Trong suốt cuộc đời cách mạng giải phóng Cuba khỏi ách thống trị ngoại bang và lật đổ chế độ độc tài Batista, lãnh tụ Fidel Castrol phải đối mặt với không ít kẻ thù.
Nelson Mandela và Fidel Castro. (Ảnh: Reuters).
Nhưng ông luôn có những tình bạn vĩ đại, những người đồng chí thủy chung. Nhiều người trong số này là những nhà tư tưởng lớn của thế giới, các nhà hoạt động, những ngôi sao thể thao.
Cách đây hơn 3 tháng, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh Fidel Castrol (13/8/1926), kênh truyền thông teleSUR đã có bài viết về những tình bạn vô giá này, với một số chi tiết chưa từng được công bố trước đó, và tâm sự của những người bạn này về lãnh tụ cách mạng huyền thoại.
1. Nelson Mandela
Fidel Castro và nhà lãnh đạo Nam Phi có mối quan hệ gần gũi và lâu dài, được hình thành từ chính cuộc đấu tranh chung chống lại bất công và áp bức.
Khi khởi xướng cuộc phản kháng bất bạo động chống nạn áp bức chủng tộc ở Nam Phi, Mandela đã tìm thấy niềm cảm hứng từ Cách mạng Cuba. Trong cuốn tự truyện “Hành trình dài tới tự do,” nhà lãnh đạo biểu tượng của đất nước Nam Phi đã mô tả kỹ càng về triết lý và thành công của Cách mạng Cuba đã ảnh hưởng như thế nào đến quan điểm chính trị và ý thức hệ của ông.
“Tôi đọc bản báo cáo của Blas Roca, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Cuba, về những năm tháng họ hoạt động cách mạng dưới thời kỳ của chế độ Batista,” Mandela viết, “Tôi đã đọc các tác phẩm viết về Che Guevara, Mao Trạch Đông và Fidel Castro. Tất cả trong số họ đều khơi niềm cảm hứng cho tôi.”
Sau khi Mandela được phóng thích năm 1990, tình bạn của hai nhà lãnh đạo này càng thêm khăng khít.
Mandela đã tới Cuba để gặp người bạn tâm giao và cám ơn những nỗ lực của Cuba góp phần vào cuộc đấu tranh chống các chế độ apartheid. Bài diễn văn của Mandela ở Cuba có đoạn viết: “Chúng tôi tới đây hôm nay để ghi nhận món nợ lớn với nhân dân Cuba. Đã có những quốc gia nào khác có được tấm lòng vị tha như Cuba từng thể hiện với người dân châu Phi?”
Năm 1994, Mandela được bầu là vị tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi, một bước ngoặt lịch sử đánh dấu kết thúc thắng lợi của cuộc đấu tranh hơn 40 năm chống áp bức và phân biệt chủng tộc.
Fidel đã sang tận Nam Phi năm đó để chúc mừng Mandela.
2. Muhammad Ali
Huyền thoại quyền anh hạng nặng Muhammad Ali (Mỹ) có mối quan hệ đặc biệt với đất nước Cuba và nhà lãnh đạo cách mạng Fidel Castro.
Huyền thoại quyền anh và lãnh tụ Cuba. (Ảnh: esquire.com).
Với tư cách nhà hoạt động nhân đạo và chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ, Ali coi Chủ tịch Fidel như một người đồng chí. Năm 1996, Ali đã bay tới Cuba trong chuyến đi của Tổ chức Chữ Thập đỏ để phân phát đồ cứu trợ y tế. Ông đã ở thăm hòn đảo này 5 ngày và dẫn đầu đoàn đại biểu đi trao số hàng cứu trợ trị giá 500.000 USD cho người dân Cuba.
Để cảm ơn những nỗ lực của Ali, Chủ tịch Fidel đã mời ông và các cộng sự có buổi trò chuyện riêng. Theo phóng viên ảnh Hazel Hankin, hai người bạn này suốt buổi chỉ bông đùa và… thụi nhau, khi Fidel liên tục tếu táo với Ali: “Đấm thử tôi xem nào,” và chỉ vào mặt mình.
Những khoảnh khắc để đời này đã lọt vào ống kính của Hankin và vẫn còn cho tới ngày nay như là biểu tượng của tình bạn mà không một ai có thể nghĩ tới, giữa hai nhà vô địch của hai đấu trường khác nhau.
Ali vẫn tiếp tục các nỗ lực giúp đỡ đất nước Cuba như cam kết, và ông đã trở lại đây vào năm 1998 để trao món hàng cứu trợ y tế trị giá 1,2 triệu USD.
3. Jesse Jackson
Năm 1984, nhà hoạt động xã hội Jesse Jackson tới Cuba để chứng kiến cuộc trả tự do cho các tù nhân Mỹ. Thời điểm đó, hành động này được tờ New York Times mô tả là “buổi lễ ngoại giao cá nhân vô cùng xúc động với Chủ tịch Cuba Fidel Castro.”
Nhà lãnh đạo Fidel về sau này có tiết lộ rằng ông quyết định phóng thích các tù nhân là do “kết quả từ chuyến thăm của Jackson. Tôi làm là vì ông ấy và vì nhân dân nước Mỹ.”
Nhà hoạt động xã hội Jackson và Chủ tịch Fidel. (Ảnh: AP).
Về phần mình, Jackson ca ngợi sự chính trực, tài lãnh đạo của Fidel, mô tả ông như là “chính trị gia chân thành và lôi cuốn nhất tôi từng gặp.”
Trong một sự kiện ở Havana, nhà hoạt động Jackson đã hô lớn “Fidel muôn năm” trước hơn 300 quần chúng tại trường Đại học Tổng hợp Havana. Hai nhân vật đã tay trong tay rời lễ đài.
4. Gabriel Garcia Marquez
Gabriel Garcia Marquez - một trong những nhân vật vĩ đại nhất của văn đàn thế giới, là bạn tâm giao của Fidel.
Ông luôn đứng bên người bạn Cuban này, bất chấp những lời chỉ trích cay nghiệt và không bao giờ phản bội tình bạn.
Hai người gặp nhau lần đầu tiên vào ngày 19/1/1959, khi Marquez tới Cuba để chứng kiến phiên tòa xét xử chế độ của Fulgencio Batista. Ông được Fidel Castro tiếp đón nồng hậu và kể từ đó, hai người đã có một tình bạn keo sơn.
Nhà văn Marquez và Chủ tịch Fidel. (Ảnh: Getty Images).
Marquez từng tham gia Prensa Latina, hãng thông tấn Cuba do chiến sỹ cách mạng huyền thoại Che Guevara thành lập để đương đầu với sức mạnh truyền thông Mỹ. Làm một nhà báo, nhà văn đoạt giải Nobel đã đã góp phần hình thành dại diện của Cuba trên hệ thống báo chí quốc tế.
Nhưng trong khi kết nối về mặt chính trị, giữa họ còn có sự đồng điệu về mặt nghệ thuật. “Giữa chúng tôi là một tình bạn tri thức, ” nhà văn Marquez kể trong cuộc phỏng vấn của Claudia Dreifus năm 1982, “Có thể không nhiều người biết rằng Fidel là một người có học vấn cao. Khi ở bên nhau, chúng tôi trò chuyện say sưa về chủ đề văn chương.”
Khi Marquez chia tay hãng thông tấn Prensa Latina và bắt đầu tập trung vào sự nghiệp văn chương của mình, ông không bao giờ quên người bạn của mình.
Theo câu chuyện mà tác giả Enrique Krauze thuật lại, năm 1996, khi dùng bữa với Tổng thống (Mỹ) Bill Clinton, Marquez đã nói với ông này, “Nếu ngài và Fidel ngồi mặt đối mặt với nhau, sẽ chẳng còn một bất đồng nào tồn tại.”
5. Diego Maradona
Huyền thoại bóng đá thế giới Diego Maradona ngưỡng mộ Fidel Castro tới mức đã xăm hình lãnh tụ này trên chân mình.
Maradona từng xăm hình Chủ tịch Fidel vì lòng ngưỡng mộ tuyệt đối. (Ảnh: Reuters).
“Với tôi, ông ấy là một vị Thánh,” Maradona thốt lên như thế về vị lãnh tụ Cuba.
Maradona và Castro hiểu nhau khi siêu sao bóng đá Argentina lần đầu tiên tới thăm Cuba năm 1986. Kể từ đó, cả hai đã có mối quan hệ thân thiết, cùng nhau chia sẻ về tình yêu bóng đá và các quan điểm chính trị.
Khi ngôi sao này vật lộn với đợt cai nghiện cocaine, ông đã nhờ Cuba giúp đỡ và nhiều lần tới hòn đảo này điều trị.
Và để xóa tan những tin đồn khi đó rằng ông qua đời, Fidel đã đích thân viết thư cho Maradona, khẳng định ông rất khỏe, thốt lên rằng Castro như “người cha thứ hai của tôi, vì ông ấy luôn quan tâm và giúp đỡ tôi. Sự thực là tôi chỉ biết ơn ông ấy.”
6. Hugo Chavez
Cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez luôn coi Fidel Castro như bậc tôn sư và là người cha tinh thần của mình.
Tình bạn 18 năm phi thường của hai người bắt đầu từ năm 1994, thời điểm Chavez đi thăm Cuba sau khi được trả tự do sau lần bị tù đày do cuộc binh biến bất thành năm 1992 chống chế độ Punto Fijo tham nhũng ở Venezuela. Cả hai đã lập tức trở nên thân thiết, cùng nhau chơi bóng chày và chia sẻ về sứ mệnh giải phóng nhân dân Mỹ Latin.
Với lời khuyên và sự động viên của Fidel, ý thức hệ chính trị của Chavez càng trở nên thông suốt, và ông đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa quan trọng nhất trong lịch sử Mỹ Latin.
Hai nhà lãnh đạo Fidel và Chavez trò chuyện thân tình. (Ảnh: AP).
Mối quan hệ khăng khít giữa Chavez và Chủ tịch Fidel đã giúp hai quốc gia của họ xích lại gần nhau hơn. Kể từ khi Chavez giữ chức Tổng thống Venezuela năm 1999, Cuba và Venezuela đã ký hơn 300 thỏa thuận về thương mại và hợp tác.
Khi đất nước Cuba chật vật trong vòng bao vây cấm vận của nước Mỹ, chính Venezuela là quốc gia viện trợ mạnh mẽ nhất cho hòn đảo tự do. Khoảng thời gian từ năm 2007-2013, Venezuela đã viện trợ kinh tế trị giá hơn 10 tỷ USD cho Cuba.
Sau khi Tổng thống Chavez qua đời, Chủ tịch Fidel từng viết lá thư, mô tả nhà lãnh đạo Venezuela là “người bạn tuyệt vời nhất mà nhân dân Cuba từng có trong lịch sử.”