Sốt xuất huyết không còn theo chu kỳ

THANH MAI 09/07/2023 08:08

Theo Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận trên 25.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Đáng chú ý, hiện quy luật bùng phát SXH đang có dấu hiệu bị phá vỡ, không theo chu kỳ nào.

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương.

Dự báo diễn biến dịch phức tạp

Theo ghi nhận tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), năm nay, dịch SXH đến sớm hơn. Phân tích của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, điều kiện khí hậu hiện nay, nắng lắm, mưa nhiều tạo thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Tại TPHCM, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết trong tháng 6, tỷ lệ bệnh nhân bắt đầu tăng nhanh. Dự báo dịch SXH sẽ tăng cao trong tháng 7 và dự kiến kéo dài đến hết tháng 10. Trong khi đó, SXH lại chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, nên tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp.

Đại diện Bộ Y tế thông tin, hiện miền Nam đang có số lượng ca mắc giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó, miền Bắc có dấu hiệu tăng (6 tháng đầu năm hơn 1.000 ca, cao hơn 60% cùng kỳ năm ngoái). Điều này chứng tỏ diễn biến dịch SXH hiện nay tùy từng vùng miền, không tuân theo chu kỳ chung, nguy cơ dịch bùng phát bất cứ thời điểm nào.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương cho biết: Thông thường số ca SXH sẽ bắt đầu tăng dần từ tháng 4 và lên đến đỉnh vào tháng 10, 11 (trùng mùa mưa). Trước đây, SXH ở nước ta diễn biến theo chu kỳ 4 - 5 năm bùng dịch một lần, song hiện quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ, không theo chu kỳ nào cả.

Một trong những yếu tố tác động lớn nhất đến tình trạng trên là thời tiết. Những năm El Nino có nền nhiệt độ cao, số ca mắc SXH cũng tăng theo. Miền Bắc năm nay nắng nóng, mưa nhiều, tạo điều kiện rất tốt cho muỗi phát triển, sinh sôi. Thời gian từ trứng đến trưởng thành sẽ rút ngắn lại, khoảng 7 - 9 ngày, khiến muỗi sinh sản nhiều hơn, khả năng tiếp xúc giữa muỗi và người cũng nhiều hơn. Chỉ cần có nguồn bệnh là sẽ bùng phát dịch. Theo ông Dũng, năm 2022 là năm đỉnh điểm của SXH và ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất lịch sử. Năm 2023, từ tháng 4 đến tháng 6 số ca mắc giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lượng người mắc SXH vẫn rất lớn. Dự báo giai đoạn tới, diễn biến dịch sẽ phức tạp hơn.

Cuối tháng 6 vừa qua, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: WHO đang chuẩn bị cho khả năng rất cao là hiện tượng El Nino trong năm 2023 và năm 2024 có thể làm tăng sự lây truyền bệnh SXH và các loại bệnh liên quan đến virus khác như zika và chikungunya.

Đề phòng biến chứng và tử vong

Tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: Hiện bệnh viện đang điều trị cho hơn 20 bệnh nhi mắc SXH nặng. Trong đó, bé trai 4 tháng tuổi (Phú Yên), sốt cao liên tục 3 ngày, tiêu chảy, nổi hồng ban ở tay chân. Bác sĩ phòng khám tư chẩn đoán tiêu chảy nhiễm trùng kèm tay chân miệng, cho thuốc uống. Đến ngày thứ 5, bé bớt sốt nhưng lừ đừ, tay chân lạnh. Bác sĩ bệnh viện địa phương chẩn đoán sốc nhiễm trùng từ đường tiêu hóa, bệnh tay chân miệng, chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng TPHCM. Xét nghiệm cho thấy bé mắc SXH, men gan tăng gấp gần 10, tiểu cầu giảm gấp 50 lần so với bình thường. Các bác sĩ điều trị chống sốc, truyền nhiều máu và chế phẩm máu. Hiện, bé tiếp tục được theo dõi tại khoa Hồi sức.

Một bé trai khác, 5 tháng tuổi, ngụ tại Bình Thuận, khởi bệnh với triệu chứng sốt nhẹ kèm ho, sổ mũi 4 ngày. Bác sĩ chẩn đoán viêm hô hấp trên, điều trị nhưng không giảm. Đến ngày thứ 5, bé quấy khóc, bỏ bú, bác sĩ bệnh viện địa phương cũng không phát hiện SXH. Sau 7 ngày điều trị sốc SXH, rối loạn tiêu hóa, tình trạng sức khỏe của bé đã cải thiện.

Theo bác sĩ Tiến, trong những ca bệnh SXH điều trị tại bệnh viện có nhiều ca rất nặng, biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan và suy đa cơ quan. Nguy hiểm hơn cả là SXH có thể tấn công trẻ nhũ nhi, một số trường hợp biểu hiện không điển hình như sốt nhẹ vừa, không liên tục lại kèm ho sổ mũi hắt hơi, hay tiêu chảy, nôn ói... Triệu chứng này dễ gây lầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa hay nhiễm trùng. Đáng ngại là trẻ không biết nói hoặc không biết diễn tả triệu chứng nên phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng. Trong bối cảnh đang có dịch tay chân miệng, nhiều phụ huynh cũng như y bác sĩ nhầm tưởng trẻ sốt do tay chân miệng, dẫn đến bệnh nặng và nhập viện trễ.

Vì vậy, bác sĩ Tiến khuyến cáo: Trẻ sốt 2 - 3 ngày trở lên là chỉ dấu SXH, cần đến cơ sở y tế khám và xét nghiệm, từ đó có hướng điều trị thích hợp. Giai đoạn hết sốt, vào khoảng ngày 4 - 5 khởi phát bệnh, là thời điểm nguy hiểm nhất của SXH. Khoảng 10 - 20% bệnh nhân hết sốt nhưng mệt mỏi hơn, tay chân nổi ban, đau vùng bụng bên phải, buồn nôn, nặng hơn thì chảy máu răng, máu cam, nôn ra máu, đi tiêu ra máu, tay chân lạnh. Đây là triệu chứng của sốc SXH. Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, người bệnh có nguy cơ tử vong cao.

Theo các chuyên gia y tế, người mắc SXH thường sốt rất cao khiến cơ thể mệt mỏi, trong thời gian này nên dùng dung dịch Oresol (ORS). Nên pha với nước đun sôi để nguội theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Không thêm đường vào dung dịch sau khi pha, không chia nhỏ gói ORS để pha thành nhiều lần cũng như pha quá đậm đặc sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng; Bệnh nhân có thể dùng các loại nước trái cây như nước cam, nước chanh, nước dừa. Nước trái cây vừa có tác dụng cung cấp nước và chất điện giải, vừa có chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu, giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng tính vững bền của thành mạch, giảm nguy cơ xuất huyết...

Để phòng bệnh SXH - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn khuyến cáo: Chống dịch bệnh SXH chỉ ngành y tế vào cuộc là chưa đủ. Nếu người dân hiểu rõ về cơ chế lây truyền bệnh và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống theo hướng dẫn của cơ quan y tế thì có thể ngăn chặn được sự gia tăng dịch bệnh.

Trong cuộc họp trực tuyến với 20 tỉnh phía Nam về phòng chống SXH mới đây, GS. TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị các địa phương nâng cao năng lực dự phòng, điều trị bệnh. Trong đó, đội ngũ y tế tại các phòng khám tư nhân cần tập huấn cách phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh nhân nhằm hạn chế biến chứng và tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sốt xuất huyết không còn theo chu kỳ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO