, toàn huyện đã có gần 130 trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Cụ thể, năm 2020 có 1 trường hợp hôn nhân cận huyết và 30 trường hợp tảo hôn; năm 2021 có 30 trường hợp tảo hôn, năm 2022 có 25 trường hợp tảo hôn, năm 2023 có 22 trường hợp tảo hôn; riêng 8 tháng đầu năm 2024 có 21 trường hợp tảo hôn.
Theo các lãnh đạo các địa phương, nguyên nhân của tình trạng tảo hôn là do điều kiện kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định nên không đủ chi phí trang trải việc học hành của con, dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, thất học và kết hôn sớm.
Những mô hình “kéo“ giảm tỷ lệ tảo hôn
Trước thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có chiều hướng gia tăng. Thời gian gần đây tại nhiều địa bàn ở Nghệ An đã triển khai nhiều mô hình, cách làm nhằm kéo giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Cụ thể, từ nguồn lực của Tiểu dự án 2, Dự án 9 Chương trình MTQG 1719, các địa phương đã tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền, vận động, ký cam kết không vi phạm tảo hôn đến tận thôn bản, trường học và hộ gia đình. Đặc biệt, nhiều địa phương đã triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình như: Câu lạc bộ “Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; “Bản làng không tảo hôn”; xây dựng hương ước, quy ước thôn bản gắn với phòng chống tảo hôn…
Đơn cử như tại huyện Tương Dương, ông Lương Xuân Hiệp, Trưởng Ban dân tộc huyện cho biết, thực hiện công tác chỉ đạo của UBND huyện, chúng tôi đã tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS ở địa bàn các xã, bản có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Đến nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Tương Dương đã giảm đáng kể. Từ 77 trường hợp vào năm 2020 đã giảm xuống còn 17 trường hợp năm 2024 (tính trong 6 tháng đầu năm 2024), nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực.
"Với nguồn lực của Tiểu dự án 2, Dự án 9, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN, chúng tôi đã thành lập được 9 Câu lạc bộ phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gồm 1 CLB ở xã Tam Hợp, 3 CLB ở xã Mai Sơn, 3 CLB ở xã Nhôn Mai và 2 CLB ở xã Xá Lượng", ông Hiệp cho biết thêm.
Trong khi đó, tại huyện Kỳ Sơn, địa phương này đã tổ chức nhiều hội thi tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các trường học thuộc bậc THCS trên địa bàn. Cụ thể, cuộc thi được thể hiện theo hình thức sân khấu hóa, với ba phần, gồm giới thiệu và tiểu phẩm, trắc nghiệm kiến thức tảo hôn, xử lý tình huống, đã mang đến những trải nghiệm mới, những kiến thức bổ ích cho lứa tuổi học sinh.
Nhờ vậy, những kiến thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được chuyển tải, tuyên truyền đến các em vừa mang tính giải trí, vui chơi, vừa mang tính tìm hiểu để thi đua. Từ đó, việc tiếp cận, tìm hiểu các kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trở nên nhẹ nhàng hơn, dễ dàng tiếp thu hơn. Cùng với đó, nhà trường còn triển khai cho học sinh ký cam kết không vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn cho biết, điểm mới trong công tác tuyên truyền pháp luật về tảo hôn đó là đã xử phạt hành chính, thậm chí là xử lý hình sự nhằm mang tính răn đe. "Qua thống kê sơ bộ, đã có 175 trường hợp bị xử phạt hành chính trong năm 2023. Một số trường hợp cũng bị xử phạt tù về tội “Giao cấu với người từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi", ông Tuấn thông tin thêm. Với các huyện như Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông... cũng triển khai cách làm tương tự.
Qua tổng hợp sơ bộ từ Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết đang giảm dần. Nếu như năm 2021 là 309 trường hợp, thì đến năm 2022 còn 295 trường hợp và đến cuối 2023 còn 230 trường hợp. Trong đó, một số địa phương từng có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết cao, nay đã giảm đáng kể. Điều đó cho thấy, các giải pháp phòng chống tảo hôn với sự hỗ trợ từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719 đang phát huy hiệu quả tích cực.
Box: Nghệ An có 12 huyện, thị xã thuộc khu vực miền núi, vùng cao với 47 DTTS cùng sinh sống đan xen; có 27 xã thuộc 6 huyện có biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào. Dân số vùng DTTS, miền núi có 1.197.628 người, trong đó đồng bào DTTS có 491.267 người (chiếm 14,76%) và chiếm 36% dân số trên địa bàn miền núi.