Với tình trạng nghỉ học dài ngày do dịch Covid-19, Bộ GDĐT đã hai lần điều chỉnh khung thời gian năm học. Thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8. Hiện hầu hết các trường đang nỗ lực vừa dạy nốt chương trình chính khóa, vừa chia học sinh theo năng lực để ôn thi hiệu quả.
Sau thời gian nghỉ dài, đến trường học trở lại với giáo viên và học sinh đều cùng gặp khó khăn. Ảnh: Quang Vinh.
Phương thức ôn linh hoạt, khuyến khích xu hướng tự học
Năm học 2019-2020, hơn 22 triệu học sinh cả nước mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng tránh Covid-19. Ngày 4/5, học sinh THCS, THPT cả nước đã quay trở lại trường học tập. Nhằm chuẩn bị tốt cho học sinh về kiến thức, kỹ năng và tâm lý khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia, chiều 7/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề tham khảo trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 phù hợp với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và nội dung chương trình tinh giản nhằm giảm áp lực cho học sinh sau ba tháng không đến trường.
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ diễn ra trong hai ngày với 4 buổi thi. Thí sinh sẽ thi ba bài bắt buộc và một bài tự chọn. Bốn buổi thi tương ứng với bốn bài thi, trong đó Ngữ văn 120 phút, Toán 90 phút, Ngoại ngữ 60 phút, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội là 50 phút với mỗi môn thi thành phần. Thí sinh tự do được dự thi các bài độc lập, bài tổ hợp hoặc các môn thành phần của bài tổ hợp theo nguyện vọng, tương tự năm ngoái.
Các trường tổ chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm việc giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức với 4 mức độ yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Trong đó, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước; đối với môn ngoại ngữ, nâng cao yêu cầu phát triển năng lực giao tiếp với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Sau khi kết thúc năm học theo kế hoạch thì việc ôn tập của học sinh được thực hiện theo hướng tăng cường thời gian dành cho học sinh tự học.
Nhà trường cần hỗ trợ cho học sinh tự học như tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu bổ trợ và giải đáp thắc mắc cho học sinh; nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải.
Học gì thi nấy
Trước diễn biến phức tạp của Covid-19 tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Nội dung thi nằm trong chương trình học sau tinh giản theo tinh thần “học gì thi nấy”. Các bài thi, điểm thi môn thành phần trong bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) về cơ bản vẫn như năm 2019. Các trường đại học vẫn có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để làm căn cứ tuyển sinh. Điểm khác biệt đáng kể là nội dung thi giới hạn theo chương trình đã tinh giản, độ khó của đề sẽ được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện dạy, học trong tình hình dịch bệnh và mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT.
Như những năm trước, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường tập trung, lưu ý sát sao các học sinh có học lực trung bình và yếu, nhà trường phải lên phương án, kế hoạch cụ thể phụ đạo cho những học sinh này. Tham khảo tại nhiều trường THPT ở Hà Nội, hầu hết các trường đã có phương án, định hướng ôn tập cho học sinh khá sớm, phù hợp với năng lực từng đối tượng thí sinh với mục tiêu không để một học sinh yếu nào không được ôn tập.
Thời điểm này, điều khiến các thầy cô giáo và phụ huynh lo ngại nhất là tiết trời nắng nóng và tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của học sinh. Thầy Nguyễn Xuân Hoa, giáo viên Toán Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu (Hà Nội) chia sẻ: Từ khi nghỉ học phòng Covid-19 vào đầu tháng 2, trường đã tổ chức dạy online, học sinh được tiếp thu kiến thức mới theo đúng chương trình. Tuy nhiên, theo thầy Hoa, việc dạy học online chuyên nghiệp tới đâu cũng không thể đảm bảo hiệu quả bởi phụ thuộc vào ý thức từng em.
Trao đổi với báo chí, cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho rằng, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của các trường. Trong bối cảnh có những thay đổi về chính sách thi cử, việc học sinh, phụ huynh lo lắng là điều dễ hiểu. Hiện nhà trường đang từng bước giúp học sinh quay trở lại nhịp học và hệ thống lại kiến thức thiếu hụt trong thời gian học online. Cô Quỳnh khuyên học sinh, đặc biệt là các em học sinh cuối cấp cần bình tĩnh, tập trung ôn tập tốt, chắc các kiến thức đã học, bám sát các đề minh họa mà Bộ GDĐT đã đưa ra.
Với học sinh cuối cấp, nhiều em háo hức khi được đến trường sau thời gian dài nghỉ tránh dịch, kèm theo những niềm vui là nỗi lo về những kỳ thi sắp diễn ra. “Nghỉ học vài ngày là niềm ao ước của học sinh, nhưng nghỉ học dài ngày vì dịch, thì lại trở thành nỗi sợ với chúng em, nhất là vào thời điểm cuối cấp, khi kỳ thi đại học ngày càng gần, bài vở vẫn bộn bề”, Thục Anh (lớp 12, THPT Việt Đức) chia sẻ.
Em Quốc Hùng, HS Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), cho biết: Em và các bạn trong lớp hầu hết chọn cách ôn thi ngay tại trường vì các thầy cô dạy khối 12 cũng đều là những giáo viên có kinh nghiệm được nhà trường chọn lọc rồi. Còn em Vân, học sinh Trường Việt Đức thì cho biết, kế hoạch ôn tập được nhà trường chuẩn bị rất cụ thể theo hướng dẫn sát sao của giáo viên bộ môn. Ngoài ra, em cũng học online, tham khảo đề thi của các năm trước, làm thử để lượng sức mình. Em thường chia thời gian trong ngày thành những khung giờ nhất định cho từng môn. Việc học quá nhiều 1 môn sẽ dẫn đến tình trạng học lệch, và việc tiếp thu kiến thức cũng không hiệu quả, dễ sinh ra cảm giác chán và mệt mỏi.