Người mắc rối loạn dạng cơ thể có biểu hiện giống bệnh tim, bệnh tiêu hóa, bệnh phổi nhưng khám lại không ra bệnh ở những cơ quan đó.
Nhập viện vì tưởng ung thư dạ dày
Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, gần đây, Viện Sức khỏe tâm thần có tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân tên Minh H. (54 tuổi, quê Bắc Giang). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng liên tục có cảm giác đau tức, nóng rát và cồn cào vùng thượng vị, hồi hộp, đánh trống ngực và luôn ám ảnh mình mắc ung thư.
Theo chia sẻ của gia đình, khoảng 2 năm trở lại đây, bệnh nhân xuất hiện ngủ kém, trằn trọc khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu và thường thức dậy sớm (khoảng 4h sáng), sau đó không thể ngủ lại được. Kèm theo đó là tình trạng nóng rát thượng vị, lan sau lưng, đau tức.... đi khám nhiều nơi chẩn đoán trào ngược dạ dày, có u trong dạ dày…
Bệnh nhân uống thuốc theo đơn của bác sĩ nhưng chỉ thuyên giảm được 2 tuần, các triệu chứng trên lại xuất hiện. Điều này khiến bệnh nhân lo nghĩ mình bị ung thư, tâm lý chán nản, không hứng thú giao tiếp với mọi người, không hứng thú đi chơi và không đi làm được.
Bệnh nhân cũng từng đi khám ở nhiều bệnh viện lớn tại Hà Nội nhưng bệnh không khỏi và cuối cùng, chị H được các bác sĩ tư vấn nên đến khám tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai).
Tại đây, qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt hay than phiền về triệu chứng cơ thể như nóng rát bụng, thượng vị, hồi hộp đánh trống ngực nên rất lo lắng.
Sau khi khai thác tiền sử, cùng với kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn cơ thể hóa, chỉ định cho người bệnh nhập viện điều trị nội trú. Sau 2 tuần điều trị bằng thuốc, cũng như các liệu pháp tâm lý, bệnh nhân ngủ được hơn, đỡ than phiền về các triệu chứng cơ thể như đau bụng, nóng rát thượng vị, ngủ kém…
Khuyến cáo của chuyên gia
Theo TS.BS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Rối loạn liên quan đến stress và sức khoẻ tình dục & giới tính (Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai), rối loạn cơ thể hóa hay là thể lâm sàng của rối loạn dạng cơ thể. Một loại bệnh có các triệu chứng, biểu hiện giống như đang mắc bệnh của cơ quan bộ phận nào đó trong cơ thể, nhưng không có tổn thương ở các cơ quan nào trong cơ thể phù hợp với những than phiền của người bệnh.
Người bệnh có biểu hiện giống bệnh tim, bệnh tiêu hóa, bệnh phổi nhưng khám lại không ra bệnh ở những cơ quan đó. Điều này khiến bệnh nhân rất khó chịu và dễ nhầm lẫn với các căn bệnh khác.
"Do đau đớn ở các bộ phận cơ thể nhưng khám không phát hiện ra làm cho người bệnh càng lo lắng, hốt hoảng từ đó dẫn tới ảnh hưởng tâm lý. Nguyên nhân gây bệnh thường gặp ở người hay chi ly, cầu toàn, khả năng chống đỡ yếu. Mặc dù, những người đó chỉ gặp stress thông thường trong đời sống xã hội và sinh hoạt hàng ngày”, bác sĩ Tâm hay.
BS Tâm thông tin thêm, triệu chứng gây bệnh này rất phong phú như: đau đầu, choáng váng, đau vai gáy, triệu chứng giống như mắc bệnh tim, tim phổi, dạ dày, thần kinh, cơ xương khớp nhưng khi chụp chiếu lại không ra bệnh gì.
Để chẩn đoán bệnh, cần phải đáp ứng 4 tiêu chí sau: Phải có triệu chứng 2 năm trở lên và bị dai dẳng than phiền về những triệu chứng cơ thể; Không tìm thấy tổn thương nào phù hợp với những khó chịu của người bệnh và họ luôn từ chối lời khuyên của bác sĩ là không có bệnh gì; Luôn có xu hướng đi bệnh viện để tìm nguyên nhân, chữa hết triệu chứng của mình nhưng không tìm ra bệnh; Gây ra những ảnh hưởng trong sinh hoạt và cuộc sống.
BS Tâm cảnh báo, rối loạn dạng cơ thể nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới mắc bệnh mãn tính, hoặc lạm dụng thuốc điều trị khác quá nhiều, gây ra tình trạng kháng điều trị (điều trị không đáp ứng).
Ngoài ra, nếu không phát hiện sớm người bệnh sẽ đi khám nhiều nơi, từ dó dẫn tới tốn kém về kinh tế, dẫn tới lo âu, trầm cảm. Do đó, để điều trị, người bệnh cần phải điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Đây được coi là biện pháp chủ đạo. Ngoài ra, bệnh nhân cần được thư giãn tập luyện và điều trị bằng thuốc theo tư vấn, chỉ định của bác sĩ.
Để phòng bệnh, trước hết cần phải loại trừ các yếu tố nguy cơ. Giáo dục nhân cách từ khi còn nhỏ là rất quan trọng để nhân cách, tính cách trẻ mạnh mẽ cũng hạn chế nguy cơ gây bệnh.
Ngoài ra, cần phải quản lý stress trong cuộc sống, đồng thời luôn phải có tinh thần thoải mái. Đây cũng là cách phòng bệnh rất hiệu quả.
Cuối cùng, khi thấy có triệu chứng cơ thể nhưng khám không ra bệnh thì cần phải nghĩ đến một bệnh “rối loạn chức năng” và đi khám đúng chuyên khoa tâm thần. Không chỉ có vậy, vai trò của người thân trong hỗ trợ tâm lý, tạo môi trường, lối sống lành mạnh, vui vẻ là rất quan trọng.