Sau khi ăn bún riêu, nguyên liệu chế biến từ pate chay, nữ bệnh nhân chóng mặt, nhìn đôi, nói đớ phải nhập viện cấp cứu. Tình trạng diễn biến nặng khiến bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn.
Chiều 25/3, BS Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, TP HCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp có biểu hiện ngộ độc thực phẩm nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch.
Một trong những trường hợp bị ngộ độc pate Minh Chay xảy ra năm 2020.
Bệnh nhân là bà L.T.M. (53 tuổi, ngụ tại huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) được chuyển đến bệnh viện ngày 21/3. Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, một ngày trước đó, bệnh nhân đi ăn trưa với món bún riêu chay tại một ngôi miếu gần nhà, trong nguyên liệu phát hiện có một hộp pate chay bị phồng.
Tối cùng ngày bệnh nhân có biểu hiện chóng mặt, nhìn đôi. Một ngày sau, tình trạng bệnh diễn biến ngày càng nặng, người bệnh nói khó, nuốt khó được người nhà chuyển đến bệnh viện.
Qua các kết quả xét nghiệm, kiểm tra, bác sĩ xác định bệnh nhân bị hôn mê sau ngừng tuần hoàn, hô hấp nghi nhiễm độc pate chay. Các bác sĩ đang nỗ lực cứu chữa nhưng sau 4 ngày nhập viện, diễn tiến sức khỏe của bệnh nhân chưa có dấu hiệu cải thiện. Hiện người bệnh hôn mê sâu, phải thở máy qua nội khí quản, kích thích đau không đáp ứng.
Sau khi phát hiện trường hợp trên, bệnh viện đã báo cáo đến Sở Y tế và Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, TP HCM. Liên quan đến món pate, năm 2020 trên cả nước đã xuất hiện nhiều bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn món pate Minh Chay. Sau khi xác định nguyên nhân do độ tố botulinum trong pate Minh Chay gây ra, cơ quan chức năng đã tiến hành thu hồi sản phẩm này trên thị trường. Nhiều nạn nhân của vụ ngộ độc này đến nay vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu liệt cơ do tổn thương thần kinh.