Theo tìm hiểu của phóng viên báo Đại Đoàn Kết, một số sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được Hội đồng Thẩm định quốc gia Việt Nam phê duyệt đã được giảng dạy rộng rãi ở Việt Nam từ nhiều năm nay. Sự phù hợp với yêu cầu của Chương trình mới thể hiện ở những bộ sách này ra sao là điều khiến dư luận băn khoăn.
Trang bìa SGK tiếng Anh lớp 1.
Phải điều chỉnh để phù hợp với Việt Nam
Ở thời điểm hiện tại, Bộ GDĐT mới chỉ công bố 32 cuốn SGK cho 8 môn học và hoạt động trải nghiệm. Theo lý giải của Bộ GDĐT, tiếng Anh là môn học tự chọn, không phải môn bắt buộc nên sẽ công bố sau. Tuy nhiên, từ trước đó, tại hội thảo “Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam với nhiệm vụ đổi mới chương trình và SGK GDPT”, ở khu vực phía Bắc, NXB Giáo dục Việt Nam đã giới thiệu 4 bộ SGK bản mẫu đã được Hội đồng thẩm định 2 vòng. Trong số các bản mẫu này, có bản mẫu SGK tiếng Anh. Cụ thể, trong bộ SGK “Chân trời sáng tạo” của NXB Giáo dục Việt Nam, SGK tiếng Anh là cuốn “Family and Friends (National Edition), “Student book” của tác giả Naomi Simmons, NXB ĐH Oxford, Anh.
Được biết, bộ sách này đã được nhiều trung tâm tiếng Anh tại Việt Nam sử dụng để giảng dạy từ nhiều năm nay. Vì thế, một số ý kiến băn khoăn, với những bộ sách phổ thông như vậy lại đem đi thẩm định cho Chương trình GDPT mới thì liệu có đáp ứng được các điều kiện đặt ra? Cụ thể là đáp ứng 44 tiêu chí của SGK mới cần đạt được, trong đó có nội dung gắn với điều kiện cụ thể của Việt Nam?
Trao đổi với một chuyên gia giảng dạy tiếng Anh và có tham gia quá trình biên soạn SGK tiếng Anh lớp 1 theo Chương trình GDPT mới, ông cho rằng mặc dù một số cuốn sách đã đươc sử dụng ở Việt Nam nhưng đó là phiên bản cũ. Còn sách để đem đi thẩm định là các cuốn sách đã được sửa chữa, bổ sung và thay đổi nhiều chi tiết, hình ảnh để phù hợp với văn hóa Việt Nam cũng như các yêu cầu của Chương trình GDPT mới.
“Hội đồng Thẩm định đã góp ý nhiều chi tiết đối với cuốn sách chúng tôi biên soạn. Cũng có những chi tiết hai bên phải gặp gỡ trao đổi thẳng thắn để đi đến thống nhất với mục đích làm sao phù hợp nhất với việc giảng dạy trong nhà trường, đem lại hiệu quả cao nhất trong việc học tiếng Anh của học sinh”- vị này nói.
Tuy nhiên nhiều người lo ngại việc nếu “bê nguyên xi” bản gốc SGK nước ngoài làm SGK của Việt Nam thì sẽ không phù hợp với Chương trình GDPT mới với các tiêu chí cụ thể đã được quy định.
Tiêu chí nào?
Là giáo viên giảng dạy tiếng Anh lâu năm cũng như có nhiều công trình nghiên cứu về dạy tiếng Anh cho người lớn và trẻ em, thầy Nguyễn Quốc Hùng MA, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội cho rằng nhà nước ta có chủ chương một chương trình, nhiều SGK. Vì vậy, SGK dù của nước ngoài hay trong nước viết đều có thể trình lên Bộ GDĐT để xin thẩm định. Tuy nhiên, để được phê duyệt sử dụng trong nền giáo dục quốc dân Việt Nam, sách phải phù hợp với Việt Nam. Như vậy không phải bất cứ quyển sách nào của nước ngoài đưa vào Việt Nam đều có thể được sử dụng nguyên si. Để thích hợp với Việt Nam, cuốn sách đó phải đạt một số yêu cầu sau.
Thứ nhất, tuân thủ Chương trình quốc gia ban hành ngày 26/12/2018: nội dung chủ đề, vốn từ vựng (ví dụ chương trình tiếng Anh tiểu học quy định chỉ dạy 500 - 600 từ), ngữ pháp (cấu trúc câu và các vấn đề ngữ pháp khác), phương pháp dạy học, văn hóa...
Thứ hai, tuân thủ tiêu chí đánh giá SGK tiếng Anh do Bộ GDĐT ban hành theo Thông tư số 31/2015/TT-BGDĐT, ngày 14/12/2015, bao gồm 44 tiêu chí về hình thức, kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ, phương pháp dạy học, văn hóa,… trong đó có tiêu chí “Sách không ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, an ninh chính trị, trật tự xã hội và chủ quyền quốc gia” (Điều 5. Tiêu chí 2).
Thứ ba, nội dung sách và đặc biệt là hình minh họa phải phù hợp với thuần phong mỹ tục (nét văn hóa) của Việt Nam.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Thông tư 33 về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, nội dung SGK thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Các nhà xuất bản sách nước ngoài muốn đưa sách vào Việt Nam cần nghiên cứu cách biên soạn lại giáo trình gốc với sự cố vấn, tư vấn của các thầy cô giáo đã và đang giảng dạy tiếng Anh của Việt Nam để phù hợp với đối tượng là học sinh Việt Nam- nhiều giáo viên dạy tiếng Anh đề xuất.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Đại Đoàn Kết về việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh sắp tới cần thực hiện theo hướng nào để đem lại hiệu quả cao nhất, ông Nguyễn Quốc Hùng MA cho rằng việc tập huấn giáo viên tiếng Anh giảng dạy Chương trình GDPT mới cần đi vào thực tế lớp học, giúp giáo viên nhận biết triết lý viết sách của tác giả, nhìn ra tính hệ thống của quy trình luyện kỹ năng, hiểu rõ mục tiêu cuối cùng của từng loại bài tập, và hướng dẫn rất cụ thể cho giáo viên cách thực hiện các bài tập trên lớp một cách sáng tạo. Như vậy cần cung cấp những kiến thức về phương pháp và kỹ thuật dạy tiếng Anh theo xu hướng của thế kỷ 21. Bên cạnh đó, mỗi khóa huấn luyện cần dành một thời gian ngắn để trình bày vấn đề, còn chủ yếu thời gian dành cho giáo viên thảo luận, dạy thử và hồi âm.