Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nguồn lực nhà nước giữ vai trò định hướng, dẫn dắt, lan tỏa, thu hút, huy động; nguồn lực của dân cư, doanh nghiệp là nguồn lực chủ yếu; nguồn lực ngoài nước là sự bổ sung quan trọng đối với đầu tư phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại phiên trả lời chất vấn chiều nay (14/6). (Ảnh: Quốc Anh).
Lời mở đầu tại phiên chất vấn chiều nay (14/6), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ về thực trạng của lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư trong việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Trí Dũng, lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh áp lực ngày càng lớn về nhu cầu nguồn lực để thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Mặc dù Bộ KH&ĐT đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả tích cực trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn tồn tại nhiều vấn đề mà các ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm, đòi hỏi tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong việc giải quyết những khó khăn vướng mắc, tham mưu những giải pháp vừa căn cơ dài hạn, vừa cấp bách trong ngắn hạn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nguồn lực của dân cư, doanh nghiệp, khu vực đầu tư nước ngoài trong xã hội còn nhiều dư địa để huy động, tuy đã có giải pháp nhưng hiệu quả chưa cao, do vậy cần tiếp cận theo hướng kiến tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và tạo niềm tin để người dân và doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tham gia phát triển hạ tầng...
Nguồn lực nhà nước giữ vai trò định hướng, dẫn dắt, lan tỏa, thu hút, huy động; nguồn lực của dân cư, doanh nghiệp là nguồn lực chủ yếu; nguồn lực ngoài nước là sự bổ sung quan trọng đối với đầu tư phát triển.
Đầu tư công đã có nhiều cải thiện, nhất là công tác xây dựng thể chế, pháp luật. Chỉ thị 1792/CT-TTg năm 2011 và Luật Đầu tư công năm 2015 đã giúp tăng cường quản lý chặt chẽ hơn, khắc phục cơ bản được những tồn tại hàng chục năm như đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản, ứng trước vốn kế hoạch những chưa có nguồn hoàn trả...
Tuy nhiên, việc chuyển hướng sang quản lý chặt chẽ hơn cũng không tránh khỏi nảy sinh nhiều vấn đề khó khăn về quy trình, thủ tục; về nhu cầu không được đáp ứng đủ vốn; về sự co kéo trong bố trí vốn; phân bổ vốn không tập trung; giao vốn chậm, nhiều lần... đòi hỏi chúng tôi phải tập trung tháo gỡ, giải quyết trong thời gian tới.
Nguồn vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp và có xu hướng giảm dần trong tổng đầu tư toàn xã hội và trong chi tiêu ngân sách, do vậy vấn đề mấu chốt quan trọng nhất là phải tập trung quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn công, giải được bài toán cân đối về cơ cấu vùng miền, ngành, lĩnh vực, mục tiêu ưu tiên, vừa quản lý chặt chẽ nhưng cũng phải vừa thuận lợi để triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế tối đa sự thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
Các dự án trọng điểm quốc gia đều là các dự án lớn, có sự đóng góp đáng kể vào tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế, trong đó các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước có vai trò và sức lan tỏa rất lớn, sẽ huy động được sự tham gia đáng kể nguồn vốn ngoài ngân sách.
Tăng cường trách nhiệm của Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành liên quan tại thời điểm này là vừa để tìm cách xử lý, tháo gỡ khó khăn, vừa xây dựng giải pháp để dự án sớm triển khai, đi vào hoạt động hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Trí Dũng chia sẻ, với tinh thần tiếp thu, cầu thị, rút kinh nghiệm và đổi mới, với tư cách là bộ trưởng của nhiệm kỳ Chính phủ mới và lần đầu tiên trả lời chất vấn của Quốc hội, đây là dịp để Bộ KH&ĐT thấy được thêm trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục hoàn thiện các giải pháp, giải quyết các vấn đề kịp thời, thấu đáo; đổi mới, cải thiện hơn nữa công tác tham mưu xây dựng chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.