Sông Hậu trước nguy cơ bị đầu độc - Kỳ 2: Những uẩn khúc cần được làm rõ

Lê Quốc Khánh 28/06/2016 09:15

* Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh khẳng định: Việc thu hút đầu tư rất được quan tâm, nhưng không vì thế mà bất chấp mọi vấn đề, nhất là môi trường.

Sông Hậu trước nguy cơ bị đầu độc - Kỳ 2: Những uẩn khúc cần được làm rõ

Sông Hậu.

Theo thông tin từ Tổng giám đốc Chung Wai Fu, giữa tháng 7 tới, Lee & Man đi vào hoạt động thử nghiệm và giữa tháng 8-2016 sẽ chính thức đưa sản phẩm ra thị trường. Trước tình hình này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có văn bản gửi đến Chính phủ lo lắng về việc nhà máy giấy này đầu độc sông Hậu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo gấp việc kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của nhà máy.

Theo VASEP, đây là dự án chuyên sản xuất, gia công, mua bán các loại giấy, bao bì bột giấy và sản phẩm từ giấy, diện tích sử dụng là 200 ha, nay đã giảm xuống còn khoảng 82,8 ha. Trong đó, khoảng 41 ha hoạt động sản xuất giấy, còn lại dành cho sản xuất bột giấy. VASEP cho rằng khi hoạt động, công trình này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt là thải ra khoảng 28.500 tấn xút (NaOH) mỗi năm xuống sông Hậu.

Lời hứa hão huyền

Tại cuộc họp báo mới đây, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi xung quanh việc phê duyệt báo cáo đánh giá (ĐTM) tác động môi trường khi nhà máy xây dựng trở lại, nhưng Tổng giám đốc Chung cho rằng chỉ làm ĐTM từng phần như nhà máy điện, hệ thống xử lý nước thải chứ chưa làm ĐTM cho tổng thể. Tổng giám đốc Chung cũng cam kết không sử dụng hóa chất xút trong công nghệ sản xuất giấy và không sản xuất bột giấy. Ông Chung cũng cho biết, do không nằm trong vùng nguyên liệu nên nguyên liệu sản xuất giấy chủ yếu là nhập khẩu. Ông Chung cho rằng hệ thống xử lý chất thải của nhà máy có công nghệ hiện đại, công suất xử lý 20.000 m3/ngày đêm, nhưng chỉ thải ra môi trường có 10.000 m3/ngày đêm. Hệ thống xử lý sẽ qua 9 công đoạn để khi xả chất thải đạt chuẩn loại A. Khi nhà máy hoạt động, hệ thống xử lý nước thải này sẽ kết nối với hệ thống quan trắc của Sở TN-MT Hậu Giang và một đơn vị quản lý do Bộ TN-MT chỉ định để các đơn vị này giám sát. Có nhà báo hỏi về lượng hóa chất sử dụng trong sản xuất giấy, nhưng ông Chung không trả lời. Tổng giám đốc Chung còn cho rằng “hóa chất nào thì Lee & Man cũng phải dùng tiền để mua nên chúng tôi không thể muốn xả ra môi trường thì xả”, đồng thời sẵn sàng mời các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân đến lấy mẫu nước thải để kiểm tra.

Tổng giám đốc Chung cho rằng, Lee & Man là một trong 5 nhà máy giấy lớn nhất thế giới và lớn nhất Việt Nam, có thiết bị và công nghệ hiện đại, được đầu tư nhà máy điện riêng, cảng và nhà máy xử lý nước thải 155.000 m3/ngày đêm chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là 55.000 m3/ngày đêm và giai đoạn 2 công suất 105.000 m3/ngày đêm. Lãnh đạo Lee& Man cam đoan không dùng xút trong sản xuất giấy. Dư luận đặt câu hỏi nếu vào năm 2017, Lee & Man tiếp tục đầu tư sản xuất bột giấy phải sử dụng xút thì sao? Lãnh đạo Lee & Man vẫn khẳng định không có, khi trong văn bản đã thể hiện giai đoạn tiếp theo sẽ đầu tư nhà máy bột giấy tẩy trắng 330.000 tấn/năm vào năm 2017. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi Lee & Man sử dụng xút trong khâu sản xuất bột giấy?

Những kiến nghị

Sông Hậu sẽ ra sao khi Lee & Man còn qúa nhiều điều chưa rõ ràng nhất là nhà máy được đặt ở vùng trũng nhất khu vực, giữa vựa lúa, vùng sản xuất trái cây của huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, nơi cung cấp nước cho gần 5 triệu người dân ĐBSCL? Ai bảo đảm là nhà máy giấy Lee & Man không sản xuất bột giấy? Ai bảo đảm Lee & Man không sử dụng xút trong công nghệ sản xuất giấy? Đề nghị các cơ quan cần thẩm định lại kỹ càng qui trình xử lý và xả thải của Lee & Man trước khi cho phép Lee & Man đi vào họat động.

Điều lạ lùng là trong lúc cả xã hội đang quan tâm đến môi trường khi nhà máy giấy Lee & Man đi vào hoạt động thì Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường lại đi nước ngoài còn Phó giám đốc Hoàng Quốc Cường được cử đi dự cuộc họp báo lại bỏ về nửa chừng.

Sông Hậu trước nguy cơ bị đầu độc - Kỳ 2: Những uẩn khúc cần được làm rõ - 1

Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang: Không thuộc thẩm quyền của Hậu Giang

Về việc thẩm định báo cáo tác động môi trường (ĐTM), theo Luật Môi trường 2014 thì thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) nên việc ra lệnh dừng hay tiếp tục không thuộc thẩm quyền của Hậu Giang.

Sông Hậu trước nguy cơ bị đầu độc - Kỳ 2: Những uẩn khúc cần được làm rõ - 2

Ban giám đốc Sở TN-MT Hậu Giang (ông Hồ Văn Phú, Giám đốc Sở và ông Hoàng Quốc Cường, Phó giám đốc Sở): Bộ Tài nguyên & Môi trường chưa thẩm định tác động môi trường

Trước đó, thẩm quyền phê duyệt ĐTM thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh. Tuy nhiên, theo Luật Môi trường năm 2014 thì trách nhiệm phê duyệt ĐTM thuộc thẩm quyền Bộ TN-MT. Thế nhưng luật cũng không đề cập đến việc trước đây UBND tỉnh đã phê duyệt thì nay Bộ có thẩm định lại ĐTM hay không. Do vậy, hiện tại, Bộ TN-MT chưa tiến hành thẩm định ĐTM của Lee & Man.

Một nhà máy muốn đi vào họat động được phải có giấy xác nhận hoàn thành các hạng mục công trình bảo vệ môi trường theo ĐTM đã được phê duyệt. Đây được coi như là công tác hậu kiểm của cơ quan cấp phép. Hiện nay, Bộ TN-MT có quyết định thành lập đoàn thanh, kiểm tra do Tổng cục Môi trường làm trưởng đoàn.

Sông Hậu trước nguy cơ bị đầu độc - Kỳ 2: Những uẩn khúc cần được làm rõ - 3

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang: Cần kiểm tra nghiêm túc

Gần đây, có sự cảnh báo của báo chí về nguy cơ môi trường bị đầu độc khi nhà máy đi vào hoạt động, là cán bộ của Hậu Giang, tôi thấy các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chức năng cần kiểm tra nghiêm việc xử lý nước thải của nhà máy này. Nơi đặt nhà máy là vùng tiềm năng lớn về nuôi cá da trơn. Ngoài ra, nơi đây còn là vùng cây ăn trái đặc sản của Hậu Giang. Cạnh đó là nhà máy nước Cần Thơ. Nếu nguồn nước bị ô nhiễm thì sẽ ảnh hưởng đến sự sống và sản xuất của hàng triệu người. Do vậy, nếu Bộ TN-MT khi thành lập đoàn thanh, kiểm tra, cần làm chặt chẽ, kiểm tra từng hạng mục. Nếu chưa đạt, phải yêu cầu Lee & Man tiếp tục hoàn thiện mới cấp phép đi vào hoạt động. Hậu Giang đang đối mặt với biến đổi khí hậu căng thẳng, nay nếu thêm ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải của nhà máy giấy Lee & Man thì sản xuất và đời sống của người dân sẽ hết sức nguy hiểm.

Lê Khánh(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sông Hậu trước nguy cơ bị đầu độc - Kỳ 2: Những uẩn khúc cần được làm rõ