Rộn tiếng chiêng Mường

Bùi Phương - Dương Liên 06/12/2016 09:43

Hòa Bình vừa tưng bừng kỷ niệm 130 thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh. Trong những hoạt động hấp dẫn đó, du khách gần xa hẳn còn ấn tượng với tiếng chiêng bản Mường. Được hòa mình trong những sự kiện hấp dẫn cùng những thanh âm và màu sắc của Lễ hội Chiêng Mường tỉnh Hoà Bình lần thứ II, đó là một trải nghiệm khó quên…

Nhạc cụ đặc sắc

Có thể nói, năm 2016 là một năm đánh dấu chặng đường mà nghệ thuật văn hóa chiêng Mường Hòa Bình có những bước chuyển mạnh mẽ, đặc biệt, đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 246/QĐ - BVHTTDL ngày 19/1/2016.

Theo ông Nguyễn Văn Chương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, cồng chiêng của người Mường là một nhạc cụ linh khí truyền thống, đặc sắc, gắn bó lâu đời trong đời sống của người Mường. Chiêng được đánh trong các dịp lễ, Tết, trong đám cưới, tang lễ.

Đặc biệt, chiêng được dùng cho các phường sắc bùa đi chúc phúc đến các gia đình vào đầu năm mới, một biểu hiện của tín ngưỡng và là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên. Âm thanh của chiêng Mường khi ngân nga, sâu lắng, khi thôi thúc, trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và tiếng lòng người, sống mãi cùng với trời đất và với con người trên quê hương của đồng bào dân tộc Mường.

Tuy nhiên, trong mấy năm qua, đã có lúc các nhà nghiên cứu văn hóa phải gióng lên tiếng chuông báo động về sự mai một của nghệ thuật chiêng Mường trước các hình thức giải trí mới.

Năm 2010, Sở VHTT&DL tỉnh Hòa Bình đã thực hiện đề tài “kiểm kê số lượng cồng chiêng và một số điệu sắc bùa của người Mường tỉnh Hòa Bình” đã thống kê được 9.960 chiếc chiêng thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng dân tộc Hòa Bình.

Vì thế, việc tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ hội Chiêng Mường là một nỗ lực nhằm duy trì, tôn vinh loại hình nghệ thuật độc đáo này. Lễ hội Chiêng Mường lần thứ II (từ 17 đến 19/11) gồm những nội dung chính: Liên hoan trình tấu chiêng Mường, trình diễn trang phục dân tộc, diễu hành đường phố Chiêng Mường, trình diễn tấu chiêng Mường với sự tham gia của 2.000 nghệ nhân nhằm đề nghị Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập màn trình tấu chiêng lớn nhất Việt Nam.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, âm thanh của cồng chiêng bản Mường lại vẫy gọi du khách ở lại lâu hơn với Hòa Bình. Ở lại, và chứng kiến các đoàn nghệ nhân thi trình tấu cồng chiêng và trình diễn trang phục dân tộc và diễu hành đường phố chiêng Mường trong khuôn khổ lễ hội Chiêng Mường.

Theo Ban tổ chức, đã có 13 đội với hơn 300 nghệ nhân của 11 huyện thành phố, Công ty Cổ phần du lịch Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa tham dự thi trình tấu Chiêng Mường.

Trong ngày thi vừa qua, các đội đã mang đến lễ hội các tiết mục độc đáo, đặc sắc, luyện tập công phu, kỹ lưỡng như: trình tấu trống Dàm, liên khúc vui hội; liên khúc Chiêng, ví đối đêm trăng, lóng 1, lóng 2, lóng 3… Ban tổ chức đánh giá Liên hoan trình tấu chiêng lần này là sự hội tụ những nét tinh hoa đặc sắc của nghệ thuật chiêng Mường.

Các đoàn tham gia đã tuyển chọn những bài chiêng cổ đặc sắc nhất của từng vùng quê Mường. Các đoàn nghệ nhân đã đem đến liên hoan hơn 20 bài chiêng cổ, 10 bài chiêng phát triển cùng một số khúc hát ví đúm, thường rang phụ họa làm cho chương trình thêm phong phú về âm thanh và sắc màu.

Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 6 giải A, cho phần trình tấu của các đoàn nghệ nhân chiêng: Tân Lạc, Lạc Sơn, thành phố Hòa Bình, Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình, Mai Châu, Kỳ Sơn. 7 giải B cho đoàn nghệ nhân: Kim Bôi, Thanh Hóa, Đà Bắc, Lương Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, Cao Phong. Ngoài ra, UBND tỉnh đã trao Bằng khen cho đoàn nghệ nhân tỉnh Thanh Hóa.

Với người Mường-Hòa Bình, di sản văn hóa cồng chiêng đã được trao truyền, gìn giữ từ xưa đến nay, đó chính là tài sản văn hóa, gắn kết đời sống của cộng đồng. Vì lẽ đó, việc bảo vệ và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng là điều vô cùng ý nghĩa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của bà con dân tộc Mường - Hòa Bình nói riêng và đời sống văn hóa xã hội nói chung.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Chí Thanh, “do cồng chiêng có ý nghĩa, vị trí, vai trò rất lớn trong đời sống tâm linh và tình cảm của người Mường- Hòa Bình nên đồng bào coi là vật thiêng, là của báu, linh hồn bất tử của gia đình và cộng đồng. Âm nhạc cồng chiêng của người Mường - Hòa Bình là sự hội tụ đầy đủ của tự nhiên và cuộc sống, tiết tấu nhịp nhàng, có lúc êm đềm, sâu lắng, có lúc rộn ràng, sôi động...”.

Tấu diễn cồng chiêng kỷ lục với 2.000 nghệ nhân

Bên cạnh Liên hoan trình tấu chiêng Mường và trình diễn trang phục dân tộc thì không thể không nhắc tới chương trình tấu diễn cồng chiêng diễu hành đường phố và xác lập kỷ lục Guinness lần thứ II.

Lần này, 2.000 nghệ nhân đại diện cho 4 Mường: Bi, Vang, Thàng, Động đã diễu hành đường phố và trình tấu màn Chiêng lớn nhất Việt Nam lần thứ II.

Còn nhớ, năm 2011, tại Lễ kỷ niệm 125 thành lập tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh, Lễ hội văn hóa Cồng chiêng lần thứ I đã được tổ chức và khi đó, tỉnh Hòa Bình vinh dự đón nhận bằng xác lập kỷ lục Việt Nam đối với màn cồng chiêng lớn nhất 1.400 diễn viên trình diễn.

Năm nay, chương trình tấu diễn cồng chiêng diễu hành đường phố và xác lập kỷ lục Guinness lần thứ II diễn ra trong nắng vàng như mật.

Đầu giờ chiều ngày 19/11, các nghệ nhân chiêng chia thành 4 đoàn di chuyển về địa điểm tập kết để diễu hành. Tổng số có 2.000 nghệ nhân tham gia, trong đó có 1.600 nghệ nhân tham gia màn nghệ thuật, 400 nghệ nhân của 11 đoàn các huyện, thành phố và 4 tỉnh bạn…

Các đoàn xuất phát tại 4 điểm từ Ngã tư trường Hoàng Văn Thụ; đầu đê Đà Giang gần cầu Đen- Đồng Tiến; chân đập Thủy điện Hòa Bình; khách sạn Hòa Bình. Cung đường diễu hành của các đoàn gồm: Đoàn 1 gồm 500 nghệ nhân từ đầu đê Đà Giang gần cầu Đen Đồng Tiến đi dọc theo tuyến đường Cù Chính Lan - đường Chi Lăng về Quảng trường Hòa Bình.

Đoàn 2 gồm 500 nghệ nhân từ ngã tư trường Hoàng Văn Thụ đi theo đường Đại lộ Thịnh Lang - đường Chi Lăng về Quảng trường Hòa Bình. Đoàn 3 gồm 500 nghệ nhân từ chân đập Thủy điện Hòa Bình theo đường Cù Chính Lan- đường Chi Lăng về Quảng trường Hòa Bình.

Đoàn 4 gồm 500 nghệ nhân từ khách sạn Hòa Bình đi theo đường An Dương Vương - đường Trần Hưng Đạo về Quảng trường Hòa Bình. Các đoàn đều có xe biểu trưng dẫn đầu, vừa đi vừa trình diễn các bài cồng chiêng như “Đi bộ”, “Bông trắng, bông vàng” và các bài chiêng cổ của dân tộc...

Trên các tuyến phố chính có đông đảo người dân trên địa bàn thành phố Hòa Bình, du khách trong và ngoài nước thưởng thức màn diễu hành chiêng đường phố độc đáo, tưng bừng. Về tới sân trung tâm Quảng trường Hòa Bình, các đoàn Chiêng kết tụ thành một dàn Chiêng lớn biển diễn trên nền nhạc một số bài chiêng của dân tộc Mường.

Lễ hội Chiêng Mường lần thứ II khép lại thành công đã góp phần quan trọng cho công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc Mường.

Thi trình diễn trang phục dân tộc Mường

Trong dịp này, Ban tổ chức Lễ hội Chiêng Mường tỉnh Hòa Bình lần thứ II, năm 2016 đã tổ chức thi trình diễn trang phục dân tộc Mường. Tham dự có 24 thí sinh đến từ 11 huyện, thành phố và tỉnh Thanh Hóa. Theo các nhà nghiên cứu, trang phục là một trong những nét đẹp đặc trưng, độc đáo và rất bản sắc của dân tộc Mường. Trải qua quá trình dài nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, trang phục dân tộc Mường, nhất là trang phục của phụ nữ Mường ngày nay được may ngày càng khéo léo, phù hợp với thẩm mỹ, văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình. Phụ nữ Mường rất tự hào và yêu quí bộ trang phục dân tộc truyền thống.
Tham gia cuộc thi trình diễn, các cô gái Mường đã thể hiện được sự duyên dáng và tôn lên nét tinh tế, độc đáo thông qua từng đường nét của bộ trang phục. Các bộ trang phục tham gia trình diễn đầy đủ gồm có váy, áo cóm, yếm, thắt lưng, khăn đội đầu và các đồ trang sức bằng bạc như xà tích, vòng tay, vòng cổ. Nhiều thí sinh đã sáng tạo sử dụng thêm chiêng, còn… để tạo nên sự sinh động, duyên dáng trong trình diễn.
Kết quả, Ban tổ chức đã trao 2 giải A cho thí sinh Nguyễn Hàm Hương (thành phố Hòa Bình) và Nguyễn Thị Kiều Trang (huyện Lương Sơn). Ngoài ra còn có 7 giải B và 15 giải C cho các thí sinh có phần dự thi trình diễn trang phục xuất sắc.

P.Lâm

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rộn tiếng chiêng Mường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO