Từ năm học 2020-2021 đến nay, sách giáo khoa (SGK) của chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào triển khai (lớp 1, lớp 2, lớp 6) và tới đây là sách lớp 3, lớp 7, lớp 10. Nhiều vấn đề đặt ra trong công tác biên soạn, thẩm định, góp ý SGK đang được đặt ra.
Lo xã hội hóa sách giáo khoa
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), điểm mới nhất trong lĩnh vực SGK được Nghị quyết 88 và Luật Giáo dục xác định là xã hội hóa, phát huy nguồn lực xã hội, đảm bảo đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng SGK. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề đã được chỉ ra từ những bộ SGK đã được xuất bản. Đơn cử như một tác giả trong 2 năm viết đến 50 đầu SGK, sách bài tập các loại ở cả 3 cấp học. Nhiều bất cập trong việc lựa chọn SGK bắt nguồn từ Thông tư số 25 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi trao toàn quyền quyết định cho Hội đồng mà không quan tâm tới ý kiến của cơ sở.
“Nếu việc này tiếp tục diễn ra, chủ trương xã hội hóa trong biên soạn SGK sẽ khó được triển khai, dẫn tới nguy cơ quay trở lại tình trạng độc quyền của một doanh nghiệp trực thuộc Bộ GDĐT, đó là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam” - bà Thúy nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm này, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, mặc dù SGK không còn là pháp lệnh như trước đây nhưng SGK không được quyền sai sót. Giáo viên, học sinh vẫn coi SGK là chuẩn mực nên sẽ học tập theo đó, nếu SGK sai thì các em sẽ học sai… “Cần có cơ chế pháp lý, chế tài việc để lọt “sạn” vào SGK. Thậm chí, nếu SGK có “sạn”, tác giả, nhà xuất bản, phải bồi thường cho người tiêu dùng” - ông Nhĩ nêu quan điểm.
Để không góp ý “cưỡi ngựa xem hoa”
Góp ý SGK hiện nay được thực hiện qua nhiều bước, được triển khai từ Bộ đến Sở, đến Phòng và cuối cùng là đến từng trường, đến giáo viên bộ môn. Nhưng việc này thực chất đến đâu thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó thời gian góp ý cũng là một vấn đề. Đơn cử như vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang yêu cầu các trường THCS & THPT, THPT góp ý bản mẫu SGK lớp 10 trong thời gian từ 30/12/2021 (ngày ban hành công văn) tới 5/1/2022. Giáo viên được hướng dẫn vào trang web của nhà xuất bản để tải tài liệu về nghiên cứu, tham gia lấy ý kiến mà không có thêm bất cứ hướng dẫn nào. Mỗi cuốn sách ít thì vài chục trang, nhiều thì vài trăm trang nếu là sách gồm 2 tập. Vậy chỉ trong chưa đầy 1 tuần từ khi tiếp cận yêu cầu của công văn đến khi phải nộp nhận xét thì giáo viên đọc hết cũng khó, chưa nói đến việc nhận xét, góp ý gì cho bản thảo. Nếu có, cũng rất dễ trùng với ý kiến của các thành viên hội đồng thẩm định vốn có thời gian nghiên cứu kỹ càng hơn nhiều và có trách nhiệm chuyên tâm với việc thẩm định SGK. Những thầy cô làm việc trong thời gian ngắn, không có chế tài và cũng không chế độ thì làm sao có được những góp ý chất lượng trong khi các công việc giảng dạy khác vẫn không hề giảm bớt một chút nào?
Để không còn cảnh “cưỡi ngựa xem hoa” khi góp ý SGK, các chuyên gia giáo dục cho rằng cần có khắc phục về thời gian nộp góp ý, có chế độ thù lao hợp lý bởi đây là một công việc nghiêm túc, đòi hỏi giáo viên bỏ công sức, chất xám làm việc chứ không thể làm đối phó cho có kiểu đi xin trên các nhóm diễn đàn nơi này nơi kia vài gạch đầu dòng về nộp lên cho có.
Cuối cùng, mong muốn lớn nhất của giáo viên và cả xã hội đó là những góp ý của giáo viên sẽ được tổng hợp, gửi đến nhóm biên soạn tác giả, nhà xuất bản để họ tham khảo, tiếp thu một cách cầu thị. Nếu những góp ý chỉ là “ném đá ao bèo”, làm xong để đó mà không ai đọc, không ai phản hồi, tiếp thu thì chắc chắn chẳng giáo viên nào muốn bỏ tâm huyết, thời gian, trí tuệ của mình để góp ý làm gì.