Hiện nay rất nhiều con tàu vỏ thép đang gác bến nằm bờ, bị rỉ sét, hoặc bị ngân hàng kiện ra tòa, thi hành án, tịch thu tàu đem bán thu nợ. Vì thế chủ những con tàu này không có phương tiện để bám biển, không có việc làm dẫn đến nợ nần.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều ngư dân cho rằng, tàu vỏ thép đánh bắt được thời gian ngắn bắt đầu bộc lộ những nhược điểm như máy bị hỏng, cùng với những lý do khác đã ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của ngư dân khiến chậm việc trả gốc và lãi vốn vay cho ngân hàng và cuối cùng là phá sản, lâm nợ, mất tàu, mất chỗ mưu sinh.
Từng sở hữu con tàu vỏ thép có giá trị gần 17 tỷ đồng, được đóng theo Nghị định 67 (NĐ67) của Chính phủ, nhưng hiện nay ngư dân Lê Văn Hên - trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) phải chật vật đi tìm nghề mưu sinh cho cuộc sống gia đình.
Ngư dân Hên cho biết, năm 2016 ông đóng tàu vỏ thép QNa 90767 TS, công suất 800CV đưa vào hoạt động, nhưng do mới tiếp xúc với các thiết bị máy móc trên tàu hiện đại nên ngư dân sử dụng không thành thạo dẫn đến thường xuyên bị mắc lưới nên đánh bắt không được.
“Trong khi đó chi phí bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm cho tàu hết 200 triệu đồng, tàu hay hư hỏng, nằm bờ sửa chữa quá lâu nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Cabin, khoang tàu, hầm máy cũng rỉ sét. Chi phí cho mỗi chuyến ra khơi quá lớn nên tôi không có nguồn thu nhập và mất khả năng trả nợ ngân hàng và bị họ tịch thu con tàu đem đi bán đấu giá” - ông Hên cho biết.
Còn ngư dân Phạm Thanh Trung - chủ tàu vỏ thép QNa 90659 TS: cho rằng “Thực tế sau một thời gian bám biển đã xảy ra tình trạng tàu vỏ thép bị rỉ sét nặng, máy tàu thường xuyên bị hư hỏng, lưới hay bị cuốn vào chân vịt, bóng đèn bị hư hoặc không hoạt động hay trang thiết bị khai thác hải sản như máy dò, hầm bảo quản luôn bị trục trặc”.
Theo ngư dân Trần Công Chi - trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (chủ tàu cá vỏ thép số hiệu QNa 94989 TS, công suất 822CV, đóng vào năm 2015, với tổng vốn hơn 11 tỷ đồng). Năm 2016 tàu hạ thủy, hành nghề lưới rê nhưng không hiệu quả, gia đình ông đã vay thêm 2 tỷ đồng để chuyển sang nghề khai thác lươn nhưng rồi cũng lỗ vốn. Tiếp đến ông đã đầu tư thêm gần 3 tỷ đồng để chuyển sang nghề câu mực khơi nhưng vẫn không hiệu quả.
Đánh bắt không hiệu quả, làm ăn không ra thì tiền đâu mua bảo hiểm, tiền đâu trả lãi ngân hàng. Thế là con tàu nằm bờ và đã được thanh lý cách đây mấy ngày với số tiền chỉ gần 1,5 tỷ đồng” - ông Chi nói.
Trong khi đó tại Quảng Ngãi, ngư dân Võ Văn Hân - trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho hay, vào năm 2016, ông đóng con tàu vỏ thép Biển Đông 1, số hiệu QNg 90999 TS 14 tỷ đồng từ nguồn vốn NĐ67. Năm đầu vươn khơi ông trả lãi ngân hàng đúng thời hạn, các chuyến biển sau đó, tàu của ông liên tục gặp sự cố, hư hỏng. Đến tháng 3/2018, trong một chuyến đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa tàu của ông gặp sự cố, toàn bộ ngư cụ trị giá hơn 3,6 tỷ đồng mất trắng.
Thế rồi mấy năm qua, tàu vỏ thép Biển Đông 1 neo tại cảng Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi trong tình trạng rỉ sét, hư hỏng. Do không có tiền trả lãi ngân hàng dẫn đến nợ nần, cuối cùng ông bị ngân hàng khởi kiện ra tòa.
Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng nhiều ngư dân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi cho rằng, tàu vỏ thép về thiết kế có điểm không phù hợp dẫn đến khi vươn khơi gặp nhiều khó khăn như: Thiết kế trọng tải con tàu chứa được hơn 120 tấn hải sản, nhưng chỉ mới 60 tấn cá, tàu đã có hiện tượng mất cần bằng, chao đảo, hoặc tàu có thể chịu được gió cấp 8, cấp 9 nhưng mới gặp gió cấp 5 và sóng lớn đã rung lắc mạnh dẫn đến nguy cơ xảy ra chìm tàu, vì thế thời tiết có vấn đề là ngư dân không dám ra khơi.
Ngư dân còn cho rằng, trang thiết bị trên tàu hư hại, thân tàu rỉ sét nên phải nằm bờ để sửa chữa; việc duy tu bảo dưỡng tàu vỏ sắt tốn tiền gấp 2 đến 3 lần so với tàu vỏ gỗ.
Chưa hết, cần cẩu trên tàu không đúng thiết kế kỹ thuật, sét yếu nên mỗi lần ngư dân sử dụng kéo cá lên khoang tàu hay bị gãy trục; các bình nước ngọt làm mát hệ thống máy không phát huy tác dụng, còn các cơ sở đóng tàu sửa chữa, bảo hành chưa được kịp thời. Thậm chí do sai sót về mặt kỹ thuật, đã có con tàu mới chạy thử lần đầu đã gác bến từ đó đến nay (như tàu của ngư dân Liên mà chúng tôi đã nhắc đến).
Ngoài ra, việc đào tạo thuyền viên sử dụng tàu vỏ thép cũng chưa đến nơi đến chốn, cùng với đó, do giá cả nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ, xăng dầu tăng cao, trong khi hải sản đánh bắt được đầu ra khó, giá hải sản thấp, thu không đủ bù chi, rồi dịch Covid-19 hoành hành khiến ngư dân phải để tàu gác bến nằm bờ...
Nhiều ngư dân khẳng định, NĐ67 ra đời là đáp ứng đúng nguyện vọng của ngư dân, thế nhưng việc triển khai đóng tàu từ thiết kế đến máy móc, chất liệu đã có vấn đề chưa phù hợp với biển khơi với thời tiết khắc nghiệt. Thiết nghĩ, những việc này cơ quan chức năng cần vào cuộc, làm rõ trách nhiệm những bên liên quan để có hướng xử dứt điểm.
(Còn nữa)