Với tính chất xuyên không gian, xuyên biên giới của thương mại điện tử, giới chuyên gia khuyến cáo, các doanh nghiệp (DN) cần cẩn trọng với những rủi ro có thể phát sinh khi giao dịch qua sàn thương mại điện tử.
30% doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ, đặc biệt là công nghệ số
Số liệu thống kê cho biết, trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều DN đã đầu tư mạnh hơn vào công nghệ, phục vụ cho mục tiêu số hóa trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình. Phần lớn các DN đã tin rằng, chỉ có chuyển đổi số DN mới có thể thành công trong bối cảnh hiện nay. Khảo sát 152.000 DN, Tổng cục Thống kê cho hay, trên 30% DN Việt Nam có đầu tư công nghệ và đặc biệt là công nghệ số, chuyển đổi cách thức vận hành, sản xuất kinh doanh ở mức độ khác nhau.
Nhận định về xu hướng chuyển đổi số của các DN hiện nay, TS Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển DN (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đánh giá, nhận thức của DN về công nghệ số thời gian qua rất có sự cải thiện rõ nét, khi hơn 50% DN đã ứng dụng các công nghệ số trước khi có Covid-19; hơn 25% DN bắt đầu “số hóa” khi đối diện với đại dịch Covid-19 và cho rằng, họ tiếp tục sử dụng công nghệ số trong hoạt động của mình.
Bên cạnh đó, kỳ vọng của DN trong ứng dụng công nghệ số cũng rất lớn, đặc biệt là những kỳ vọng liên quan đến giảm chi phí (hơn 71% DN), giảm giấy tờ (hơn 61%), quản trị kinh doanh hiệu quả và nâng cao chất lượng sản phẩm (trên 50% DN)...
Tuy nhiên, ông Huân cũng chỉ ra những bất cập mà các DN đối diện trong quá trình chuyển đổi số, đó là chi phí ứng dụng công nghệ số vẫn còn cao, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/DN và đặc biệt là thiếu thông tin công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng... đang là những rào cản lớn nhất hiện nay.
Cẩn trọng với những rủi ro
Không phủ nhận, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, và việc giao dịch qua sàn thương mại điện tử, chuyển đổi số nói chung chính là cứu cánh của nhiều DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, làm suy sụp nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng, các giao dịch thương mại điện tử cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Bởi vậy, giới chuyên gia khuyến cáo, các DN cần thận trọng để có thể tránh được những rủi ro có thể xảy ra khi giao dịch thương mại điện tử.
Theo đó, những rủi ro xảy ra trong giao dịch thương mại điện tử được nhận diện như, nhiều quy định chưa rõ ràng về giá trị pháp lý, giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu; chưa rõ về tính pháp lý và trường hợp áp dụng chữ ký điện tử; hay thiếu quy định về giao kết hợp đồng điện tử giữa các đơn vị khiến các rủi ro pháp lý sẽ phát sinh... Điều này gây ra mâu thuẫn lợi ích và xảy ra tranh chấp tại sàn thương mại điện tử.
Thời gian qua, dư luận đã chứng kiến nhiều sự vụ DN Việt giao dịch với các đối tác nước ngoài qua sàn thương mại điện tử bị “dính bẫy lừa” của nhiều DN quốc tế khi không nắm bắt rõ các thông tin, hồ sơ, lý lịch của các DN này. Chính bởi vậy, nhiều DN Việt Nam đã chịu cảnh “trắng tay” khi chót tin các DN nước ngoài và ký kết hợp đồng thông qua “giao dịch số”.
Đơn cử, tại thị trường Mỹ, châu Phi, UAE, không ít DN Việt đã gặp phải các DN “ma” khi ký kết hợp đồng qua sàn giao dịch điện tử với các DN tại các thị trường này. Các Thương vụ Việt Nam tại các thị trường này đã liên tục khuyến cáo các DN Việt nhằm tránh những rủi ro trong giao dịch online, tuy nhiên, tình trạng DN bị lừa do quá tin tưởng đối tác, không tìm hiểu kỹ thông tin đối tác vẫn xảy ra.
Chính bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo, chuyển đổi số không đơn thuần chỉ là việc ứng dụng công cụ công nghệ thông tin mà còn phải nắm vững các rủi ro phát sinh để có cách ứng phó kịp thời. Để tránh xảy ra tranh chấp khi tham gia giao dịch thương mại điện tử, các chủ thể phải tìm hiểu kỹ những điều khoản, chính sách của sàn và pháp luật của quốc gia, đối tác để có thể đảm bảo những giao dịch của mình là an toàn.