Hàng năm, vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 11, ngư dân ven biển TP Vũng Tàu bước vào mùa khai thác cá trích. Khi bình minh vừa kịp ló dạng, ghe thuyền với đầy ắp cá trích nối đuôi nhau vào bờ để gỡ cá, kịp bán cho thương lái, người dân và cả khách du lịch ngay trên những bãi cát dài ở khu vực Bãi Trước, TP Vũng Tàu.
6 giờ sáng, ngư dân Nguyễn Hùng lái thuyền máy cập biển Bãi Trước. Trên bờ, các cô, các chị chờ sẵn bước xuống bãi cát gần mép biển phụ gỡ lưới để thương lái kịp cân. Hôm nay, mẻ lưới cá trích của anh Hùng nặng tay, ước chừng đạt khoảng 3,5 tạ cá. Theo ông Hùng, hiện, giá bán cho thương lái ngay tại biển giao động từ 15.000-20.000 đồng/kg. Sau khi trừ tiền dầu, nhân công đi cùng và tiền ăn sáng, chủ mỗi thuyền thúng sẽ lời khoảng từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng tùy từng hôm trúng đậm hay ít cá. Ông Hùng cho biết thêm, nghề đánh bắt cá trích không cần đầu tư quá nhiều, chỉ cần ngư dân có kinh nghiệm thì sản lượng thu được là không nhỏ. “Chỉ cần đưa lên bờ là có thương lái đến thu mua. Người dân, khách du lịch thấy cá tươi ngon cũng ghé chọn vài ba kí về nấu nướng. Vì vậy, đánh bắt được bao nhiêu là bán vèo hết trong buổi sáng”, ông Hùng nói.
Cách chỗ ông Hùng không xa, thuyền của ông Nguyễn Toàn vào trễ hơn mọi ngày cũng đang tìm chỗ rải tấm bạt xuống bãi biển để gom cá về. Khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi, ông Toàn nhanh tay gỡ hàng trăm con cá trích đang vẫy mình trong lưới cho kịp chuyến chợ sớm. “Bình thường, gần 6 giờ sáng ghe đã vào bờ, nhưng nay lưới trúng luồng cá, ham quá tôi cố kiếm thêm chút, nên vào muộn hơn thường lệ. Mẻ lưới này chắc cũng phải được vài tạ cá”, ông Toàn nói trong vội vã.
Cũng như các ngư dân khác tại đây, ông Toàn là dân chuyên đánh bắt cá trích với hơn 40 năm kinh nghiệm. Theo ông Toàn ngư trường có cá trích chỉ cách bờ khoảng 10-12 hải lý, mỗi chuyến ra khơi một thuyền chỉ cần 3 đến 4 lao động. Ông Toàn cho biết thêm, năm nào vào mùa, ông cũng cùng bạn thuyền đi “săn” cá trích. “Tôi gắn bó với nghề này đã lâu, làm quanh năm, không nghỉ ngày nào hết trừ khi gió bão. Hết mùa cá trích lại đến mùa cá mai nên biển lúc nào cũng xôn xao vậy đó”, ông Toàn cho hay.
Theo ông Lê Văn Trung, một ngư dân lưới cá trích cho biết, cá trích thường di chuyển theo đàn vào gần bờ kiếm ăn trong vào buổi sáng sớm nên nếu đánh đúng luồng cá thì bà con ngư dân sẽ trúng đậm. Tuy nhiên, đánh cá trích cũng tùy thuộc rất nhiều vào con nước, thời tiết và kinh nghiệm của người đi đánh bắt. “Với nhiều ngư dân, tuy cá trích có giá trị kinh tế không cao như cá ngừ, cá thu, mực, nhưng lợi thế là chỉ cần ghe công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ. Nhất là ngư dân không có nhiều vốn cho những chuyến biển đánh bắt xa bờ thì cá trích chính là nguồn lợi mang lại thu nhập ổn định cho gia đình”, ông Trung nói.
Chị Lê Thị Dung (đến từ Bảo Lộc, Lâm Đồng) cùng bạn bè đến Vũng Tàu nghỉ dưỡng cuối tuần, đã vô cùng thích thú bởi sự nhộn nhịp và cách thu hoạch cá trích của bà con ngư dân nơi đây. Nhiều du khách tranh thủ mua vài chục kg cá trích để về nhà thưởng thức và làm quà biếu. Các chủ thuyền thúng cho biết, để phục vụ khách du lịch nên cũng sẵn sàng bán tại chỗ nếu khách có nhu cầu. Tuy nhiên, bán cho khách du lịch phải lựa những con kích cỡ to, đều, còn nguyên đầu... nên giá thành sẽ cao hơn so với bán cho thương lái. Cụ thể, giá sẽ dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/ kg, tùy vào chất lượng cá.
Từ cuối tháng 11 năm này đến tháng 3 năm sau, ngư dân khai thác cá trích, cá mai lại quay về khu vực Bãi Sau để tránh gió và đánh bắt cá rựa, cá đối… Cứ thế, nghề đánh bắt hải sản ven bờ TP Vũng Tàu duy trì bền chặt theo những mùa cá, tạo nên nét đẹp đặc trưng của vùng duyên hải. “Hiện TP Vũng Tàu có khoảng 19 ghe thuyền chuyên đánh bắt cá trích. Để khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản này, TP Vũng Tàu đã khuyến cáo ngư dân giữ gìn vệ sinh, tránh gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở các vùng biển phục vụ khách du lịch”, ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu cho hay.