Số hóa xây dựng nông thôn mới

Khanh Lê-Thanh Kim 05/10/2023 06:30

Những làng quê thông minh, những cánh đồng không còn quá đông người nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật... đang ngày một nhiều, làm thay đổi sản xuất nông nghiệp đồng thời giúp đời sống người nông dân ngày một khấm khá hơn. Sự chuyển mình ấn tượng đó một phần quan trọng nhờ số hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp khiến diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày. Ảnh: Quang Vinh.

Huyện Đan Phượng được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu về việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Hà Nội. Năm 2023, Đan Phượng cũng “đi trước một bước” trong xây dựng “nông thôn số” bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi số tới cơ sở. Dự kiến, 100% thôn trên địa bàn sẽ trở thành “thôn thông minh” trong năm 2023.

Nhiều lợi ích từ chuyển đổi số

Ông Bùi Văn Tùng - Chủ tịch UBND xã Song Phượng cho biết, chính quyền xã đã triển khai xây dựng mô hình "thôn thông minh" trên nền tảng là các "tổ tự quản thông minh" và những "công dân số" đến 4 thôn và 36 tổ tự quản. Cùng với đó xã thành lập 1 tổ công nghệ số cộng đồng với nhiều thành viên vừa khảo sát, vừa hướng dẫn 100% hộ dân trên địa bàn tham gia tìm hiểu chuyển đổi số, các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt tài khoản thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử... Ngoài ra, để tăng hiệu quả truyền thông, chính quyền xã đã thiết lập các nhóm zalo. Từ khi các nhóm zalo được thành lập, hệ thống quản lý, trao đổi, tuyên truyền thông tin không chỉ dừng lại giữa cấp ủy, chính quyền và các thôn, mà mọi hoạt động của xã, thôn đều được truyền đạt đến 100% hộ gia đình. Từ đó, các hộ dân được tiếp cận với thông tin của xã, thôn một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện hơn trước.

Những lợi ích đem lại từ chuyển đổi số trong quá trình triển khai xây dựng NTM rất lớn. Chính vì vậy, ngày 2/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 924 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025 (Quyết định 924). Triển khai Quyết định 924, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã ban hành 2 Quyết định phê duyệt danh mục 15 mô hình thí điểm (trong đó có 9 mô hình xã nông thôn mới thông minh và 6 mô hình xã thương mại điện tử). Cùng với đó để giúp các địa phương có cơ sở triển khai, Bộ NNPTNT đã ban hành Hướng dẫn tạm thời về triển khai xây dựng mô hình thí điểm xã NTM thông minh, xã thương mại điện tử.

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, hầu hết các địa phương đã ban hành Chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 924 đồng thời, lựa chọn các xã để xây dựng mô hình thí điểm xã NTM thông minh. Tuy nhiên, chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM thông minh là một nội dung mới, do đó, trong quá trình xây dựng kế hoạch, nhiều địa phương còn lúng túng, khó khăn trong xác định nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện.

Nhờ ứng dụng chuyển đổi số nhiều mô hình sản xuất đã đem lại lợi nhuận cao.

Nhiều địa phương còn lúng túng

Thực tế cho thấy, nhờ vào internet, ứng dụng chuyển đổi số, người nông dân ngày nay có thể giám sát từng khía cạnh của trang trại một cách chính xác và hiệu quả. Từ việc theo dõi thời tiết, tình trạng đất đai, đến sức khỏe của vật nuôi, tất cả đều có thể được thu thập và phân tích để đưa ra quyết định thông minh. Nhờ đó hiệu quả kinh tế cũng tăng góp phần phát triển kinh tế. Nhiều làng quê đã thực sự “thay da đổi thịt” vươn lên thành làng quê “tỉ phú” nhờ sản xuất ứng dụng chuyển đổi số. Mặc dù chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng NTM có vai trò to lớn như vậy nhưng phản ánh từ các địa phương cho thấy, vẫn tồn tại nhiều thách thức và hạn chế.

Trong những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã phát triển nhiều nền tảng số, điển hình như Ứng dụng C-ThaiNguyen. Đây là một ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai tại Thái Nguyên với mục tiêu cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Việc triển khai ứng dụng C-ThaiNguyen là một bước đi quan trọng trong việc xây dựng nông thôn thông minh tại Thái Nguyên, thúc đẩy sự tiến bộ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp và phát triển kinh tế địa phương. Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Công Dũng - Văn phòng NTM tỉnh Thái Nguyên, việc triển khai tổ chức chương trình gặp nhiều khó khăn nhất là về hạ tầng số. Bên cạnh đó nhiều người dân do nhận thức của người dân về chuyển đổi số còn hạn chế chính vì vậy việc triển khai chưa đạt kết quả như kỳ vọng.

Chia sẻ với những khó khăn từ tỉnh Thái Nguyên, ông Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, sau khi Quyết định 924 ra đời, Bộ NNPTNT đã đề xuất chọn 15 tỉnh để triển khai thí điểm về xã NTM thông minh và xã nông thôn điện tử. Ngoài 15 tỉnh đã chọn thí điểm này đến nay mới chỉ có 37 tỉnh đăng ký sẽ xây dựng xã nông thôn mới thông minh. Từ những con số này cho thấy, vẫn còn khá nhiều tỉnh gặp khó khăn và lúng tung trong việc triển khai chuyển đổi số NTM.

Cũng theo ông Phong, việc triển khai không dễ bởi đa số các địa phương đang gặp khó khăn về hạ tầng số và trang thiết bị, nhất là những địa phương ở vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó thiếu đồng bộ về cơ sở dữ liệu. “Khi chúng ta nói đến chuyển đổi số phải có cơ sở dữ liệu đồng bộ và có tính liên thông. Ví dụ như ứng dụng chuyển đổi số trong việc đánh giá xã NTM đạt chuẩn để làm được điều này chúng ta phải có cơ sở dữ liệu liên thông từ xã lên huyện lên tỉnh và liên thông được các tỉnh với nhau để Văn phòng Nông thôn mới Trung ương đánh giá được. Chuyển đổi số trong việc kiểm soát vùng nguyên liệu, thị trường cũng cần phải có cơ sở dữ liệu, tuy nhiên hiện nay việc cập nhập cũng như cung cấp dữ liệu này từ nhiều địa phương gặp rất nhiều khó khăn” - ông Phong cho biết.

Đề cập về những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM mới, ông Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), cũng cho rằng, cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu, trong khi nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp còn rải rác, chưa được thiết kế và số hóa đồng bộ. Nông nghiệp thông minh và công nghệ cao cần phải đầu tư hơn nhiều so với nông nghiệp truyền thống trong khi phần lớn các hộ không đủ điều kiện để đầu tư.

“Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật mặc dù đã được đầu tư chuyên sâu nhưng vẫn chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; các tiêu chí về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cùng với các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất cho từng đối tượng vật nuôi, cây trồng chưa được ban hành. Ngoài ra, nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn hạn chế” - ông Thế Anh cho biết.

Đầu tư nguồn lực cho chuyển đổi số

Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu và là chìa khóa để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế. Do đó để sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM, xã NTM thông minh, xã thương mại điện tử, cần tổ chức các khóa đào tạo và chương trình nâng cao nhận thức về công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý và người dân nông thôn. Đặc biệt, cần xem xét thử nghiệm sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi HTX là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số" với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định, việc chuyển đổi số trong thời gian qua đã tạo ra những gam màu sáng trong bức tranh xây dựng NTM. Thông qua việc chuyển đổi số, nông nghiệp đã có những bước tiến rõ rệt, việc sản xuất ngày càng cơ giới hóa, hiện đại hóa và hướng đến sản xuất xanh, sạch và an toàn.

Chính vì vậy, việc đầu tư nguồn lực cho chuyển đổi số cần được quan tâm. Song hành với đó là có cơ chế khuyến khích xã hội hóa để doanh nghiệp, người dân cùng tham gia. Bên cạnh nguồn lực, cơ sở hạ tầng, theo ông Thủy, việc truyền thông để người dân nhận thức về vai trò của chuyển đổi số rất quan trọng bởi chỉ khi nhận thức được lợi ích đem lại từ chuyển đổi số thì việc ứng dụng và triển khai mới đi vào đời sống.

Về giải pháp triển khai trong thời gian tới ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, sẽ tập trung vào số hóa dữ liệu để phục vụ việc ứng dụng chuyển đổi số trong ngành NNPTNT.

Theo ông Toản, hiện nay, tỷ lệ nông dân sử dụng internet hằng ngày khá cao, đây là một trong những thuận lợi giúp nông dân ứng dụng số hóa vào trong sản xuất. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ giúp sản phẩm nông, lâm, thủy sản của nông dân đáp ứng được đòi hỏi của thị trường về tính minh bạch trong quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, chuyển đổi số còn giúp nông dân gia tăng giá trị, hiệu quả của sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

“Xây dựng NTM là một cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức và mục tiêu, tiến tới nhận thức chung là chúng ta đang làm một cuộc cách mạng, là giải pháp để khắc phục sự xung đột, mâu thuẫn trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn. Chính vì vậy cần “tri thức hóa”, tăng cường năng lực cho người nông dân để tham gia chương trình, để mọi người dân nông thôn đều là chủ thể của làng quê” - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Số hóa xây dựng nông thôn mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO