Sáng 26/8, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo “Đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh”. Cũng tại đây, vấn đề di sản có được mang lên sân khấu hay không được đặt ra, bởi thời gian qua câu chuyện sân khấu hóa di sản đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Mới đây diễn xướng hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng tại không gian của một trường đại học tại Thừa Thiên - Huế đã gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến bày tỏ việc đưa di sản văn hóa ra khỏi không gian thiêng để biểu diễn là làm sai lệch giá trị của di sản.
GS.TS. Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Khó kiểm soát “hầu đồng văn nghệ”
Sau khi được UNESCO ghi danh, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trở nên nổi tiếng và được nhiều người quan tâm. Trong bối cảnh đó, một số thanh đồng dưới danh nghĩa tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về di sản đã tiến hành nghi lễ hầu đồng bên ngoài các không gian thiêng. Từ đó xuất hiện hình thức được gọi là “hầu đồng sân khấu hóa” hay “hầu đồng văn nghệ”.
Trong 5 năm qua, việc “sân khấu hóa” nghi lễ hầu đồng diễn ra khá ồ ạt và khó kiểm soát. Tất cả những điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nhìn nhận, tổng kết, đánh giá kịp thời thực trạng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, chỉ ra những mặt được và chưa được, để từ đó có những đối sách, giải pháp quản lý phù hợp và hiệu quả.
Tôi cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về di sản, giúp họ hiểu đúng, đầy đủ hơn về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Ở đây, trước hết đóng vai trò quan trọng là các nhà khoa học. Với những hiểu biết chuyên môn thấu đáo, am tường về di sản, các nhà nghiên cứu văn hóa phải là đội ngũ có tiếng nói tích cực giới thiệu cái hay, cái đẹp, giá trị của di sản đến với dân chúng và phổ biến cách thức thực hành tín ngưỡng theo đúng truyền thống.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông đại chúng. Đây là công cụ hữu hiệu trong việc tôn vinh di sản, quảng bá những phương diện tích cực, đồng thời điều chỉnh, phê phán những biểu hiện tiêu cực, trục lợi, thương mại hóa di sản, vi phạm thuần phong, mỹ tục... Những giải pháp đồng bộ, những chính sách kịp thời sẽ giúp chúng ta bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, tránh sa vào trạng thái cực đoan, hoặc cấm đoán, quản lý quá cứng nhắc như trong quá khứ.
TS Trần Hữu Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Chú trọng yếu tố hạt nhân của di sản
Trong di sản của cộng đồng, giá trị đóng vai trò hạt nhân cốt lõi. Các giá trị được thể hiện sâu đậm, rõ nét, nhất là các thành tố tôn giáo - tín ngưỡng, nghi lễ, lễ hội... Các thành tố này còn mang tính thiêng, tạo ra các không gian thiêng ở vào những thời điểm thiêng. Các thành tố tôn giáo - tín ngưỡng tuy không phải là giá trị nhưng nhiều khi lại được phản ánh là cốt lõi của di sản. Ví dụ thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đều là tín ngưỡng thờ Then, là sự tiếp xúc giữa các thầy Then với thần linh.
“Vỏ bọc” ngoài cùng của di sản là các thành tố văn hóa, nghệ thuật như: Nghệ thuật ngôn từ (lời bài cúng, lời bài hát...); nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, múa, sân khấu...); nghệ thuật tạo hình (trang trí trên bàn thờ, trang phục...); nghệ thuật ẩm thực (trò chơi)... Chính các thành tố văn hóa nghệ thuật này đã tạo nên một giá trị khác của di sản, đó là giá trị nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ. Vì thế nhiều người lại nhầm các thành tố văn hóa - nghệ thuật là hạt nhân của di sản. Do đó, ở nhiều nơi chỉ chú trọng bảo tồn các thành tố này mà quên bảo tồn các yếu tố hạt nhân, không chú trọng đến giá trị của di sản hoặc các yếu tố thiêng của di sản.
Các di sản đều gắn chặt với không gian văn hóa sản sinh ra di sản. Như di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” phải gắn với các không gian thiêng là các đền, phủ. Nhưng khi bảo tồn di sản, ở nhiều địa phương lại không chú trọng về không gian. Hiện nay, một xu hướng biểu diễn, sân khấu hóa di sản đang phát triển mạnh mẽ ở khắp các địa phương và cả đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL. Nhu cầu biểu diễn càng trở nên phổ biến trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch, thu hút du khách. Nhưng có lúc việc tổ chức trình diễn một số tiết mục nghệ thuật của di sản do cơ quan văn hóa cơ sở tổ chức lấy tên chương trình là “Liên hoan trình diễn di sản” là không đúng. Vì thế, khi trình diễn một bộ phận cấu tạo nên di sản thì cần gọi đúng như người Tày đã gọi “Liên hoan hát Then, đàn tính” chứ không gọi là trình diễn di sản thực hành Then.
Một vấn đề khác cần quan tâm là di sản luôn gắn liền với chủ thể - chủ nhân của di sản. Đặc trưng của di sản là phải gắn chặt với chủ nhân sản sinh ra di sản. Không có sự tham gia của cộng đồng thì di sản đã mất chủ nhân và biến dạng.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Tất Kim Hùng - Chi hội phó Chi hội Di sản Văn hóa Hoàn Kiếm, Hà Nội: Ngăn chặn và chấn chỉnh những hoạt động sai lệch
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là di sản tâm linh chứ không phải di sản nghệ thuật trình diễn nên phải thực hiện trong đền đài điện phủ. Nếu đưa hầu đồng ra khỏi không gian thiêng trước ban thờ nơi thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tức là biểu diễn giá trị hầu đồng.
Thực tế các cuộc trình diễn hay biểu diễn thời trang hầu đồng trên sân khấu như thế làm biến đổi hoàn toàn tính chất các mối quan hệ tâm linh giữa người thầy đồng với thánh thần của họ cũng như với các tín đồ đến tham dự. Trên sân khấu, khi cung hát văn hát “Thánh giá hồi cung” thì thánh “diễn viên” đó sẽ hồi cung nào? Cung “cánh gà sân khấu” thay cho cung trang nghiêm, nơi thánh ngự trị ở điện phủ được hay sao? Hơn nữa lại đi xuống sân khấu phát lộc cho người xem. Vậy đó là lộc thánh ban cho người hay chỉ là người chìa ra cho người? Các nhà nghiên cứu ngồi đó, ghi chép gì, nghiên cứu gì nét đẹp di sản ấy? Hay chỉ ngồi xem như tựa thể xem giải trí nghệ thuật và mơ hồ tưởng rằng tín ngưỡng của người Việt là như thế?
Chính vì sự thiếu hiểu biết về di sản, sự thả lỏng trong quản lý và đặc biệt sự coi thường tín ngưỡng, thiếu tôn trọng cộng đồng chủ thể thực hành di sản nên nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng việc sân khấu hóa với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có cả lợi dụng việc kiếm tiền, kinh doanh... đã làm ảnh hưởng rất xấu, rất nặng nề tới giá trị của di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia:Phát huy giá trị tốt đẹp của di sản
Việc Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào của Việt Nam đã có đóng góp xứng đáng vào sự đa dạng văn hóa của thế giới, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn của một quốc gia thành viên tham gia Công ước trong việc huy động nguồn lực xã hội cho việc bảo tồn di sản văn hóa.
Với quan điểm, bảo tồn di sản văn hóa là phải dựa vào cộng đồng, Cục Dzsản văn hóa đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ VHTTDL tạo cơ sở pháp lý và có lợi cho tất cả các bên có liên quan thực hiện tốt các chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Thực tế cho thấy, sau 6 năm được vinh danh, bước đầu di sản này đã khẳng định sức sống bền vững và có sự lan tỏa mạnh mẽ thông qua nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của cộng đồng. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ không chỉ tồn tại ở nghi thức hầu đồng mà là cả hệ thống thực hành tín ngưỡng bao gồm hàng loạt các yếu tố văn hóa dân gian gắn bó chặt chẽ và tác động tương hỗ lẫn nhau như: Lễ hội dân gian (lễ hội Phủ Dầy theo tập quán tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ), các nghi thức trong việc thờ Mẫu (Vũ đạo - múa thiêng trong các giá đồng, hát văn, trang phục...). Đây là “bộ sưu tập lịch sử và văn hóa” vô cùng phong phú và sinh động đang được cộng đồng thực hành và bảo tồn như một “bảo tàng sống động” về văn hóa dân gian tiêu biểu của Việt Nam.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ sau một thời gian dài, vì nhiều lý do (bị đánh đồng với các hiện tượng mê tín - dị đoan, giá trị lịch sử, văn hóa chưa được nhận thức đúng đắn và toàn diện) bị cấm cản không được thực hành trong đời sống xã hội nay được hồi sinh, có xu hướng thành “cao trào mở phủ, hầu đồng” nên không tránh khỏi những mặt hạn chế cần có biện pháp khắc phục kịp thời.
Từ thực trạng trên đặt ra yêu cầu phải tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước để huy động các nguồn lực tổng hợp của toàn xã hội cho việc bảo vệ và phát huy tốt nhất giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.