Ngày 30/6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp trực tuyến
với các địa phương về kinh tế - xã hội. (Ảnh: TTXVN).
Chấm dứt tình trạng “đi chậm nói khẽ”
Ngay từ đầu, phiên họp chỉ rõ tăng trưởng GDP đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ, Thủ tướng đặt vấn đề: Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này? Có phải do nông nghiệp gặp hạn hán, nhiễm mặn nặng nề ở Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ làm mất đi 1,3 triệu tấn thóc và tăng trưởng âm trong nông nghiệp? Giải ngân còn thấp mới đạt 26% so với kế hoạch là do đâu? Thu ngân sách địa phương đạt khá nhưng thu ngân sách Trung ương đạt thấp dẫn tới bội chi ngân sách, gây khó khăn trong điều hành tài chính ngân sách.
Thủ tướng cũng nêu rõ: Vừa qua Chính phủ đề ra một số chủ trương để sản xuất kinh doanh phát triển tốt hơn thì đến nay đã vào cuộc sống hay chưa? Các Nghị quyết 01, 19, 35 về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đã thực sự được các cấp chính quyền quán triệt triển khai đến đâu? Vấn đề khởi nghiệp trong toàn dân nhất là trong lớp trẻ đã được triển khai như thế nào?
“Chúng ta tự hỏi bộ máy đã thực sự phục vụ tốt doanh nghiệp và người dân chưa? đã thực sự là Chính phủ kiến tạo để giúp cho doanh nghiệp và nhân dân chưa? để tạo ra việc làm, nâng cao năng suất lao động. Chiều 30/6 chúng ta công bố nguyên nhân cá chết tại miền Trung, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, nhưng bài học kinh tế và môi trường là điều nhân dân rất quan tâm. Chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm nào? Rừng ở Tây Nguyên bị tàn phá nặng nề, tại sao không ngăn chặn được?”-Thủ tướng nêu rõ.
Sau khi đưa ra một loạt các vấn đề, Thủ tướng nhấn mạnh “đó chính là những lo lắng băn khoăn của người dân mà các cấp chính quyền phải quan tâm xử lý thật tốt để thực sự là Chính phủ phục vụ nhân dân”. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, các địa phương tập trung thảo luận về vấn đề kỷ cương, phép nước còn chưa nghiêm và các biện pháp chấn chỉnh. Đồng thời cần trao đổi thẳng thắn, đề cập rõ nguyên nhân chủ quan, đề xuất các giải pháp mạnh mẽ, cụ thể, từ đó tăng cường đoàn kết, phấn đấu đạt mục tiêu đã đề ra cho năm 2016.
Chỉ ra “kỷ cương phép nước còn nhiều bất cập”, Thủ tướng đặt vấn đề: Vậy Chính phủ và các địa phương làm gì để bảo vệ kỷ cương phép nước? Phải làm rõ những nguyên nhân chủ quan cùng nhau đoàn kết phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2016 rất nặng nề.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chúng ta vừa hoàn thành cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Trong giai đoạn này, một số nơi tình trạng “đi chậm nói khẽ” vẫn đang xảy ra. “Bây giờ vị nào đã được bầu lên nắm chính quyền rồi thì phải làm mạnh mẽ lên” - Thủ tướng lưu ý.
Chi vượt thu
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 2,35% so với tháng 12/2015. So với cùng kỳ năm trước CPI tháng 6 tăng 2,4%, bình quân 6 tháng tăng 1,72%. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tốc độ tăng GDP quý II ước đạt 5,55%, cao hơn mức tăng 5,48% của quý I. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 5,52%. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước giảm 0,18%.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhìn nhận, tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm còn nhiều khó khăn khi nền kinh tế phục hồi chậm, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng âm để lại hậu quả nặng nề cho các mùa vụ sau. Công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm do giá dầu giảm xuống ở mức thấp. Lạm phát được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao. Nhiều vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt xảy ra khá phổ biến trong thời gian dài nhưng chậm được khắc phục. Tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm có giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng riêng tháng 6 lại tăng cao cả về số người bị thương và số người chết.
Xử lý nghiêm vụ 8B Lê Trực để làm gương Liên quan đến vụ nhà 8B Lê Trực, tại phiên họp Chính phủ, báo cáo với Thủ tướng ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, Thành phố sẽ chỉ đạo phá dỡ 328m2 sàn do chủ đầu tư chậm trễ phá dỡ. Thành phố sẽ cương quyết xử lý, cưỡng chế tháo dỡ công trình, UBND quận Ba Đình sẽ ứng vốn ra để tháo dỡ công trình vi phạm. “Chúng tôi cương quyết xử lý theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”-ông Sửu nói. Ngay sau đó, Thủ tướng nêu rõ: Công trình 8B Lê Trực theo báo cáo đã mấy chục lần xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa xử lý hình sự. Phải lấy công trình này làm điểm để chấn chỉnh kỷ cương, làm gương trong trật tự xây dựng. Hà Nội phải cam kết phải rõ hơn, nếu không phải xử lý bằng biện pháp khác chứ không để kéo dài. |