Tới nay, dù gặp nhiều thăng trầm nhưng tiền ảo Bitcoin vẫn rất nóng, kể cả tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, kể cả khi đã có quy định pháp lý rõ ràng thì rủi ro vẫn rình rập người dùng loại tiền này.
Mới đây, Bộ Công thương đã có văn bản hướng dẫn áp giá điện kinh doanh với khách hàng có hệ thống máy tính đào tiền ảo như Bitcoin, Litecoin, Ethereum...
Mức giá bán lẻ kinh doanh cao nhất mà đối tượng khách hàng này phải chịu có thể lên tới 4.233 đồng/kWh, có nghĩa là gấp 3 lần giá điện kinh doanh hiện hành.
Dàn máy đào Bitcoin được rao bán trên mạng với địa chỉ hoangtran.computer.
Đầu tư nhiều, rủi ro lớn
Một cảnh báo mới đây cho biết, khoảng gần 60.000 người Việt Nam có thể sạt nghiệp vì đồng tiền ảo Bitcoin.
Cho dù Nhà nước không công nhận giao dịch bằng loại tiền này, nhưng vẫn nhiều người muốn “thử vận may” với nó, và hậu quả là không nhỏ.
Nhắc lại, Ngân hàng Nhà nước khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Ra đời vào năm 2008 và “ngắc ngoải” cho tới năm 2010 đồng tiền ảo Bitcoin có giá chưa đến 0,1 USD đối với mỗi Bitcoin.
Nhưng rồi sức nóng phả ra từ đồng tiền ảo này rất mạnh. Bằng chứng là giá trị của nó tiến sát ngưỡng 20.000 USD mỗi Bitcoin vào cuối năm 2017.
Nhưng rồi nó lại rơi xuống mức dưới 9.000 USD chỉ trong chưa đầy 3 tháng tiếp theo. Đó chính là sự rủi ro rất lớn bởi sự trồi sụt ấy.
Trên thế giới, Bitcoin được một số quốc gia công nhận, tuy nhiên sự cảnh báo về rủi ro do nó mang lại nhiều hơn.
Nhưng bất chấp những thông tin “lạnh gáy” về nó, chỉ trong vòng 1 tháng đầu năm 2018 đã có tới 8.000 máy đào Bitcoin nhập về TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, tổng số tiền bỏ ra mua lên tới 12,3 triệu USD (gần 279 tỷ đồng) và thuế thu nộp ngân sách nhà nước gần 28 tỷ đồng.
Cụ thể hơn, thông tin từ Chi cục Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan TP HCM), từ ngày 1 đến ngày 23/1, đã có 7.932 bộ máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo trên mạng (máy đào Bitcoin) nhập khẩu về TP HCM. Hoạt động nhập khẩu máy đào tiền ảo diễn ra vì không có quy định nào cấm nhập khẩu hàng hóa này.
Con số nhập khẩu công cụ đào tiền ảo gia tăng, nếu biết rằng trong khoảng 2 tháng cuối năm 2017, chỉ có khoảng hơn 7.000 máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo trên mạng được nhập khẩu về TP HCM qua đường chuyển phát nhanh (7 doanh nghiệp nhập hơn 2.500 bộ; các cá nhân, tổ chức không có mã số thuế nhập khẩu gần 3.000 bộ).
Cùng với việc gia tăng nhập khẩu mặt hàng này thì giá máy đào Bitcoin cũng tăng chóng mặt, từ 35-45 triệu đồng/máy đã vọt lên 70-90 triệu đồng/máy- tùy theo công suất (thời điểm giữa tháng 3-2018).
Trong giới đào tiền ảo, người ta cho biết tổng chi phí máy móc, công lắp đặt, đường điện và các vật tư phụ trợ lên tới gần 1 tỉ đồng/máy. Họ gọi những dàn máy này là “trâu cày” hay “trâu đào”.
Những dàn máy này chạy suốt ngày đêm không ngưng nghỉ để giải mã chuỗi khối, tạo ra giá trị quy đổi thành tiền ảo Bitcoin, Ethereum...
Điện năng tiêu thụ rất lớn, trung bình 15 triệu đồng/máy/tháng.
“Đầu tư lớn, hy vọng cũng lớn và rủi ro cũng lớn”- một dân đào Bitcoin tại Hà Nội cho biết.
Khi những “ông lớn” vào cuộc
Nếu như giá trị quy đổi của đồng tiền ảo Bitcoin tiến sát ngưỡng 20.000 USD/Bitcoin vào cuối năm 2017, thì trong những ngày cuối tháng 3/2018, người ta lại chứng kiến sự lao dốc của nó trên phạm vi toàn cầu.
Sở dĩ như vậy, nguyên nhân chính được xác định là do những chính sách cấm quảng cáo của “3 ông lớn” Facebook, Google và Twitter.
Cụ thể, trong ngày 29/3, giá Bitcoin giao dịch ở mức 7.812 USD/Bitcoin, giảm 400 USD (tương đương 4,82%) so với thời điểm cùng giờ ngày hôm trước.
Sự biến động của đồng tiền ảo Bitcoin không còn là chuyện lạ. Không hiếm trường hợp chỉ trong 1 ngày nó chênh nhau hơn 5.000 USD/Bitcoin. Nói như đại diện Twitter thì họ đang hướng đến một cộng đồng Twitter trong sạch và an toàn.
Chính vì thế, sẽ áp dụng chính sách hạn chế các quảng cáo có liên quan đến tiền ảo, trong đó có Bitcoin.
Timothy Tam- nhà đồng sáng lập nền tảng thông tin thị trường tiền ảo CoinFi nhận xét, lệnh cấm quảng cáo tiền ảo mà Twitter đưa ra là một yếu tố quan trọng khiến Bitcoin bị bán tháo mạnh.
Không chỉ Twitter, Facebook và Google cũng đã có lộ trình cấm quảng cáo Bitcoin trên các ứng dụng của mình. Cụ thể, Facebook cấm tất cả mọi loại quảng cáo cho tiền ảo từ 31/1/2018; còn Google cũng cấm mọi quảng cáo về hoạt động giao dịch tiền ảo từ tháng 6 tới.
Như vậy, tính trên phạm vi toàn cầu, số phận của những đồng tiền ảo (trong đó có Bitcoin) là mịt mù. Đây là sự cảnh báo nghiêm khắc cho tất cả những ai ôm mộng làm giàu từ việc “mua trâu” về để đào Bitcoin.
Bạn biết gì về Bitcoin? Được tạo ra vào năm 2008, bước vào tuổi 20 Bitcoin trải qua nhiều thăng trầm. Tháng 8/2008 tên miền bitcoin.org đã được đăng ký trực tuyến. Người ta cho rằng “cha đẻ” của Bitcoin là Dorian Satoshi Nakamoto, người Mỹ gốc Nhật, là “nhân vật bí ẩn nhất thế giới”. Có thông tin cho rằng, người đàn ông kỳ lạ này năm nay 70 tuổi, sống với mẹ ở Los Angeles, Mỹ. Tuy nhiên, bản thân ông Nakamoto lại phủ nhận mình là người sáng tạo ra Bitcoin. Theo một giả thuyết khác, “Satoshi Nakamoto” là một nhóm người siêu việt vì một người thì không sao có thể tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ như vậy; đặc biệt là nó có khả năng đe dọa hình thức ngân hàng truyền thống. |