Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đồng vốn

Việt Thắng (thực hiện) 24/10/2016 07:00

Chính phủ vừa trình Quốc hội Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Trao đổi với ĐĐK, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng, để thực hiện được đề án phải có sự đồng thuận, triển khai đồng bộ, phải thẩm thấu ý nghĩa quan trọng của đề án tái cơ cấu để chung sức thực hiện cho được đề án. Có như vậy mới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 6,7%-7%, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững.

Ông Trần Hoàng Ngân.

PV: Thưa ông, ông nhận định như thế nào về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ?

Ông Trần Hoàng Ngân: Đề án kế hoạch tái cơ cấu được chuẩn bị khá chi tiết; trong đó có tính đến các yếu tố như lạm phát là bao nhiêu, xuất khẩu là bao nhiêu phần trăm. Nhưng khi triển khai thực hiện có đúng theo kịch bản hay không thì đó là vấn đề. Hiện nay cái lớn nhất trong tư duy là phải thoát khỏi tư duy nội bộ của từng địa phương, thoát khỏi tư duy cào bằng mà dùng cơ chế thị trường.

Trong tái cơ cấu nền kinh tế lần thứ nhất, rất rõ là cơ cấu thị trường, phân bổ nguồn lực, ưu tiên cho vấn đề hiệu quả, trong đó có tái cơ cấu lại vùng kinh tế, ngành kinh tế. Trong đó là sắp xếp lại, các địa phương gắn với từng thế mạnh của mình, khu vực nào làm công nghiệp? Khu vực nào làm nông nghiệp? Khu vực nào làm chế biến? Khu vực nào là dịch vụ? Có như vậy thì nó đảm bảo được sự phân bố hợp lý.

Sự cạnh tranh giữa các địa phương dẫn đến cạnh tranh không công bằng, hay cạnh tranh tạo lợi thế cho nhà đầu tư nước ngoài. Còn nếu phân bổ rõ khu vực này là công nghiệp, khu vực này của nông nghiệp thì ta đã có sự phân bổ lao động một cách hợp lý và khoa học, tùy theo đặc điểm của từng địa phương. Tôi nghĩ là đó là cái tốt.

Vậy theo ông vấn đề quan trọng nhất trong tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay là gì?

- Vấn đề quan trọng hiện nay là phải làm sao nâng được năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), làm sao tăng được yếu tố năng suất… Vì đó mới là căn cơ vì giải quyết tái cơ cấu là giảm đóng góp về vốn cho GDP, vốn cho GDP trước đây là 60% của GDP tăng trưởng là nhờ vốn.

Bây giờ đề án tái cơ cấu là giảm cái đó xuống, chỉ vào khoảng 50% về mặt vốn thôi. Còn lại là nâng TFP lên. Như vậy tái cơ cấu là phân bổ các nguồn lực theo hướng hiệu quả. Vì phân bổ nguồn lực theo hướng hiệu quả sẽ góp phần làm tăng TFP, và khi tăng TFP thì nó tăng trưởng. Bài toán là như vậy.

Thời gian qua có nhiều ý kiến lo ngại trong việc phân bổ ngân sách đầu tư phát triển thông qua các dự án. Ý kiến của ông?

- Vì hiện nay nhu cầu rất lớn, cho nên địa phương nào cũng chứng minh mình có dự án rất cần thiết, cần thiết do đó địa phương nào cũng muốn xin. Vì vậy phải tính toán trên cơ sở cái nào là cấp bách, cái nào là có độ lan tỏa đến khu vực vùng thì ta ưu tiên đầu tư trước. Đó là nguyên tắc trong tư duy phân bổ.

Phải đảm bảo an sinh xã hội còn lại những cái nào mà yêu cầu đó chưa cấp bách thì tạm dừng chứ không phải ngưng hẳn. Ví dụ xây dựng công viên, hay quảng trường, trụ sở nếu thấy chưa cấp bách thì tạm dừng vì nợ của ta hiện nay đang rất cao. Nợ công, nợ Chính phủ của ta đang đứng thứ 71 trong khoảng 200 quốc gia. Như vậy là hạng cao, nhưng nếu so với GDP bình quân đầu người thì mình đứng 133. Điều đó cho thấy nợ công của ta rất là cao. Nợ công của Nhật Bản là 230% nhưng GDP bình quân đầu người họ là mấy chục ngàn USD nên nó khác. Hay châu Âu nợ công khoảng 90% nhưng bình quân đầu người là 30-40 ngàn USD.

Bây giờ nợ Chính phủ vượt trần nếu Chính phủ để vượt trần thì vi phạm các Nghị quyết của Quốc hội vậy thì làm sao mà điều hành được đất nước để thực thi pháp luật. Cho nên phải nới trần để Chính phủ mới có dư địa để điều chỉnh các chính sách theo hướng giảm dần. Vì đó là Quốc hội khóa XIII quy định Nghị quyết đó, bây giờ Quốc hội khóa mới phải quy định mức trần mới.

Vì thế tôi chấp nhận với kịch bản tái cơ cấu này với tư duy mới trong phân bổ nguồn lực và ngân sách theo hướng phân bổ cho các khu vực hiệu quả và cấp bách, chặn ngay các dự án chưa cần thiết. Đó là nguyên tắc đúng. Bây giờ muốn cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư thì phải có độ thẩm thấu thời gian mà Nghị quyết 19 và 35 vừa được Chính phủ ban hành, tức là phải có độ trễ của chính sách.

Ngay trong đề án của Bộ tài chính đã siết lại chi của các Thứ trưởng là rất tốt, từ đó cho thấy tư duy của người giữ tiền của ngân sách quốc gia đã có sự thay đổi làm sao sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đồng vốn của dân thì đó là tích cực, đó là cái quan trọng.

Nên có độ trễ cho chính sách phát huy chứ Chính phủ mới đối mặt với nợ công sát trần, nợ Chính phủ vượt trần thì làm sao mà điều hành được. Do đó bây giờ Quốc hội phải siết lại ngân sách, phân bổ ngân sách, và có chính sách để động viên được các tỉnh thành khác cân đối ngân sách nhà nước.

Vậy, theo ông để tái cơ cấu thành công chúng ta cần những giải pháp nào?

- Để thực hiện được Đề án phải có một sự đồng thuận, triển khai đồng bộ cho tất cả bộ ban ngành địa phương, phải thẩm thấu ý nghĩa quan trọng của đề án tái cơ cấu để chung sức thực hiện cho được đề án. Có như vậy mới nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 6,7%-7%, nâng cao GDP bình quân đầu người, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng xanh bền vững.

Trong giai đoạn tới cần ưu tiên phát triển thành phần kinh tế tư nhân, tạo động lực phát triển những ngành nhà nước không cần nắm giữ từ đó thể hiện tính tự chủ của nền kinh tế. Đề án tái cơ cấu tới đây phải đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, phải làm sao để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm chi phí từ nguồn ngân sách nhà nước, có như vậy mới tạo được sự đồng thuận, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo kinh tế xã hội phát triển bền vững.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đồng vốn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO