Sách giáo khoa: Giảm chiết khấu để hạ giá

Thu Hương 09/08/2023 10:00

Câu chuyện giá sách giáo khoa (SGK) cao thời gian qua nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Trong đó, mức chiết khấu cao nhất lên đến 23%.

Sách giáo khoa mới được bày bán tại các hiệu sách.

Giảm mức chiết khấu phát hành sách giáo khoa

Năm học 2023-2024, giá SGK mới các lớp 4, 8, 11 cao hơn so với SGK cùng lớp của chương trình cũ từ 2 đến 3 lần. Cụ thể, theo công bố của Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, SGK lớp 4 của NXB này có giá dao động từ 182.000 đồng đến 186.000 đồng (chưa bao gồm sách tiếng Anh). Những năm trước, giá các bộ SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng cao trên 2 lần so với các bộ sách hiện hành gây bức xúc cho người dân.

Lý giải về việc này, NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng, có khác biệt cơ bản giữa chi phí tổ chức biên soạn SGK hiện hành và bộ sách mới. Về nguồn vốn, việc biên soạn, xuất bản SGK mới là vốn do doanh nghiệp tự đầu tư và vay ngân hàng. Còn đối với sách hiện hành (cũ), là bằng vốn ngân sách nhà nước và vốn vay Ngân hàng Thế giới, NXB Giáo dục Việt Nam chỉ chi trả các chi phí tổ chức bản thảo cho việc tái bản. Chi phí bản thảo sách hiện hành chỉ bằng khoảng 1/10 bản thảo sách mới.

Thứ hai, nhuận bút đối với SGK mới cao hơn so với sách hiện hành và phát sinh trong chế độ đãi ngộ do cơ chế cạnh tranh để có tác giả giỏi.

Thứ ba, SGK mới có khổ 19 x 26,5cm, lớn hơn 1,23 lần khổ SGK hiện hành (17x24cm) để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục theo mô hình phát triển năng lực, thông qua hình ảnh hóa nội dung... Do đó, chi phí in tăng cao so với SGK hiện hành. Ngoài ra, còn có chi phí marketing, khi có nhiều NXB cùng tham gia xuất bản SGK trong môi trường cạnh tranh, kéo theo chi phí cho các hoạt động như giới thiệu, cung cấp sách mẫu; truyền thông... Trong khi giá của SGK hiện hành (cũ) không phải phân bổ các chi phí này.

Tuy nhiên, theo giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) với Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một trong những nguyên nhân tác động đáng kể đến giá SGK đó là mức chiết khấu. Cụ thể, theo văn bản kê khai giá của NXB Giáo dục Việt Nam với Bộ Tài chính, mức chiết khấu phát hành SGK theo Chương trình phổ thông mới từ năm 2020 đến nay là 23% cho SGK lớp 1, 2, 6; 22,5% cho SGK lớp 3, 7, 10. Còn SGK lớp 4, 8 và 11 có mức chiết khấu 21%.

Còn mức chiết khấu cho các đơn vị đầu mối NXB phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 đối với SGK do Đoàn Giám sát ghi nhận là 29% giá bìa, năm học 2022-2023 là 28,5% giá bìa. Chi phí chiết khấu SGK cao, chưa hợp lý như vậy rõ ràng tác động tới giá SGK.

Đẩy mạnh xã hội hóa sách giáo khoa

SGK là mặt hàng đặc thù, thiết yếu để phục vụ công tác giáo dục, liên quan trực tiếp và chặt chẽ nhất tới đời sống nên việc tăng giảm giá sách tác động lớn tới nhiều người dân. Mong muốn giảm giá sách là chính đáng nhưng theo phân tích của nhiều chuyên gia, việc này không dễ thực hiện. Vừa qua, một cựu chủ tịch hội đồng thành viên của NXB Giáo dục Việt Nam bị bắt do có liên quan đến việc đội giá vật tư khi in SGK. Tuy nhiên, như lý giải của NXB ở trên, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới việc tăng giá của SGK mới trong đó giá giấy, công in chỉ là một phần nên để giảm giá SGK cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Theo Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa, Bộ GDĐT cần ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về sản xuất SGK để các nhà biên soạn căn cứ vào đó sản xuất. Ví dụ như một cuốn sách sẽ hết bao nhiêu giấy, giấy loại gì... và các đơn vị xuất bản cần phải tuân thủ.

Bộ cũng cần ban hành quy chế giá riêng cho SGK ngoài quy định chung do Bộ Tài chính ban hành. Quy chế này cần quy định những chi phí nào nhà sản xuất được phép tính vào giá thành, chi phí nào không được phép. “Cần quy định về lợi nhuận, do đây cũng là một yếu tố để kiểm soát giá sách không bị quá cao so với mức chi tiêu của người dân” - ông Thỏa đề xuất.

Nhiều chuyên gia cũng nêu quan điểm cần rà soát tổng thể các yếu tố xây dựng giá để tránh nảy sinh tiêu cực. Đơn cử như quy trình đấu thầu ở các khâu của xuất bản SGK đang bất cập khiến cho các đơn vị để đạt mục tiêu có thể phải “lách luật”.

Đối với phương án định giá SGK, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, cần nghiên cứu kỹ để có giải pháp hài hòa, phù hợp, không ảnh hưởng đến việc xã hội hóa, chống độc quyền trong lĩnh vực này.

Để tăng cường quản lý của Nhà nước đối với giá SGK, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GDĐT đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng mức giá trần của SGK theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sách giáo khoa: Giảm chiết khấu để hạ giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO