Ở TP HCM, cứ khoảng 18h30 phút trong lúc người người tất tả trở về nhà sau một ngày học tập và làm việc thì những lớp học đặc biệt tại trường tiểu học Bông Sao, Quận 8 mới bắt đầu vào buổi học.
Tiếng giảng bài, tiếng ê a đánh vần từng con chữ lại vang lên từ lớp học đặc biệt với những thầy giáo và học sinh đặc biệt.
Đó là âm thanh quen thuộc mỗi tối thứ hai, tư, sáu hàng tuần tại các lớp học “đặc biệt” dành cho những người không có điều kiện đến trường, ở nhiều lứa tuổi và học chương trình từ lớp 1 đến lớp 5 tại trường tiểu học Bông Sao, phường 5, Quận 8, TP HCM.
Hầu hết những người đi học buổi tối tại đây đều học muộn hơn so với tuổi của mình. Ở bậc tiểu học, học sinh nhỏ tuổi nhất của các lớp tầm 8 tuổi, 10 tuổi, còn lớn tuổi nhất thì lên đến 36 tuổi. Lớp đông nhất có 7 học sinh, lớp ít nhất là 2 học sinh và mỗi lớp đều có một giáo viên chứ không dạy ghép hay kiêm nhiệm.
Ở phòng học dành cho lớp 5 do thầy giáo Trần Thành Trung phụ trách có 2 học sinh nam và 1 học sinh nữ. Trong đó, Nguyễn Hồ Anh Thư, 14 tuổi được thầy Trung đánh giá là hoạt bát, hăng hái phát biểu và đặc biệt là chăm chỉ đi học, không vắng buổi nào.
Gia đình Thư khó khăn, ba mất sớm, mẹ lập gia đình khác để lại 7 chị em Thư sống cùng bà ngoại nên hầu hết học hành dang dở. Một năm trước, Thư được thầy cô giáo dạy buổi tối ở trường Bông Sao nhận vào học và giờ đã học đến lớp 5. Thư luôn cảm thấy vui khi được đi học, bởi ở lớp Thư có thể trò chuyện với thầy, với bạn và nhất là được học môn Toán yêu thích.
Còn ở lớp 2 do cô Trần Thị Châu phụ trách, có một học sinh người Khmer đã 36 tuổi- anh Thạch Sokum. Ban ngày anh Sokum làm đủ mọi việc để kiếm sống, ai thuê gì anh làm nấy và ban đêm anh lại tìm đến lớp học với mong muốn học cho biết chữ, biết đọc. Dạy các em hơn 10 tuổi học lớp 2 đã khó, dạy một người 36 tuổi học lớp 2 lại càng khó hơn. Cô Châu cùng với học trò Sokum của mình bắt đầu lại từ phần đánh vần của lớp 1, viết nét rồi dần dần mới qua viết chữ, ghép từ và đọc.
Cô giáo Châu kể, nhiều khi hết buổi dạy, về nhà rồi mà cô vẫn không thoát ra khỏi suy nghĩ làm cách nào để có thể dạy chữ cho những người như Sokum. Cô đã tìm ra những cách dạy riêng cho anh học trò đặc biệt này.
Và những nhà giáo lặng lẽ gieo chữ
Các lớp học đặc biệt với những học sinh đặc biệt nên thầy cô giáo cũng rất đặc biệt. Hầu hết các giáo viên tham gia dạy học buổi tối ở trường Bông Sao, quận 8 đều là những người lớn tuổi, sắp về hưu hoặc đã về hưu. Như cô Trần Thị Châu năm nay đã 76 tuổi, đã có hơn 30 năm gắn bó với các lớp học này. Ở tuổi có thể nghỉ ngơi an nhàn, nhưng vì thương những người không có điều kiện đến trường nên cô đều đặn đạp xe đến đây để dạy học buổi tối.
Hay như thầy giáo Trần Thành Trung, 54 tuổi, ban ngày dạy ở trường, tối đến lại miệt mài với các học trò đặc biệt. Thầy Trung cho rằng, những lớp học như thế này, chính quyền địa phương chỉ có thể hỗ trợ cho các thầy cô mỗi tháng vài trăm ngàn nhưng niềm vui mà thầy cô nhận lại chính là sự tiến bộ mỗi ngày của các em học sinh, sự chịu khó lắng nghe, chăm chỉ đến lớp. Thêm vào đó, bản thân thầy cô là người địa phương, sống ở đây, hiểu rõ cuộc sống học trò mà mình dạy nên cũng dễ cảm thông.
Những lớp học này ban đầu được dành cho người lớn tuổi chưa biết chữ, dần dần tiếp nhận những em nhỏ từ các nơi khác theo gia đình về thành phố sinh sống nhưng gia đình khó khăn nên không có điều kiện đi học vào ban ngày, để dạy các em biết chữ trong khả năng của mình.
Ông Lê Thành Sơn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bông Sao cho biết, các lớp học do nhà trường phối hợp cùng phường 5 tổ chức, duy trì. Ở quận 8, mỗi phường sẽ có một trường tiểu học tiếp nhận học sinh có hoàn cảnh đặc biệt cần đi học các lớp tiểu học ban đêm. Kinh phí một phần được hỗ trợ, một phần do chính nhà trường vận động phụ huynh và học sinh trong trường ủng hộ. Trường lúc nào cũng mở rộng cánh cổng để đón những người có nhu cầu về việc học.
Nhà trường và thầy cô giáo ở các lớp học ban đêm của trường Tiểu học Bông Sao, quận 8 đều mong muốn sĩ số của các lớp không tăng thêm nữa. Bởi sĩ số tăng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều học sinh phải gián đoạn việc học ban ngày vì hoàn cảnh gia đình hoặc có thêm những người lớn tuổi không biết chữ. Tuy nhiên, khi nào vẫn còn những học sinh, những người lớn tuổi có hoàn cảnh đặc biệt muốn được đến trường học con chữ, học phép tính thì các thầy cô lại tiếp tục đồng hành để truyền thụ kiến thức với mong muốn giúp học sinh của mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn.