Vào 15/8 tới dịch vụ đăng ký ô tô, xe máy mới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ là dịch vụ công thứ 1.000 kết nối trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG).
Việc có tới cả nghìn dịch vụ chỉ cần thao tác bằng 1 cú kích chuột chứ không cần trực tiếp đến cơ quan công quyền không chỉ đem lại nhiều tiện ích cho người dân, tiết kiệm một khoản tiền lớn mà còn góp phần xóa bỏ nạn tham nhũng vặt mà người dân và doanh nghiệp vẫn bức xúc lâu nay.
Thực hiện nhiều dịch vụ trên môi trường điện tử
Được khai trương từ ngày 9/12/2019, đến nay, Cổng DVCQG đã có những kết quả tích cực, thể hiện được mục tiêu Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp, cụ thể đã có trên 140.000 tài khoản đăng ký, trên 35 triệu lượt truy cập, trên 7,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 68.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng này.
Hệ thống cũng tiếp nhận hỗ trợ trên 11.000 cuộc gọi; tiếp nhận trên 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; đã tích hợp được 395 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng DVCQG trong đó có 232 dịch vụ công dành cho doanh nghiệp. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng DVCQG đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.
Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ (VPCP) Ngô Hải Phan cho biết: Qua gần 7 tháng đi vào vận hành, đến thời điểm hiện nay với 725 dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho người dân, doanh nghiệp, Cổng DVCQG đã bước đầu được người dùng đón nhận, phát huy tốt chức năng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Một số nhóm thủ tục hành chính có tần suất thực hiện lớn đã được tích hợp lên cổng và phục vụ hiệu quả cho doanh nghiệp như: Nhóm thủ tục về đăng kí/thông báo khuyến mãi của doanh nghiệp; nhóm thủ tục xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông; một số thủ tục mảng bảo hiểm, thuế…và nhiều thủ tục cụ thể khác. Trường hợp doanh nghiệp cần thực hiện 1 thủ tục cùng lúc ở nhiều địa phương (ví dụ thủ tục thông báo khuyến mãi), thay vì phải làm với từng nơi, doanh nghiệp có thể gửi một lần cho nhiều địa phương thông qua hệ thống này.
Với dịch vụ công lĩnh vực tài chính trên Cổng DVCQG, ông Ngô Hải Phan cho biết, đến hết ngày 1/7, Cổng DVCQG đã tích hợp 119 dịch vụ công lĩnh vực tài chính, bao gồm lĩnh vực: Khai, nộp thuế; kế toán, kiểm toán; kho bạc, hải quan, quản lý giá, tin học thống kê. Như vậy, Bộ Tài chính cần tiếp tục tích hợp thêm 75 dịch vụ công để bảo đảm hoàn thành mục tiêu 194 dịch vụ năm 2020. Việc tích hợp dịch vụ đăng ký ô tô, xe máy qua mạng vào ngày 15/8 tới chắc chắn là dịch vụ được người dân mong chờ.
Tiện ích, tiết kiệm chi phí
Đánh giá về những dịch vụ công trên Cổng DVCQG, anh Nguyễn Hoài Nam ở phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Doanh nghiệp anh chuyên về thi công đường cho các công trình giao thông cho nên việc mua bán xe ô tô thường xuyên diễn ra. Anh rất mong chờ thủ tục này lên mạng. Bởi vì việc đăng ký xe trước đây không chỉ mất thời gian mà còn gây bực bội chỉ vì những sự gây khó dễ từ cán bộ. Anh Lượng cũng chia sẻ niềm vui vì mới đây anh đã hoàn tất việc đổi bằng lái xe quốc tế trên mạng. Nhanh chóng, thuận tiện và giá rẻ. Anh cho biết, khi anh chia sẻ giá làm dịch vụ chỉ vài trăm ngàn nhiều bạn bè của anh không tin vì chỉ cần seach goole về dịch vụ đổi loại bằng lái xe này cũng có giá cả 10 triệu đồng.
Muốn có thêm nhiều dịch vụ công được kết nối với Cổng DVCQG là mong muốn của nhiều người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vì là vấn đề mới nên không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Anh Hoàng Chiến Thắng ở quận Long Biên cho biết, nhiều lúc kích chuột mãi mà máy tính vẫn cứ treo, kể cả sử dụng máy tính ở phường và có cán bộ của bộ phận một cửa hướng dẫn. Nếu gặp sự cố lỗi mạng, hay máy treo thì người dân cũng chỉ biết chờ đợi mà thôi.
Đồng quan điểm hệ thống máy tính và sự kết nối mạng còn chưa tương thích, một cán bộ ở bộ phận một cửa của phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, nhiều thủ tục bắt buộc người dân phải thực hiện trên mạng. Giao dịch trực tuyến là hợp với xu thế, tuy nhiên, trong quá trình vận hành máy móc không phải lúc nào cũng vận hành trơn tru. Thế nên mới có chuyện cán bộ phải giải trình vì người dân phản ánh “đi xin giấy chứng tử mà hệ thống máy tính treo, người dân không thực hiện được”. Trong khi đó, vận hành hệ thống máy tính nằm ở cấp thành phố chứ không ở cấp phường.
Nhiều người dân phản ánh khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến không phải lúc nào cũng dễ dàng chỉ cần 1 cú kích chuột. Bởi trong quá trình doanh nghiệp và người dân sử dụng dịch vụ, vẫn có thể nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn như giao diện không thân thiện, hướng dẫn không rõ ràng, hệ thống bị lỗi, xử lý chậm, đường truyền bị nghẽn...
Câu hỏi đặt ra là liệu có tình trạng một số bộ, ngành đầu tư để có được số lượng thủ tục hành chính cấp độ 3, cấp độ 4 nhiều nhằm đạt thành tích, nhưng lại không chú trọng vào việc khiến cho hệ thống đó trở nên thân thiện, hấp dẫn với đối tượng được phục vụ là các doanh nghiệp và người dân hay không?