Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội vừa có báo cáo đã đánh giá tác động và đề xuất phương án chỉnh lý Điều 72 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) theo đề nghị của Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Thực hiện Công văn số 2616 ngày 12/6/2024, của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về việc đánh giá tác động và đề xuất phương án chỉnh lý Điều 72 của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ LĐTBXH đã đánh giá tác động và đề xuất phương án chỉnh lý Điều 72 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Việc điều chỉnh nhằm tiếp thu ý kiến ĐBQH khi cho rằng hạ thời gian đóng BHXH xuống 15 năm tạo ra sự chênh lệch lớn trong thụ hưởng lương hưu giữa nam và nữ.
Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Ban soạn thảo đề xuất giảm năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu tối thiểu của lao động nam khác nữ khi có cùng số năm đóng. Theo đó, mức hưởng lương hưu của lao động nghỉ hưu trong điều kiện bình thường bằng 45% bình quân tiền lương tính đóng BHXH, tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm của lao động nam, và 15 năm với lao động nữ. Sau đó, cứ thêm 1 năm đóng bảo hiểm được hưởng thêm 2%.
Lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng tỷ lệ tối thiểu 33,75%, và cần đóng 35 năm để hưởng lương hưu tối đa 75%. Nam đóng đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mức hưởng được tính thêm 2,25% mỗi năm. Lao động nữ tham gia 15 năm hưởng lương hưu tối thiểu 45% và cần đóng 30 năm để đạt mức tối đa 75%. Như vậy, cùng lấy mốc 15 năm đóng BHXH tối thiểu, song tỷ lệ tích lũy lương hưu của lao động nam thấp hơn nữ 11,25%.
Để rút ngắn chênh lệch tỉ lệ hưởng lương hưu giữa lao động nam và nữ, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án chỉnh lý.
Phương án 1, lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng tỉ lệ tối thiểu 35% (dự thảo luật đang là 33,75%). Sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm được hưởng thêm 2%. Lao động nam cần đóng 35 năm để hưởng lương hưu tối đa 75%. Lao động nữ giữ nguyên như dự luật.
Phương án 2, lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng tỉ lệ tối thiểu 40% (cao hơn phương án 1 là 5%). Sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm được hưởng thêm 1%. Lao động nam cần đóng 35 năm để hưởng lương hưu tối đa 75%. Lao động nữ giữ nguyên như dự luật.
Cả 2 phương án đề xuất chỉ rút ngắn mức chênh lệch thời điểm bắt đầu đủ điều kiện hưởng lương, nhưng vẫn đảm bảo giữ theo quy định hiện hành để đạt được mức tối đa 75% thì nam phải có 35 năm đóng BHXH, lao động nữ phải có 30 năm đóng BHXH.
Theo cơ quan soạn thảo, 2 phương án trên đã điều chỉnh theo hướng gia tăng quyền lợi cho lao động nam có thời gian đóng BHXH từ 15 năm đến dưới 20 năm so với phương án đang được thể hiện trong dự luật.Vì vậy, số tiền chi lương hưu cho lao động nam đối với cả 2 phương án cũng đều tăng.
2 phương án mới đề xuất cũng gia tăng quyền lợi cho lao động nam nên ít gây ra phản ứng từ lao động nam hơn so với quy định tại dự thảo. Tuy nhiên đối với phương án 2 có một điểm bất cập đó là tỉ lệ % tính theo mỗi năm đóng của “năm thứ 16 đến năm thứ 19” và “năm thứ 20 trở đi” chênh lệch 1%. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra tâm lý so sánh của lao động nam.Trong khi đó, phương án 1 thì tỉ lệ % tính theo mỗi năm đóng được duy trì ở cùng 1 mức là 2%, sẽ không làm phát sinh chênh lệch, sự so sánh giữa những đối tượng chịu sự tác động.
Trước đó, tại các buổi lấy ý kiến góp ý của Công đoàn về Luật BHXH, đại diện Công đoàn cơ sở có góp ý về việc đảm bảo công bằng tỉ lệ hưởng lương hưu giữa nam và nữ khi đề xuất giảm số năm đóng BHXH xuống còn 15 năm.
Cụ thể, theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 64 dự thảo thì tuổi nghỉ hưu đối với nam cao hơn nữ 2 tuổi (nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi). Trong khi đó, tại khoản 1 Điều 66 dự thảo quy định thời gian đóng BHXH để tính mức lương hưu hằng tháng của nam lại cao hơn của nữ 5 năm (20 năm đối với lao động nam, 15 năm đối với lao động nữ).