Văn hóa

Sẵn sàng cho mùa lễ hội

Minh Quân 07/02/2024 08:15

Tết đến, Xuân về cũng là dịp hàng loạt các Lễ hội truyền thống chính thức khai hội. Đến thời điểm hiện tại, thông tin từ nhiều địa phương, các kịch bản, kế hoạch tổ chức… đã cơ bản hoàn tất với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

anh-cv.jpg
Lễ hội tịch điền Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) năm 2023. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều đổi mới trong công tác tổ chức

Được xem là một “điểm nóng” với số lượng lễ hội nhiều nhất cả nước, mới đây Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (VHTT) đã thông tin chi tiết về công tác tổ chức với những ghi nhận đổi mới, sáng tạo. Theo đó, tại một số lễ hội lớn, năm nay bên cạnh “làm mới” trong công tác tổ chức ngày một hiện đại, chuyện nghiệp, nhiều điểm đến còn tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc phục vụ công chúng. Lễ hội chùa Hương, năm nay Ban tổ chức (BTC) đã quyết định thành lập 5 tiểu ban, 1 trạm kiểm soát vé, 1 tổ kiểm tra liên ngành. Đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng thành viên các tiểu ban xây dựng kịch bản quản lý tổ chức lễ hội an toàn, chu đáo. Bên cạnh đó, BTC tiếp tục duy trì hình thức bán vé tham quan thắng cảnh bằng vé điện tử; Bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đục Khê để đảm bảo thông thoáng, thuận tiện cho du khách về tham quan, trẩy hội.

Còn với Lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), mùa Lễ hội 2024 bên cạnh các nghi lễ truyền thống, BTC còn mang đến cho công chúng chương trình nghệ thuật trình diễn âm thanh, ánh sáng đặc sắc theo công nghệ hiện đại “Âm vang Mê Linh”. Đây là chương trình nghệ thuật bán thực cảnh, kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại, kể lại câu chuyện lịch sử theo một cách thức hiện đại, mới mẻ, với các chương hồi, cảnh diễn nối tiếp, được biến chuyển tinh tế bằng kĩ xảo ánh sáng, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng. Đặc biệt, hệ thống chiếu sáng sẽ chiếu cả xuống sàn sân khấu biểu diễn để khán giả có thể tưởng tượng mình đang đứng trong bối cảnh câu chuyện. Lần đầu tiên trong một chương trình tại Khu di tích lịch sử đền thờ Hai Bà Trưng, khán giả được tương tác, trải nghiệm chân thực, hòa mình vào câu chuyện đang diễn ra.

Từng là “tâm điểm” bởi tình trạng chen lấn cướp lộc, năm 2024, Lễ hội Gióng đền Sóc đã có những thay đổi trong “cách nghĩ, cách làm” với quan điểm phần hội là của người dân và dành phần nhiều cho sự tham gia của nhân dân. Hiện tại, công tác chuẩn bị về mặt bằng đã được lên kế hoạch, toàn bộ khu vực 2 của đền Gióng sẽ trở thành nơi tổ chức các hoạt động của lễ hội, nơi diễn ra các trò chơi dân gian và trải nghiệm văn hóa, hoạt động văn nghệ hát dân ca với sự tham gia của người dân các thôn làng, các xã. Dự kiến, Lễ hội năm nay có 9 đoàn rước với sự tham gia của khoảng 1.000 người.

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, nhằm chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức, Sở đề nghị các địa phương chuẩn bị thật chu đáo cho mùa lễ hội 2024. Phần lễ phải tuân thủ quy định truyền thống của địa phương; tổ chức trang trọng, chuyên nghiệp thể hiện giá trị riêng có của địa phương. Phần hội phải thể hiện rõ bản sắc văn hóa của địa phương hướng tới xây dựng sản phẩm văn hóa đặc trưng.

anh2(1).jpg
Lễ hội gò Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.

Vì một mùa lễ hội an vui

Không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương có các lễ hội lớn được tổ chức trong dịp đầu năm cũng đã hoàn tất các kịch bản, phương án cho ngày khai hội. Đơn cử như Lễ hội Tây Thiên Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 24 đến 26/3 (tức ngày 15 - 17/2 năm Giáp Thìn), tại Khu di tích danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) sẽ có nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc, như: Liên hoan hát văn, hát chầu văn tỉnh Vĩnh Phúc gắn với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên; biểu diễn hát văn, hát chầu văn tại nhà Công quán đền Thượng Tây Thiên. Cũng trong khuôn khổ sự kiện, huyện Tam Đảo tổ chức lễ hội của đồng bào Sán Dìu; trình diễn tái hiện một số phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Sán Dìu, biểu diễn dân ca Soọng cô, trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số.

Luôn là điểm đến thu hút hàng vạn du khách thập phương đi trẩy hội đầu Xuân, ngay từ cuối tháng 12/2023, UBND TP Uông Bí (Quảng Ninh) cũng đã đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm xây dựng phương án tổng thể tuyên truyền trực quan, trang trí khánh tiết tại các chùa trong hệ thống di tích Yên Tử; trang trí bàn thờ Phật và chuẩn bị các lễ rước tại Lễ khai hội; chủ trì thực hiện Lễ cầu quốc thái dân an, lời chúc phúc đầu năm, nghi lễ đóng dấu thiêng Yên Tử; hướng dẫn việc hành lễ của các bản hội phật tử tại ngày khai hội.

Tuy nhiên, cứ đến mùa lễ hội vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn. Đơn cử như tệ nạn chặt chém, tăng giá vô tội vạ các loại dịch vụ, đặc biệt là câu chuyện chuyện minh bạch tiền công đức... Chưa kể dù đã có nhiều biện pháp “thắt chặt” an ninh nhưng vẫn còn đó những tệ nạn ăn mày thật, giả, tình trạng lợi dụng đám đông để ăn cắp, ăn trộm, tình trạng làm ô nhiễm môi trường, sát sinh động vật hoang dã tại nơi cửa Phật, tệ nạn buôn thần bán thánh như dịch vụ cúng thuê, lễ thuê, bói toán, mua bán ấn thật, ấn giả, cờ bạc, trò chơi có thưởng…

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cơ quan chức năng, đặc biệt là ở địa phương, cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh, mang tính làm gương để trả lại môi trường trong lành cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân đi trẩy hội đón Xuân an toàn, vui tươi, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa có Công văn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nhằm tổ chức lễ hội bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương; không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và nhà nước. Tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc.

Theo TS. Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng, lễ hội chỉ có thể làm kinh tế du lịch khi đáp ứng được nhu cầu của du khách. Khách mong muốn được sống trong không khí của lễ hội, với màu sắc văn hóa đặc trưng của mỗi di tích, mỗi địa phương, vùng miền. Nhưng nếu các lễ hội được tổ chức na ná nhau, sẽ mất đi sức hấp dẫn. Muốn giữ được nét riêng ấy, người dân phải là chủ thể của lễ hội, cộng đồng phải được hưởng lợi từ đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẵn sàng cho mùa lễ hội