Sống an toàn trước thiên tai dị thường

Việt Hà 17/04/2021 07:25

Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia vừa đưa ra dự báo, trong các tháng chuyển mùa (từ tháng 4 đến tháng 6/2021) đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

Còn giai đoạn nửa cuối tháng 8 trở đi ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn diện rộng, đề phòng khả năng xuất hiện mưa cực đoan. Thời tiết đang ngày càng diễn biến khó lường, không theo một quy luật nào cả…

Hạn mặn tác động tiêu cực tới Đồng bằng sông Cửu Long.

Thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng rộng dày hơn

Theo TS Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), do tác động của biến đổi khí hậu, tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan diện rộng dày hơn. Ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, hạn hán liên tục tái diễn trong năm 2020 với quy mô lớn và mức độ ngày càng khốc liệt hơn. Trong năm 2020, nguồn nước trên các sông suối khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 35% đến 70%, một số sông thiếu hụt trên 80%. Bão lớn cấp 4 và 5 diễn ra thường xuyên hơn.

Đặc biệt, năm 2020 được coi là điển hình nhất của hiện tượng thời tiết dị thường khi mưa đá xuất hiện ngay trong đêm giao thừa. Và chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10, khu vực duyên hải miền Trung chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới gây ra những thiệt hại khôn lường về người và của. Cùng với đó hạn mặn tấn công ruộng đồng, vườn tược của người dân ĐBSCL.

Thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai cho thấy, tính đến đầu tháng 12/2020, thiên tai đã làm 288 người chết, 65 người mất tích và 876 người bị thương; 3.424 nhà sập, 333.050 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp; 509.793 lượt nhà bị ngập. Ngoài ra, các loại hình thiên tai cũng làm thiệt hại 196.887 ha lúa và hoa màu; 4,11 triệu con gia cầm chết, cuốn trôi; hàng nghìn mét đê kè, kênh mương, bờ sông, bờ biển, đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng. Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế lên đến gần 36 nghìn tỷ đồng. Nhiều người mất đi sinh kế đã phải rời bỏ quê hương. Không ít người vừa thoát nghèo lại quay trở lại tái nghèo.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các nghiên cứu khác cho thấy xu hướng gia tăng biến đổi khí hậu là không thể tránh khỏi trong tương lai. Dự báo đến năm 2100, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam có thể tăng từ 0,6 độ C-4 độ C. Vùng núi phía Bắc và miền Trung sẽ chịu nhiều rủi ro hơn do lũ quét và trượt lở đất khi chế độ mưa thay đổi, với tần suất và cường độ mưa lớn ngày càng nhiều. Ngày càng nhiều những vùng chịu rủi ro cao hơn và dễ bị tổn thương hơn do hạn hán và thiếu nước, tăng hoang mạc hoá.

Còn trước mắt, mùa bão năm 2021 có thể xuất hiện khoảng 10-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có 6-7 cơn đi vào Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Tình trạng khô hạn gay gắt hơn. Ngoài ra, từ nay đến cuối tháng 4, ĐBSCL có khả năng xuất hiện thêm 3-4 đợt xâm nhập mặn tăng cao.

Tìm cách sống an toàn

Những con số dự báo đưa ra khiến nhiều người không khỏi giật mình. Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong dự báo, cảnh báo là các hiện tượng thời tiết cực đoan vốn xảy ra không theo quy luật, dưới tác động của biến đổi khí hậu sẽ càng trở nên khó dự báo và cảnh báo hơn rất nhiều.

Bởi vậy, không thể chậm hơn, công tác phòng chống thiên tai phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, và cấp bách. Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, trong phòng chống thiên tai, phòng phải hơn chống. Chủ động trước các hiện tượng thời tiết dị thường, hiện đã có nhiều mô hình thích ứng có tính sáng tạo, trong đó có mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, các mô hình thích ứng thông minh.

Theo TS Tăng Thế Cường, trong kế hoạch quốc gia thích ứng biến đổi khí hậu chúng ta đã đề ra các nhiệm vụ, trong đó chú trọng các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng như hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng tham gia phát triển lâm nghiệp bền vững, nhân rộng mô hình phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn…

Hay như xây dựng và nhân rộng các mô hình vệ sinh môi trường và nước sạch thích ứng với biến đổi khí hậu cho cộng đồng và cơ sở y tế; xây dựng, nhân rộng các mô hình về dinh dưỡng, thực phẩm, bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm và ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ tái tạo, sử dụng năng lượng sạch thích ứng với biến đổi khí hậu cho cộng đồng và các cơ sở y tế.

Đặc biệt, chú trọng nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, phòng chống thiên tai đến chuẩn bị các kịch bản phục hồi, tái sản xuất… theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng”. Khi đã có các phương án đề cao tính chủ động thích ứng như trên, chúng ta sẽ có thể chung sống an toàn hơn với thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Việt Nam lại nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu mà nổi lên là các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày càng cao. Chỉ tính riêng trong 20 năm trở lại đây ở nước ta, các loại thiên tai như bão, lũ, lở đất… đã khiến hơn 13 nghìn người thiệt mạng, thiệt hại tài sản trên 6,4 tỷ USD, khoảng 60% diện tích đất và hơn 70% dân số đứng trước rủi ro hứng chịu thảm họa từ thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sống an toàn trước thiên tai dị thường