“Đó chính xác là một cuộc đối đầu giữa hai nhân vật vốn là đồng minh chính trị rất am hiểu nhau. Cuộc đối đầu không dàn xếp, không khoan nhượng và dễ dẫn đến một cuộc khủng hoảng trên chính trường của đất nước lớn nhất châu Mỹ La-tinh”- Đó là nhận định của Hãng tin Reuters về những mâu thuẫn đang diễn ra giữa Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro với cựu Bộ trưởng Tư pháp nước này Sergio Moro trong những ngày qua.
“Siêu bộ trưởng” Moro (trái) và Tổng thống Bolsonaro (phải).
“Siêu bộ trưởng” từ chức
Các mâu thuẫn này bắt nguồn từ những động thái chính trị “không giống ai” hoặc toan tính riêng của ông Bolsonaro.
Ông Bolsonaro đắc cử Tổng thống Brazil vào đầu năm 2019 với sự ủng hộ của Đảng Xã hội Tự do (PSL), chính đảng lớn thứ 2 hiện nay tại Brazil với 53 ghế trong Hạ viện và 3 thành viên là nghị sĩ Thượng viện. Thế nhưng tháng 11/2019, ông Bolsonaro đã tuyên bố rời khỏi PSL và thành lập một chính đảng khác mang tên Liên minh vì Brazil (APB).
Cương lĩnh chính trị của APB được ông Bolsonaro đưa ra với ngọn cờ đấu tranh chống tham nhũng và thúc đẩy giá trị của người Thiên chúa giáo. Rời khỏi PLS và thành lập APB, vị Tổng thống mới hơn một năm tại nhiệm vấp phải tình trạng bấp bênh trên chính trường và không được ủng hộ của các đồng minh chính trị, kể cả những nhân vật được đánh giá là “cánh tay phải” trước kia. Một trong những nhân vật đó là vị Bộ trưởng Tư pháp nhiều quyền lực: Sergio Moro.
Các chính sách về tư pháp, cải tổ bộ máy mà Tổng thống Bolsonaro đưa ra vấp phải các phản ứng mạnh từ ông Moro. Đỉnh điểm của sự phản ứng ấy là ông Moro tuyên bố và nộp đơn từ chức vào cuối tháng 4 vừa qua khi Tổng thống Bolsonaro quyết định cách chức Giám đốc Cảnh sát liên bang của ông Mauricio Valeixo- một người thân tín của cựu Bộ trưởng Moro.
“Tổng thống Bolsonaro đã yêu cầu sa thải người đứng đầu lực lượng cảnh sát trưởng liên bang Mauricio Valeixo vì những lý do cá nhân và đã can thiệp vào các cuộc điều tra nhạy cảm, vi phạm cam kết thúc đẩy cuộc chiến điều tra chống tham nhũng”- theo thông báo từ chức của ông Moro.
Sau những cáo buộc của một người từng là đồng minh chính trị, ông Bolsonaro đã hết sức giận dữ. Phát biểu trước những người ủng hộ tại dinh thự riêng vào ngày 2/5, ông Bolsonaro khẳng định không làm gì trái với Hiến pháp song cũng không cho phép ai được tấn công cá nhân ông. Tổng thống Bolsonaro đã gọi ông Moro một bằng một danh từ rất nặng: “Kẻ phản Chúa”.
“Cơn bão hoàn hảo”
Sự giận dữ của Tổng thống Bolsonaro còn đến từ một nguyên nhân khác: Cáo buộc của ông Moro đã thúc đẩy và yêu cầu Tòa án Tối cao Brazil mở cuộc điều tra đối với ông Bolsonaro. Ông Moro cũng không dừng lại khi đã nhiều lần có mặt tại Sở Cảnh sát Curitiba để trình bày lời khai về những cáo buộc trong diễn văn từ chức.
Nếu những lời khai của ông Moro có đủ cơ sở thì cơ quan công tố có thể chính thức tố cáo Tổng thống lên Tòa án Tối cao với sự thông qua của 2/3 số phiếu chấp thuận tại Hạ viện. Theo qui trình này, Tổng thống Bolsonaro sẽ bị đình chỉ chức vụ trong 180 ngày để Tòa án Tối cáo mở phiên tòa xét xử.
Tuyên bố của Tổng Chưởng lý Brazil Aras nêu rõ: Trong trường hợp những cáo buộc của ông Moro được xác thực thì ông Bolsonaro đã phạm tội cản trở công lý và các tội danh khác. Ngược lại thì tuyên bố của vị cựu Bộ trưởng Tư pháp này có thể bị xem là tội vu cáo người đứng đầu Nhà nước
Tuy nhiên, ông Moro từng được coi là “siêu bộ trưởng”, trực tiếp phanh phui các vụ tham nhũng lớn khiến nhiều chính trị gia, doanh nhân quyền lực chịu tội, gồm cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva. Điều này đang đe dọa trực tiếp các sai lầm chính trị và quan hệ cá nhân của Tổng thống Bolsonaro trong thời gian cầm quyền ngắn ngủi.
Cuộc đối đầu giữa Tổng thống và người được coi là “siêu bộ trưởng” cũng đang chia nền chính trị ở thượng tầng ở Brazil làm hai phe rõ rệt. Thượng nghị sĩ Sergio Olimpio Gomes- một trong những đồng minh hàng đầu của ông Bolsonaro tại Quốc hội đang tìm cách phản công khi cho rằng: “Tất cả điều này làm hao mòn chính quyền vào thời điểm mà tất cả các nguồn lực nên tập trung vào việc chống đại dịch Covid-19. Những gì đã xảy ra hiện nay đã tạo thành một cơn bão hoàn hảo”.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Fernando Fernandoque Cardoso (giai đoạn cầm quyền 1995- 2002) vốn có lập trường chống tham nhũng và sự can thiệp chính trị vào cuộc chiến chống tham nhũng cho rằng: “Tổng thống đang đào mồ cho chính mình”.
Cuộc điều tra nhằm vào ông Bolsonaro chưa chính thức được tiến hành. Nhưng những gì đang diễn ra trên chính trường đang dẫn đến một cuộc khủng hoảng gây bất ổn sâu sắc ở quốc gia lớn nhất châu Mỹ La-tinh vốn đang phải gồng mình chống lại đại dịch Covid-19.