Siết chặt kỷ luật

Anh Vũ (thực hiện) 09/05/2017 08:35

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam với Đại Đoàn Kết về việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định kỷ luật Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP HCM Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII do những sai phạm của ông Thăng giai đoạn 2009-2011 khi ông giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Ông Nguyễn Túc.

PV: Việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII quyết định kỷ luật Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII do những sai phạm của ông Thăng trong giai đoạn 2009-2011 khi ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về Quyết định này của Ban Chấp hành Trung ương Đảng?

Ông Nguyễn Túc: Trước khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XII khai mạc trong nhân dân có rất nhiều dư luận băn khoăn về việc xử lý của Trung ương đối với trường hợp của ông Đinh La Thăng. Việc Trung ương Đảng ra quyết định kỷ luật cảnh cáo, cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị đối với ông Đinh La Thăng, khẳng định Đảng ta đã nói là làm, kỷ luật trong Đảng ngày càng được siết chặt hơn.

Đây là một quyết định và việc làm cần thiết, không chỉ để ông Đinh La Thăng nhận thức rõ những thiếu sót, sai phạm của mình để sau này rút kinh nghiệm, sửa chữa, mà còn mang tính giáo dục các cán bộ, đảng viên khác, phải luôn nghiêm khắc với bản thân mình, hạn chế những sai lầm đáng tiếc.

Quyết định kỷ luật của Trung ương đối với ông Đinh La Thăng vừa thể hiện tính nghiêm túc, vừa mang tinh thần “trị bệnh cứu người” có tình, có lý khi xem xét lại những phấn đấu cống hiến của ông Đinh La Thăng cho đất nước cũng như tạo điều kiện để đồng chí tiếp tục phấn đấu vươn lên. Lịch sử của Đảng trong hơn 1 thập kỷ qua không phải không có những cán bộ đảng viên bị kỷ luật nhưng sau đó đã rút kinh nghiệm và tiếp tục trở thành những cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước.

Tôi cũng mong rằng ông Đinh La Thăng- một cán bộ trẻ năng động sáng tạo dám quyết dám làm, mặc dù đã mắc những sai lầm nghiêm trọng nhưng không phải là hết đường. Nếu quyết tâm sửa chữa thì chắc rằng đồng chí sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục vươn lên, cống hiến trí tuệ của mình cho Đảng, cho đất nước.

Việc Đảng phải kỷ luật cán bộ, đồng chí của mình là một sự mất mát lớn và không ai mong muốn. Qua vụ việc này, Đảng cần có những biện pháp gì để nâng cao chất lượng của công tác tổ chức cán bộ, thưa ông?

- Trong hơn 10 năm gần đây, công tác tổ chức cán bộ đang có nhiều vấn đề. Một trong số đó là việc buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, dẫn tới tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy luân chuyển...

Việc Đảng phải kỷ luật cán bộ, đồng chí của mình là một sự mất mát lớn và không ai mong muốn, đặc biệt ông Đinh La Thăng lại là một cán bộ cao cấp, đã có thời gian tương đối dài phấn đấu, cống hiến cho Đảng, cho đất nước. Qua việc này, Đảng phải tự nghiêm túc với mình, cần củng cố lại bộ máy tổ chức cán bộ. Đặc biệt phải làm chặt chẽ hơn nữa trong quá trình lựa chọn, đào tạo, sắp xếp nhân sự chiến lược để việc lựa chọn cán bộ được chính xác, mang lại hiệu quả cao, bởi công tác cán bộ là vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại của Đảng.

Vậy, trong thời gian tới, cần có những biện pháp gì để việc giám sát cán bộ, đảng viên phát huy hiệu quả cao nhất?

- Theo tôi, Đảng cần tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả, sự công tâm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là tai mắt của Đảng trong việc kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có bao nhiêu người cũng không đủ. Thực tế cho thấy thời gian vừa qua nhiều vụ án tiêu cực, tham nhũng do người dân phát hiện, báo chí phản ánh, các cơ quan Đảng, Nhà nước mới vào cuộc. Mới đây nhất là vụ Trịnh Xuân Thanh qua phát hiện của người dân, báo chí thông tin, cơ quan chức năng mới vào cuộc để từ đó phanh phui ra hàng loạt sai phạm.

Bài học lớn ở đây là phải dựa vào dân để củng cố bộ máy tổ chức cán bộ của Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải sát với dân, bám lấy cơ sở. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay cần gắn chặt với MTTQ Việt Nam và các tổ chức đại diện cho dân, phát huy vai trò giám sát phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Kỷ luật là sức mạnh của Đảng

Trong ngày làm việc thứ ba Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã xem xét và thi hành kỷ luật một cán bộ cao cấp của Đảng. Tất nhiên, việc công bố công khai những sai phạm của một cán bộ cao cấp của Đảng là điều không ai muốn. Thế nhưng việc công khai những vi phạm, khuyết điểm ấy cả cán bộ cấp cao đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ trong việc xử lý nghiêm những sai sót của cán bộ, đảng viên dù ở cấp nào, ngành nào cũng phải nghiêm minh; thể hiện không có vùng cấm trong các kỷ luật của Đảng. Và, Đảng sống được trong lòng dân, trường tồn cùng dân tộc phần rất quan trọng là nhờ tính kỷ luật. Kỷ luật là sức mạnh của Đảng, một Đảng không có kỷ luật thì không tiến bộ được. Theo đó, từng đảng viên ngoài việc làm tròn trách nhiệm của mình, thì tinh thần, ý thức tổ chức, kỷ luật cũng là một tiêu chuẩn rất quan trọng.

Tôi cho rằng, Đảng ta có một nguyên tắc rất rõ ràng “có công thì thưởng, có tội thì phạt”; thế nên bên cạnh những cống hiến, đóng góp của ông Thăng trong suốt hàng chục năm công tác thì Đảng cũng rất nghiêm khắc đối với những sai sót mà ông đã gây ra. Bởi điều đó không chỉ là bài học để cá nhân mắc sai phạm rút kinh nghiệm mà còn có ý nghĩa giáo dục cán bộ, đảng viên đương chức ngày nay phải tự suy ngẫm, điều chỉnh lại nhận thức, hành động của mình để không chỉ làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao mà còn phải trở thành tấm gương cho các cán bộ, đảng viên khác noi theo, tránh những sai lầm đáng tiếc xảy ra.

Để tránh những sự việc không mong muốn xảy ra, theo tôi, cần phải tăng cường kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục chính trị của Đảng với tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của người cán bộ, nhất là cán bộ giữ chức vụ cao; tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất một cách toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng vừa để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hành vi thiếu gương mẫu trong cuộc sống để cảnh tỉnh răn đe cán bộ. Đồng thời, kiên quyết xử lý những tổ chức đảng, đảng viên cố tình sai phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến sự phát triển của đất nước. Đi kèm với sự giám sát của Đảng, cần có tai mắt của nhân dân phát hiện những hành vi sai trái của cán bộ, đảng viên.

Việc kỷ luật một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị là điều đáng buồn, điều đau xót nhưng không thể không làm để lấy lại niềm tin của dân với Đảng. Rõ ràng, việc nhiều cán bộ là lãnh đạo, đảng viên đã nghỉ hưu và đương chức bị đưa ra xem xét kỷ luật trong thời gian qua đã nhận được sự đồng tình của nhiều người dân cả nước. Tôi mong rằng Đảng ta sẽ tiếp tục duy trì sự quyết liệt đó để hạn chế sự thoái hóa về tư tưởng, đạo đức của cán bộ, đảng viên, thanh toán loại trừ “bộ phận không nhỏ” thoái hóa, biến chất ra khỏi hàng ngũ của Đảng, để nhân dân luôn tin tưởng Đảng là đạo đức, là văn minh. Do đó, Nghị quyết TƯ 4 cần làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa.

N.Khánh (ghi)

Cương quyết thẳng thắn, chỉnh đốn Đảng sẽ thành công

Qua theo dõi Hội nghị Trung ương 5 khóa XII và các nội dung đưa ra thảo luận, xem xét đối với cán bộ vi phạm, ông Dương Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Thăng Long (Hà Nội) cho rằng: Những cán bộ liên quan đến sai phạm cần được xử lý nghiêm minh, bất kể người đó là ai.

Ông Sơn cho rằng: Trung ương đã thảo luận nghiêm túc và thẳng thắn dân chủ, đã kết luận với tinh thần nhất trí cao việc kỷ luật một Ủy viên Bộ Chính trị. Theo tôi đó là việc làm đúng, làm thẳng thắn, bất cứ ai giữ chức vụ gì có công thì khen thưởng, có khuyết điểm thì xử lý, mà nghiêm trọng phải xử lý theo pháp luật; như thế Đảng mới được dân tin, dân ủng hộ.

Theo ông Sơn, dư luận chung thấy như thế là tốt, và hình thức kỷ luật như thế là đúng mức. Việc làm nói trên sẽ củng cố được vai trò lãnh đạo của Đảng và được nhân dân ủng hộ. Đảng cứ giữ được sự cương quyết và thẳng thắn như vậy việc chỉnh đốn Đảng sẽ thành công. Nhưng phải làm cho đến nơi đến chốn. Ở đâu cũng vậy, dân chủ nhưng phải có kỷ cương, nhất là trong Đảng. Trong Đảng nghiêm thì ở ngoài mới nghiêm. “Việc xử lý nghiêm còn góp phần răn đe các đảng viên khác, bây giờ làm nghiêm thì người đương chức cũng xem xét mình khi quyết định một vấn đề nào đó với dân với nước phải chú trọng chứ không làm bừa được. Đó chính là tính răn đe của Đảng, mà đây cũng là nguyện vọng của nhân dân. Trong chống tiêu cực Đảng không có vùng cấm, không có phân biệt đối xử, cứ thẳng thắn mà làm, có khuyết điểm thì xử lý đúng mức. Phải như thế mới được chứ nếu không là nguy hiểm”-ông Sơn nhấn mạnh.

T. Dương

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết chặt kỷ luật