Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công lập dự kiến sẽ trình Chính phủ trong quý III/2019. Góp ý vào dự thảo đề án phiên bản 27/8/2019, Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) Việt Nam cho rằng việc sáp nhập, giải thể không nhằm mục tiêu để giảm số lượng trường và nên theo nguyên tắc sàng lọc điều chỉnh của thị trường có sự định hướng và điều tiết của Nhà nước.
Ảnh minh họa.
Cần thiết quy hoạch mạng lưới ĐH
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua Bộ đã rà soát quy hoạch mạng lưới giáo dục ĐH trên cơ sở kiểm định chất lượng đào tạo, phân tầng, xếp hạng, cơ cấu đào tạo. “Bộ sẽ quy hoạch lại mạng lưới trường ĐH nhằm tạo hành lang pháp lý để các trường có thể bứt phá phát triển, hoặc sáp nhập một số trường ĐH tạo nên những ĐH mạnh”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Dự thảo Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục ĐH công lập đặt ra trong bối cảnh sau một thời gian đua nhau nâng cấp từ trường trung cấp lên CĐ, từ trường CĐ lên ĐH, hiện nay, tại nhiều tỉnh/thành phố, hàng loạt trường ĐH được nâng cấp đang gặp rất nhiều khó khăn như địa phương không thể bù đắp ngân sách, tuyển sinh èo uột... Cùng đó, thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, các địa phương tiến hành sáp nhập hoặc giải thể trường để giảm số lượng đầu mối đơn vị hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, với các trường ĐH, CĐ, việc giải thể, sáp nhập không đơn giản.
Như nhận định của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, chuyện sáp nhập giải thể thường đụng đến rất nhiều người và hậu quả kéo theo nhiều việc đến vài năm chưa yên. Vì vậy, quan điểm của Hiệp hội là: Sáp nhập giải thể chỉ nên là giải pháp cuối cùng bất đắc dĩ, tốt nhất là không dùng đến.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cũng cho rằng, để giải thể một trường chắc rất khó. Hiện Luật Giáo dục và Giáo dục ĐH sửa đổi cũng chưa có quy định cụ thể nào để thực hiện. Ngay cả những trường không đạt chuẩn kiểm định chất lượng trong nước, hiện nay Bộ GDĐT cũng chưa thể xử lý được.
Đổi mới hệ thống giáo dục ĐH
TS Lê Viết Khuyến -Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cho rằng, việc quy hoạch, sáp nhập, hợp nhất, giải thể trường ĐH công lập cần phải có lộ trình và bước đi cụ thể vì trước đây đã có nhiều dự án Quy hoạch trình Chính phủ về vấn đề này nhưng chưa thực hiện được.
Theo TS Khuyến, trước hết phải làm rõ nguyên tắc sắp xếp các trường, không thể ghép kiểu cơ học mà phải phụ thuộc vào sứ mệnh của từng trường. Có thể tổ chức lại thành trường đa lĩnh vực nhưng không phải cứ ghép nhiều trường lại thành trường lớn. “Các trường ghép lại phải cùng đẳng cấp với nhau chứ không phải trường mạnh, trường yếu. Nếu ghép các trường cùng một lĩnh vực thì sẽ mất đoàn kết” – TS Khuyến nêu quan điểm
Chia sẻ thêm về Đề án sắp xếp, phát triển một số cơ sở đào tạo thành ĐH Khoa học sức khỏe Bộ Y tế đang xây dựng, TS Khuyến cho rằng mô hình ĐH, trong đó có các trường thành viên đã có ở Việt Nam. Nội dung này đã được khẳng định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Đây là hướng đi đúng đắn nhằm tạo ra những thay đổi mạnh mẽ cả về hệ thống đào tạo, mô hình cơ cấu đào tạo với mục tiêu là nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chính vì những lý do này, Hiệp hội đã đề ra những việc cần thực hiện để Đề án tăng tính khả thi. Trong đó, cần thực hiện tự chủ đầy đủ. Các trường sẽ tự khẳng định mình bằng phấn đấu bảo đảm chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, tự bảo đảm về tài chính, về nhân lực, tự xây dựng thương hiệu mà tồn tại và phát triển. Hai là, khuyến khích các trường phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đa cấp để thích hợp với nền kinh tế thị trường và thị trường dịch vụ giáo dục. Ba là, thực hiện việc kiểm định chất lượng thực sự khách quan đáng tin cậy về cả đào tạo, nghiên cứu khoa học và minh bạch về tài chính. Bốn là, chấp nhận sự sàng lọc các đơn vị đào tạo theo cơ chế thị trường thông qua uy tín của thương hiệu, có sự định hướng của nhà nước thông qua khen thưởng, đầu tư và chế tài. Chế tài của Nhà nước có thể từ thấp đến cao tới mức quyết định đóng cửa trường.
“Việc sắp xếp điều chỉnh nên được chuẩn bị thật kỹ về quan điểm, tư duy, đặc biệt là các chính sách cụ thể. Bộ GDĐT nên thiết kế một hành lang pháp lý đủ rộng mà đủ chặt, xây dựng một kế hoạch toàn diện từ lộ trình đến sự giám sát. Không nên coi sắp xếp lần này như là một đợt cấp tập, làm thật nhanh rồi kết thúc mà nên coi đó là sự sắp xếp thường xuyên, giai đoạn đầu có thể làm nhiều việc hơn, về sau vẫn còn có sự điều chỉnh tiếp tục theo hướng tự lựa tốt nhất. Nên suy nghĩ toàn diện và tổng thể về phương hướng đổi mới cả hệ thống giáo dục ĐH, từ đó mới tính được việc sắp xếp mạng lưới trường”- Hiệp hội đề xuất.