'Siêu đô thị' với mục tiêu chuyển đổi xanh

LÊ ANH 12/09/2023 07:28

TPHCM hiện đang gặp khó trong việc kiểm soát một lượng xả thải lớn vào môi trường thành phố, bao gồm cả khí thải, rác sinh hoạt và chất thải từ các hoạt động giao đông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ…Trong bối cảnh đó, chính quyền TPHCM đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các tiêu chuẩn “chuyển đổi xanh” nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh vào cuộc xử lý rác thải.

Khó kiểm soát từ “gốc”

Quá trình đô thị hóa khiến khó khăn càng phình to và chính quyền các đô thị lúng trong kiểm soát chất lượng môi trường. Riêng tại TP Thủ Đức, kể từ khi sáp nhập 3 quận (2, 9, Thủ Đức) đã ghi nhận quy mô dân số xấp xỉ 1,3 triệu dân, trong khi hàng ngày phải xử lý khối lượng chất thải rắn sinh hoạt từ khoảng 1.300 – 1.500 tấn. Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, đây là một áp lực rất lớn, trong đó quá trình thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác còn nhiều bất cập, từ khâu tuyên truyền vận động nâng cao ý thức cộng đồng, cho đến khâu phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải chưa được tháo gỡ.

Ông Tống Viết Thành - Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM) cho biết thêm, áp lực hàng ngày TPHCM hiện phải giải quyết rác thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường lên tới khoảng 8.600 tấn. Số rác này một phần được các công ty thu gom (khoảng 40%) và còn lại tới 60% phụ thuộc vào hệ thống dân lập thực hiện. Song, phần lớn phương tiện thu gom vận chuyển còn thiếu và cũng chưa đạt chuẩn vệ sinh môi trường.

Không chỉ chịu áp lực từ rác thải đô thị, TPHCM đang phải giải quyết nhiều hệ quả của ô nhiễm không khí. Theo nghiên cứu của giới chuyên gia, các nguồn gây ô nhiễm không khí tại TPHCM hiện nay không chỉ đến từ khu vực sản xuất công nghiệp mà còn phần lớn đến từ hệ thống các phương tiện giao thông hàng ngày đổ về trung tâm thành phố.

Mặc dù tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên đáng báo động, tuy nhiên, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TPHCM bày tỏ quan ngại, khi hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, xây dựng... cho đến nay chưa có tiêu chí cụ thể nào để kiểm soát từ “gốc” các nguồn ô nhiễm. “Hiện nay, các phương tiện cứ vô tư di chuyển và ngay cả khi đã xả thải ô nhiễm bụi, khí thải từ xăng dầu, ô nhiễm tiếng ồn ra môi trường sống, nhưng chưa có cơ chế để kiểm soát. Hoặc việc xả thải ô nhiễm qua hệ thống xử lý nước của các công ty, xí nghiệp dù đã có luật ban hành rất cụ thể, nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị có liên quan” – bà Sâm dẫn chứng.

Cần tiêu chí cụ thể

Trước thực trạng ô nhiễm gia tăng và các hiểm họa tới sức khỏe con người, giải pháp được các chuyên gia khuyến nghị đối với chính quyền các “siêu đô thị”, là cần ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí “chuyển đổi xanh” đối với từng lĩnh vực, ngành nghề, hoạt động đô thị.

Đi vào giải pháp cụ thể, nhóm chuyên gia GS.TS Trần Ngọc Thơ, TS Hồ Quốc Tuấn, TS Lê Đạt Chí và nhiều nhà khoa học, cho rằng TPHCM rất có thuận lợi khi được trao cơ chế chính sách đặc thù từ Nghị quyết 98 mà Quốc hội đã thông qua hồi tháng 6 năm nay. Một trong số các cơ hội rất rõ ràng là thành phố có thể tận dụng xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, bao gồm thị trường tài chính xanh, thị trường tín chỉ carbon...

Gợi ý của nhóm nghiên cứu là về lâu dài TPHCM cần xây dựng trung tâm tài chính xanh, bao gồm dòng vốn trái phiếu hay tín dụng từ ngân hàng, hay thị trường tín chỉ carbon, tương tự như cách làm của các siêu đô thị xung quanh khu vực như Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore, đã thực hiện rất sớm việc xây dựng cơ chế hình thành, thu hút nguồn vốn xanh cho mục tiêu giảm phát thải.

Về phía hoạt động của doanh nghiệp (DN), KTS Nguyễn Văn Biểu - Giám đốc Công ty TNHH Bhomes cho rằng, dù ở bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào cũng cần bao gồm cả trách nhiệm xã hội. Đó là việc hạn chế xả thải vào môi trường ở mức thấp nhất (ý thức, văn hóa DN) nhưng về lâu dài cần áp cụ thể các tiêu chuẩn, tiêu chí để doanh nghiệp thực hiện theo chế tài. Tuy nhiên, đại diện DN này cũng thừa nhận việc phát triển các công cụ “chuyển đổi xanh”, kể cả việc phát hành tín chỉ cho thị trường carbon vẫn đang phải chờ hành lang pháp lý cụ thể. Do đó, việc quản lý nguồn thải từ “gốc” từ các hoạt động đô thị vẫn phải mất thêm nhiều thời gian nữa để nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Siêu đô thị' với mục tiêu chuyển đổi xanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO