6 tháng đầu năm 2023, số ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) được ghi nhận giảm 62% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, theo quy luật diễn tiến dịch bệnh hàng năm tại TPHCM, mùa cao điểm của bệnh SXH đã bắt đầu tăng vào tuần thứ 24, sẽ tăng cao trong tháng 7 và dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 10 hàng năm.
Sở Y tế TPHCM mới cho biết, trong tháng 6, toàn thành phố ghi nhận 758 ca SXH. Tổng số ca mắc SXH 6 tháng đầu năm 2023 là 8.519 ca, giảm 61,5% so cùng kỳ năm 2022. Thành phố không ghi nhận trường hợp tử vong do SXH, trong khi đó cùng kỳ năm 2022 ghi nhận 12 trường hợp.
Về thu dung, điều trị trong tháng 6 là 331 ca SXH. Hiện tại, có 111 trường hợp đang điều trị nội trú trong đó có 10 trường hợp SXH nặng. Đáng chú ý, tỷ lệ bệnh nhân nặng từ tỉnh chuyển đến chiếm khoảng 70%, có 4 ca đang thở máy. BS. CKII Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho hay, ca SXH chưa nhiều nhưng cuối tháng 6 vừa rồi bệnh viện ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân nặng.
Trường hợp 1, trẻ P. L. C. 8 tháng tuổi, trú Đồng Tháp. Bệnh sử, 3 ngày đầu sốt cao liên tục, không nôn ói, không đau bụng. Ngày 4 còn sốt, kèm nôn ói 4 lần, tay chân lạnh, nhập bệnh viện địa phương, chẩn đoán sốc SXH dengue. Bệnh nhân được truyền dịch chống sốc theo phác đồ, tình trạng trẻ diễn tiến nặng, sốc kéo dài, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp được chống sốc tích cực, đặc nội khí quản thở máy, truyền các chế phẩm máu, điều trị 3 ngày tại bệnh viện địa phương, trẻ tổn thương gan thận nặng, được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Tại đây các bác sĩ tiếp tục điều trị hỗ trợ hô hấp, điều chỉnh rối loạn đông máu, kiềm toan, điều trị hỗ trợ gan, và được tiến hành lọc máu liên tục 3 đợt. Tình trạng trẻ cải thiện dần.
Trường hợp thứ 2, trẻ Ph. T. H. 10 tuổi, trú tại Bình Phước. Bệnh sử ghi nhận 5 ngày, ngày 1 đến ngày 3 sốt cao liên tục. Ngày 4 trẻ hết sốt, ói ra dịch, tay chân lạnh nên nhập viện địa phương trong tình trạng mạch nhẹ khó bắt huyết áp khó đo, trẻ được truyền dịch chống sốc ban đầu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Tại đây trẻ có biểu hiện sốc sâu, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa...Kết quả sau gần1 tuần điều trị tình trạng trẻ cải thiện dần, tiểu khá, cai được máy thở, tỉnh táo.
PGS. TS. BS Phạm Văn Quang – Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh SXH hiện chưa nhiều, tuy nhiên, thời gian tới số ca SXH có thể tăng vì TPHCM đang vào mùa của bệnh SXH.
Đại diện Sở Y tế TPHCM cho hay, theo quy luật diễn tiến dịch bệnh hàng năm tại thành phố, mùa cao điểm của bệnh SXH đã bắt đầu tăng vào tuần thứ 24, sẽ tăng cao trong tháng 7 và dự kiến kéo dài đến hết tháng 10 hàng năm.
Trong khi đó, qua giám sát điểm nguy cơ, tỷ lệ phát hiện có lăng quăng tại các điểm nguy cơ là gần 48% (49/103 điểm), đây là con số đáng báo động, tỷ lệ này sẽ cao hơn nữa khi có mưa nhiều hơn và không có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát các điểm nguy cơ.
“Đang vào mùa SXH, do đó người dân nên cẩn trọng, lưu ý các biện pháp phòng chống dịch” - ông Nguyễn Hồng Tâm- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM khuyến cáo. Ông Tâm thông tin thêm, theo giám sát của HCDC, các điểm có lăng quăng trên địa bàn còn khá nhiều, chiếm gần 50%. Vì vậy, người dân cần tránh để nước đọng tại nơi sinh hoạt, làm việc, thông tin đến ngành y tế những điểm có nước đọng ngoài tầm xử lý (như các công trình xây dựng) thông qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” để đơn vị có phương án xử lý.
Theo Sở Y tế TPHCM, để kéo giảm số ca mắc SXH, một trong các giải pháp quan trọng là phân loại đúng, xử lý dứt điểm các điểm nguy cơ gây dịch. HCDC tăng cường hoạt động giám sát các điểm nguy cơ SXH. Tất cả các điểm nguy cơ có lăng quăng đều đã được các Trạm Y tế hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan tổng vệ sinh, dọn dẹp, xử lý vật chứa và sẽ tái giám sát sau một tuần.
Theo BS CKII Nguyễn Minh Tiến, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để khám và làm xét nghiệm chẩn đoán SXH nếu có dấu hiệu sốt cao từ 24 - 48 tiếng mà không giảm. Dấu hiệu của nặng của SXH là đau bụng, nôn ói, tay chân lạnh, tiểu ra máu. Trong trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao.