Chỉ đạo trên được Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đưa ra trong phát biểu tiếp thu, giải trình tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa 18 vừa kết thúc.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh.
Trong phát biểu, ông Phạm Đình Nghị cho biết: thời gian qua dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại rất lớn cho tỉnh Nam Định. Trong đó, đến ngày 5/12/2019, trên địa bàn tỉnh đã có gần 270 nghìn con lợn (chiếm gần 35% tổng đàn lợn) bị tiêu hủy; tổng trọng lượng lợn tiêu hủy khoảng 14.500 tấn (chiếm gần 10% tổng sản lượng thịt lợn của tỉnh).
“Ước tính kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi trên 560 tỷ đồng”, ông Phạm Đình Nghị thông tin.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, cùng với ngân sách Trung ương hỗ trợ, tỉnh đã thu xếp thêm các nguồn ngân sách của địa phương để thực hiện hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi lợn theo quy định. Cụ thể, đến nay, UBND tỉnh đã cấp 3 đợt kinh phí cho các huyện, thành phố để thực hiện việc hỗ trợ; tổng kinh phí đã cấp của 3 đợt là 386,8 tỷ đồng; trong đó, gần đây nhất (ngày 27/11/2019) UBND tỉnh có quyết định tạm cấp thêm 150 tỷ đồng cho các địa phương...
Tuy nhiên, theo ông Phạm Đình Nghị, mặc dù UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức thực hiện việc hỗ trợ theo đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách, đảm bảo công khai, minh bạch; không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách tuy nhiên trên địa bàn tỉnh vẫn có địa phương để xảy ra sai phạm, phải xử lý hình sự.
Cụ thể, trước đó, sự việc chính quyền xã Hải An (huyện Hải Hậu) chỉ đạo khai khống số lượng lớn lợn bị tiêu hủy để trục lợi tiền hỗ trợ của nhà nước bị phát giác. Chủ tịch UBND và 3 cán bộ chuyên môn của xã bị khởi tố bị can, đang bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra...
Từ thực tế trên, tại diễn đàn kỳ họp HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các huyện, thành phố trong tỉnh thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi.
“Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác của số liệu báo cáo, về mức giá, số lượng lợn tiêu hủy, mức kinh phí đề nghị hỗ trợ”, ông Phạm Đình Nghị nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Phạm Đình Nghị chỉ đạo chính quyền các địa phương trong tỉnh phải thực hiện nghiêm việc công khai kinh phí hỗ trợ trên Đài phát thanh xã và tại các thôn, xóm. Đặc biệt, phải tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...