“Đào tạo phải phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước” - đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 diễn ra tại Hà Nội sáng 6/8. Nhiều vấn đề bức xúc hiện nay của ngành giáo dục, khiến xã hội chưa yên tâm đã được Thủ tướng chỉ ra cùng giải pháp để thay đổi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP.
Hội nghị trực tuyến diễn ra ngay trước thềm năm học mới 2019- 2020 đề cập tới nhiều vấn đề nóng của ngành giáo dục thời gian qua với nhiều ý kiến, góp ý của các đại biểu đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, tình trạng thiếu trường lớp, giáo viên, các điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chưa đạt yêu cầu, vấn đề quy hoạch các trường sư phạm, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và đại học (ĐH)… được đề cập cấp thiết.
Thiếu giáo viên: Vẫn nóng
Theo báo cáo của Bộ GDĐT, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để, đặc biệt là giáo viên mầm non. Nguyên nhân là do từ năm 2015 đến nay, số lượng trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non tăng nhanh. Tuy nhiên, số lượng giáo viên được tuyển dụng hằng năm chưa tương xứng với số lượng trẻ tăng thêm, trong khi mỗi năm toàn ngành có khoảng 3.000 giáo viên nghỉ hưu.
Công tác tuyển dụng tại một số địa phương còn chậm, chưa kịp thời đáp ứng được quy mô trường, lớp tăng hằng năm. Công tác quản lý ở một số trường học còn bất cập; người đứng đầu chưa sâu sát, trách nhiệm chưa cao; một số cơ sở giáo dục thiếu dân chủ, chưa phát huy được vai trò trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong nhà trường.
Một số giáo viên hạn chế về năng lực, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp dạy học, chậm đổi mới; cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức, lối sống, chưa thể hiện vai trò nêu gương đối với học sinh. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, lạc hậu; tỷ lệ phòng học kiên cố thấp.
Đặc biệt, vẫn còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi năm 2018 ở một số địa phương (như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La).
Việc chuẩn bị sách giáo khoa (SGK) cho chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ GDĐT tích cực triển khai. Theo kế hoạch, đến nay bản mẫu SGK lớp 1 của các nhà xuất bản tham gia biên soạn đã được gửi về Bộ GDĐT để thẩm định. GDĐT đã thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1 và đang tổ chức thẩm định.
Tuy nhiên, Bộ GDĐT cho hay tiến độ thực hiện việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới chưa bảo đảm theo lộ trình đặt ra; một số địa phương công tác chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới còn chậm tiến độ.
Không thể “khoán gọn” cho nhà trường
Một trong những tồn tại cần khắc phục đã được Bộ GDĐT chỉ ra là công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống. Nguyên nhân là do công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa hiệu quả; công tác tuyên truyền đến cán bộ quản lý, nhà giáo và người học hiểu biết pháp luật và các quy định của ngành còn hạn chế.
Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh một trong những vấn đề ngành giáo dục cần quan tâm đến năm học mới đó là việc dạy người. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Thứ hai, giảm áp lực hành chính cho giáo viên, xem lại các chuẩn, tiêu chuẩn giáo viên. Thứ ba, sinh hoạt Đoàn Đội, giáo dục đạo đức phải đổi mới. Trong giờ học nào cũng có thể nói chuyện đạo đức và giáo viên phải làm gương. Tăng cường vai trò nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục đạo đức lối sống. Tránh tình trạng “khoán gọn” cho nhà trường.
Cùng với đó, cần giải quyết một số vấn đề liên quan đến hệ thống sư phạm và giáo viên. Địa phương có trách nhiệm đặt hàng các trường sư phạm đào tạo giáo viên. Đồng thời quan tâm đến bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên. Đối với ĐH, cần chuyển sang cơ chế tự chủ.
Kiên quyết dừng đào tạo các ngành kém chất lượng
Kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã được tổ chức an toàn, khách quan. Kết quả tốt nghiệp THPT của cả nước đạt 94,06%. Kết quả tốt nghiệp có sự khác biệt giữa các địa phương, vùng miền, phản ánh trung thực chất lượng dạy học của các địa phương. Các tỉnh/thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, có truyền thống hiếu học thì tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao; các tỉnh ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ có tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn.
Biểu dương những kết quả mà ngành giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua, trong đó có việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 an toàn, khách quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những bức xúc hiện nay của ngành giáo dục, khiến xã hội chưa yên tâm.
Đó là việc thiếu trường lớp, nhất là hệ thống các trường mầm non, phổ thông. Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, tạo điều kiện học tập cho con em và người dân. Địa phương phải bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học. Cùng với đó, đẩy mạnh sắp xếp các trường sư phạm, tập trung vào các trường sư phạm trọng điểm; các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho địa phương. Trường sư phạm phải đào tạo ra nhà giáo dục, không phải là thợ dạy.
Các cơ sở giáo dục ĐH phải rà soát, sắp xếp lại mạnh mẽ hơn để đảm bảo chất lượng và các điều kiện cho phát triển. Phải có lộ trình kiên quyết với các trường chất lượng thấp. Thủ tướng yêu cầu Bộ GDĐT trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở giáo dục ĐH kém chất lượng kéo dài; kiểm tra và dừng đào tạo các ngành đào tạo kém chất lượng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh…
Về giáo viên, Thủ tướng yêu cầu địa phương phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ hiện nay. Có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục rà soát tinh gọn hiệu quả đội ngũ phục vụ tại các trường học…
Đặc biệt, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của gia đình - nhà trường và xã hội; trong đó nhà trường đóng vai trò trung tâm.
“Các địa phương ít quan tâm đến đất cho xây trường học, có mảnh đất nào “ngon” thì đem xây trung tâm thương mại, nhà ở hết. Công nhân, người lao động rất khổ khi không có trường để gửi con” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị và yêu cầu phải rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, bảo đảm đủ trường lớp, tạo thuận lợi cho người học. Các địa phương phải bố trí đủ quỹ đất cho trường lớp, nhất là mầm non, phải bảo đảm đủ trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thủ tướng cũng yêu cầu khắc phục tình trạng quá tải sĩ số lớp học, không chấp nhận lớp có tới 60 học sinh.