Một trường chọn sách Tiếng Việt của nhà xuất bản (NXB) này, môn Toán của NXB khác... để gộp thành 1 bộ sách giáo khoa (SGK) riêng cho trường mình. Đây chính là sự đa dạng trong việc huy động tất cả các nguồn lực xã hội để làm sao phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp giáo dục.
Đây cũng là điểm ưu việt của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Đó là ý kiến của TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) về việc lựa chọn SGK cho năm học tới.
PV:Thưa ông, dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến việc lựa chọn SGK của các trường hay không?
TS Thái Văn Tài: Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 01 về lựa chọn SGK trong Danh mục SGK được phê duyệt. Hiện nay tất cả các hoạt động, công tác chuẩn bị lựa chọn SGK đều đang diễn ra tại các cơ sở GDPT. Ở đây là lựa chọn SGK lớp 1 nên chủ yếu diễn ra trong các cơ sở giáo dục tiểu học. Vì vậy, với diễn biến dịch Covid-19 như thời gian vừa qua ít nhiều có ảnh hưởng đến công việc chung của ngành, trong đó có việc lựa chọn SGK.
Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động chuyên môn trong quy mô nhỏ, mặt khác chúng ta áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin nên qua các đợt kiểm tra ở địa phương, chúng tôi thấy rằng các địa phương rất sáng tạo trong quá trình thực hiện. Đã tận dụng tất cả các cơ sở vật chất hiện có đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình triển khai. Ví dụ như triển khai việc nghiên cứu chương trình, các bản mẫu SGK. Các tài liệu của Bộ GD&ĐT được triển khai qua các trang mạng xã hội, đặc biệt là các trang mạng chính thống của ngành. Các NXB công bố các bản PDF các bản thảo SGK đã được phê duyệt trên mạng của mình. Giáo viên hoặc các nhà trường, đặc biệt là các Phòng GD&ĐT có sự quan tâm chỉ đạo sát sao tới giáo viên chủ động tìm hiểu các kênh thông tin nguồn học liệu để thực hiện chức năng nhiệm vụ.
Thông tư 01 có hiệu lực từ ngày 15-03, Hội đồng sẽ bắt đầu làm việc từ ngày 15/3/2020. Chúng tôi thấy rằng tâm thế cũng như công tác chuẩn bị chỉ đạo triển khai của Bộ cũng ảnh hưởng chút ít nhưng nhìn chung không ảnh hưởng đến tiến độ công việc chọn sách.
Hiện các NXB có các hình thức nào để hỗ trợ nhà trường trong việc chọn đúng cuốn sách phù hợp nhất?
- Bộ GDĐT đã có ý kiến bằng văn bản đối với các NXB và gửi tới các địa phương 2 nôi dung, trước hết là nhanh chóng phối hợp chặt chẽ bằng nguồn lực của mình từ 2 phía để cung cấp SGK tới nhà trường một cách nhanh nhất, có thể bằng bản giấy, hoặc các phương tiện điện tử thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin sẵn có.
Qua theo dõi, 100% các địa phương đã được các NXB đến giới thiệu các bộ SGK tại nhà trường. Qua thực tế thấy rằng hầu hết các nhà trường đã chủ động liên hệ để có sách trong thư viện, giúp giáo viên có tài liệu nghiên cứu. Bên cạnh đó, các nhà trường rất chủ động trong việc sinh hoạt chuyên môn để tìm hiểu chương trình và SGK. Một số NXB kỹ càng hơn là xây dựng các video, các tiết dạy học mẫu bằng các tiết thực tế với bộ SGK mình biên soạn để giáo viên thuận lợi nghiên cứu hơn.
Ông Thái Văn Tài.
Nếu mỗi trường chọn một số cuốn sách trong 5 bộ sách đã được phê duyệt thay vì chọn cả bộ sách sẽ không có sự thống nhất, thậm chí tạo một bộ sách “lẩu thập cẩm” như ý kiến lo ngại của một số phụ huynh. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Lần thay đổi chương trình này là thay đổi căn bản toàn diện và Thông tư 32 công bố chương trình GDPT mang tính chất đồng tâm, đồng trục. Đồng tâm ở đây là cùng một nội dung, cách tiếp cận trong cùng một bậc học phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12, từng chương trình môn học sẽ thiết kế từ lớp 1 đến lớp 12 theo đồng tâm đồng trục này để kế thừa giáo dục qua các cấp học. Và quy định các chuẩn đầu ra đối với từng môn học trong năm học. Dựa vào chương trình như thế thì các tác giả sẽ tiếp cận để viết các SGK giúp giáo viên học sinh dùng tài liệu này để tiếp cận, hình thành nên năng lực phẩm chất đầu ra đó. Như vậy, tất cả các SGK được Hội đồng quốc gia phê duyệt đều đáp ứng chương trình. Sự sáng tạo và cách tiếp cận khác nhau tạo nên sự đa dạng trong sự thống nhất của chương trình.
Vì vậy, một trường nào đó chọn sách tiếng Việt của NXB này còn môn Toán là của NXB khác để gộp thành 1 bộ SGK riêng cho trường của mình, đó là sự đa dạng rất thông minh của người sử dụng. Đây chính là sự đa dạng trong việc chúng ta huy động tất cả các nguồn lực xã hội để làm sao phục vụ tốt nhất cho ngành. Đây chính là điểm ưu việt lớn nhất của chương trình này. Còn việc đánh giá học sinh theo chuẩn đầu ra của chương trình nên dù học sách nào thì cũng không ảnh hưởng. Đối với môn tiếng Việt của lớp 1, kết thúc lớp 1, học sinh phải đạt được chuẩn đầu ra là gì trong 1 phút đọc được bao nhiêu từ, viết được bao nhiêu từ.
Quan trọng kết quả cuối cùng là em đó đạt được chuẩn chương trình còn SGK là tài liệu quan trọng để dẫn đắt đến việc đạt được năng lực đấy. Đánh giá theo chương trình thì bất cứ SGK nào trong danh mục đều có thể đáp ứng, chỉ là chọn sách phù hợp nhất. Nên chúng ta không cần quá lo ngại việc các trường chọn SGK không đồng bộ trong cùng một NXB. Đây là điểm khác biệt của chương trình mới nên rất mong các thầy cô giáo tìm hiểu chương trình và tăng cường truyền thông cho phụ huynh hiểu rõ việc đổi mới lần này.
Trân trọng cảm ơn ông!