Những năm gần đây, sân khấu nỗ lực chuyển mình và đạt được một số kết quả. Tuy nhiên bên cạnh đó, theo NSND Trịnh Thuý Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, sân khấu Việt Nam nhiều năm qua phải đối mặt với nhiều hạn chế, khó khăn, thậm chí là những tồn tại cố hữu.
Muôn vàn nỗi lo
Theo NSND Trịnh Thúy Mùi: Sân khấu hiện nay đang thiếu vắng vai trò nhân vật trung tâm mang tầm vóc thời đại, mang văn hoá cao trong các tác phẩm sân khấu hiện đại, đủ sức thuyết phục người xem. Sân khấu chưa “lấp lánh” những vấn đề xã hội đương thời quan tâm. Có thể thấy, hiện nay nhiều đơn vị nghệ thuật, nhất là các đơn vị công lập, đa phần dựng lại hoặc chuyển thể những kịch bản cũ cách đây trên chục năm, hay tìm về những đề tài lịch sử, dã sử huyền thoại. Nhiều vấn đề xã hội đang đặt ra cần giải quyết như các vấn đề về đất đai, môi trường, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền…, nhưng trên sân khấu, đặc biệt là sân khấu kịch nói chưa có nhiều những tác phẩm đề cập, còn né tránh, nên khấu vẫn thiếu gắn kết hơi thở đời sống, khó hấp dẫn công chúng.
Cùng với đó, đội ngũ tác giả, đạo diễn trẻ có trình độ chuyên nghiệp, có vốn sống thực tế dày dặn vẫn hết sức hiếm hoi, khó tìm. Đạo diễn sân khấu truyền thống còn “đếm trên đầu ngón tay”. Nhiều cuộc liên hoan, hội diễn sân khấu vẫn có những tên tuổi tác giả đạo diễn quen thuộc, gần như gánh trọng trách định hướng nghệ thuật cho hầu hết các đơn vị nghệ thuật. Nhìn vào một số liên hoan, hội diễn, bằng sức nóng từ “thương hiệu” của mình, nhiều đạo diễn “chạy sô” đến 5 - 6 vở diễn trong một liên hoan. Điều này cho thấy sự thiếu hụt đội ngũ tác giả trẻ.
Không những vậy, trên lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật, đã có Nghị định 61/CP quy định về chế độ nhuận bút. Nhưng chế độ nhuận bút này nhiều nơi không đủ kinh phí để chi trả. Vì vậy, đời sống của nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ ở lĩnh vực sân khấu truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương, Rối… gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, trong sự bùng nổ thông tin, sân khấu đang rơi vào bế tắc vì không có kinh phí cho sự quảng cáo, vì vậy khán giả không biết đến nhiều sáng tác và hoạt động của sân khấu.
Không chỉ thiếu hụt về vấn đề con người, cơ sở vật chất của sân khấu hiện nay cũng vô cùng lạc hậu, nghèo nàn. Nhìn chung, cả đơn vị công lập lẫn ngoài công lập vẫn chỉ có cơ sở vật chất cũ kỹ. Các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa thì phải thuê mướn cơ sở vật chất nên không đảm bảo ổn định lâu dài, sân khấu vẫn trong tình trạng nghiệp dư hóa.
Đặc biệt, nguy cơ, thách thức lớn nhất hiện nay của sân khấu truyền thống là đang mất dần khán giả. Cho đến nay, thực trạng khán giả của nghệ thuật sân khấu truyền thống ngày càng báo động, không tìm cách giải quyết kịp thời thì sân khấu truyền thống sẽ khó còn lý do để tồn tại và phát triển. Lớp khán giả trung niên và cao niên đông đảo quen thuộc hiểu và say mê sân khấu truyền thống đã ngày càng ít dần.
Tìm cơ hội trong khó khăn
Theo NSND Thúy Mùi: Để hoạt động sân khấu vượt qua các khó khăn, thách thức, không ngừng phát triển, có rất nhiều vấn đề đang được đặt ra cần giải quyết. Xu thế toàn cầu hóa, cùng với sự đa dạng, phong phú các hình thức nghệ thuật và sự phát triển công nghệ thông tin, những khó khăn về nhân lực, tài lực khiến cho nhiều đơn vị nghệ thuật đang tồn tại rất lay lắt. Chính sách tiền lương dù đã “cải cách” vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh cho người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến. Vì vậy, ngành sân khấu rất cần đến sự quan tâm, đầu tư hơn nữa và có các cơ chế đặc thù như đặc thù của nghệ thuật.
Sân khấu không thể tồn tại nếu không có khán giả. Một trong những đề án cần quan tâm này, theo NSND Thúy Mùi, Đề án “Giới thiệu nghệ thuật truyền thống trong các trường học” nhằm bảo tồn hữu hiệu những giá trị tinh hoa của bộ môn nghệ thuật truyền thống đang có nguy cơ thất truyền, đồng thời nhằm xây dựng lớp khán giả trẻ cho sân khấu truyền thống đang có nguy cơ “mất trắng khán giả”, thực sự có ý nghĩa. Cần phải giới thiệu những giá trị tinh hoa của loại hình nghệ thuật truyền thống hay đề tài lịch sử trong trường học theo văn hóa vùng miền. Đây là hoạt động hết sức cần thiết, mang tính khả thi cao, nó vừa trang bị kiến thức lịch sử nước nhà cho giới trẻ, vừa có tác dụng định hướng khán giả cho nghệ thuật sân khấu.
Một số đề án khác, như Đề án “Quỹ hỗ trợ phát triển nghệ thuật và nghệ sĩ sân khấu”, Đề án “Hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật sân khấu xã hội hoá” để hỗ trợ hoạt động và đặt hàng sáng tác… cũng rất cần được thực hiện, nhằm tạo điều kiện làm tiền đề cho công tác xã hội hoá sân khấu trong tiến trình phát triển.
Cuối cùng, sân khấu cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho những tác phẩm mang đề tài hiện đại. Bởi việc đầu tư này sẽ tạo ra sự đối thoại với người xem, bằng những vở diễn phản ánh sâu sắc, sinh động cuộc sống hôm nay.